Việt Nam cho thấy hình mẫu phòng chống COVID-19 “chi phí thấp” với nguồn lực hạn chế - bài viết trên website Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Thời báo Tài chính (Financial Times) - cho hay.
Đối mặt với đại dịch
Đối mặt với đại dịch nhưng chỉ có nguồn lực hạn chế - đây là thách thức đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhưng đứng trước đại dịch tưởng như dự báo sẽ tàn phá một đất nước như vậy, Việt Nam lại trở thành một hình mẫu trong việc ứng phó hiệu quả với nguồn lực hạn chế - bài viết trên WEF chỉ rõ.
Cho đến nay, Việt Nam chưa có ca tử vong nào do COVID-19. Không giống như các nước Châu Á giàu có khác, Việt Nam chưa thể tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Chẳng hạn Hàn Quốc đã xét nghiệm 338.000 người, trong khi tại Việt Nam con số đó chỉ ở mức 15.637 người (số liệu cho đến ngày 20.3).
“Xét nghiệm hàng loạt là tốt, nhưng còn phụ thuộc vào nguồn lực mỗi nước” - ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (tương đương Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ), được tờ Financial Times dẫn lời. “Điều quan trọng là cần nắm rõ số người có thể đã tiếp xúc với căn bệnh này hoặc trở về từ vùng dịch bệnh, sau đó thực hiện xét nghiệm với những người này” - ông Phu nói.
Hành động nhanh chóng
Khi người dân Việt Nam còn đang đón Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp Chính phủ, tuyên bố chống dịch COVID-19. Hồi cuối tháng Giêng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “chống dịch như chống giặc”.
Kể từ đó, Việt Nam đã chứng minh một mô hình trong việc ngăn chặn căn bệnh này ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng có sự lãnh đạo đầy quyết tâm - Financial Times viết.
Vào ngày 1.2, Việt Nam đã khởi động một loạt các sáng kiến để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 như đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, đóng cửa các trường học sau kỳ nghỉ Tết. Hai tuần sau, lệnh cách ly 21 ngày được áp dụng ở xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc. Tiếp theo là các quy định cách ly bắt buộc với người nhập cảnh từ nước ngoài, huỷ bỏ các chuyến bay, cách ly những người nhiễm bệnh và sau đó bắt đầu theo dõi bất cứ ai mà họ có thể đã tiếp xúc. Các sinh viên y khoa, các bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu cũng tham gia chống dịch…
WEF nhận định, những nỗ lực chủ động của Việt Nam có được sau 2 thập kỷ cải thiện lớn về chất lượng cuộc sống. Từ năm 2002 đến 2018, công cuộc chuyển đổi kinh tế đã giúp hơn 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi, lên hơn 2.500 USD trong năm 2018, khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP thực tế là 7,1%. Sức khỏe của quốc gia cũng được cải thiện - tuổi thọ tăng từ 71 năm 1990 lên 76 năm 2015.
Chăm sóc sức khỏe ngày càng cải thiện
WEF cho hay, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng đang được cải thiện, dù vẫn còn nhiều khó khăn. Việt Nam mới có khoảng 8 bác sĩ trên 10.000 dân, trong khi Italia và Tây Ban Nha đều có 41 bác sĩ trên 10.000 dân, Mỹ có 26 và Trung Quốc có 18.
Trong phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và ban hành kịp thời. Ngoài ra Việt Nam còn có một nền văn hóa giám sát mạnh mẽ. Thay vì phụ thuộc vào y tế và công nghệ để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng công an và quân đội đã tham gia vào công cuộc giám sát giúp ngăn ngừa dịch bệnh. Người dân cũng sẵn sàng thông báo với chính quyền nếu phát hiện có người nghi ngờ nhiễm bệnh. Bất cứ ai chia sẻ tin giả và thông tin sai lệch về COVID-19 có nguy cơ bị phạt và khoảng 800 người đã bị phạt cho đến nay - WEF cho hay.
Trong khi đó, theo Financial Times, báo chí Việt Nam không ngừng đưa ra thông điệp, còn các quan chức minh bạch về dịch bệnh. Bộ Y tế Việt Nam Việt Nam thường xuyên gửi tin nhắn cung cấp thông tin và đưa ra lời khuyên về sức khỏe liên quan đến COVID-19.
Một cuộc khảo sát gần đây của Nielsen Vietnam, công ty nghiên cứu thị trường, cho thấy phần lớn số người được hỏi là những người có nhận thức cao về các triệu chứng COVID-19. Các nỗ lực của chính phủ để chống lại COVID-19 đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi, chẳng hạn thể hiện qua các bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội cổ vũ nhân viên y tế và những khẩu hiệu như: “Ở nhà là yêu nước”.
Bằng cách tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình, Việt Nam - nước có nguồn lực hạn chế - đã giành được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế, WEF và Financial Times khẳng định.
Việt Nam chủ động, tự tin ứng phó với đại dịch Covid-19 Tại châu Âu, tình trạng quá tải bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng đang diễn ra, dẫn đến thực tế những bệnh viện thuộc loại tốt ... |
Người dân Việt Nam rất cảm ơn, tự hào về đội ngũ y, bác sỹ Phát biểu tại buổi hội chẩn trực tuyến về điều trị các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức ... |