Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trong phiên chất vấn của Quốc hội kéo dài từ ngày 6-8/11. 77 đại biểu đã đăng ký chất vấn trong chiều 6/11.
Dự báo đáng lo ngại
Trong báo cáo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký, gửi tới các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Công Thương cho biết, tổng nhu cầu điện năng năm 2019 gần 241 tỉ kWh, tăng trên 9,4% so với 2018. Năm nay, không cần tiết giảm điện năng và dự kiến năm 2020 vẫn đủ điện.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐB) về việc phát triển nguồn điện còn gặp rất nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận: “Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao trong năm 2019 và 2020, thậm chí tới những năm 2022 nguy cơ không có dự phòng tại những vùng phụ tải cao như ở Tây Nam Bộ là rất lớn.”
Các tính toán cụ thể cho thấy, với kịch bản tần suất nước bình thường (50%), lượng điện thiếu vào năm 2023 khoảng 1,8 tỉ kWh. Ở kịch bản tần suất nước 75%, do khô hạn nên sản lượng thuỷ điện sẽ thấp hơn khoảng 15 tỉ kWh một năm. Do đó, thời điểm thiếu điện rơi vào 3 năm 2021-2023, với sản lượng thiếu hụt 1,5-5 tỉ kWh. Các năm còn lại sẽ thiếu 100-500 triệu kWh. Miền Nam sẽ là khu vực thiếu điện trầm trọng nhất, khoảng 3,7 tỉ kWh vào năm 2021 và tăng lên 10 tỉ kWh vào 2022.
Theo Bộ trưởng, trong năm 2019 và 2020, một trong những nguyên nhân khách quan lớn nhất là những điều kiện bất lợi về thời tiết và tính cực đoan rất cao. Hầu như các thủy điện đang không có đủ điều kiện tích nước để đảm bảo điều kiện phát phát hiện theo công suất được huy động.
Thứ hai là việc đang phải đối mặt với sự suy giảm tới thị trường năng lượng sơ cấp. “Hiện nay chúng ta đang phải nhập khẩu một khối lượng than rất lớn. Dự kiến đến năm 2020, chúng ta phải nhập khẩu tới 20 triệu tấn than; năm 2025 dự kiến phải nhập khẩu tới 35 triệu tấn than” – Ông Trần Tuấn Anh dự báo.
Về nguyên nhân chủ quan, lý do thiếu điện theo Bộ Công Thương chủ yếu là các dự án nguồn điện, nhất là dự án ngoài EVN chậm so với quy hoạch, và ảnh hưởng việc cung ứng điện cả nước.
Các dự án nguồn điện quan trọng như Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, chuỗi điện khí Lô B và Cá Voi Xanh... đều chậm hơn so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm.
Một khó khăn khác được nêu trong phát triển nguồn năng lượng, là câu chuyện vốn. Vốn đầu tư bình quân hàng năm gần 7,5 tỉ USD nhưng theo Bộ Công Thương, giá điện của Việt Nam mới đảm bảo cho các đơn vị của EVN có mức lợi nhuận khiêm tốn, các doanh nghiệp nhà nước khác như TKV, PVN cũng khó khăn về tài chính... Do đó, việc huy động vốn rất khó khăn.
Những phương án khắc phục
Về phương án đảm bảo cân đối điện, ông nói sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát như điện than, thuỷ điện, điện khí, điện mặt trời. Cùng đó, trình Chính phủ cơ chế mới về điện mặt trời với phương án thấp bổ sung thêm khoảng 6.000 MW điện mặt trời và 1.500 MW điện gió. Khả năng phải huy động cao hơn các nguồn điện này với 8.000 MW và điện gió huy động 3.000 MW.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết cũng đang tính toán phương án để có thể chuyển đổi cơ cấu phát điện của một số các nhà máy điện hiện hữu như điện Hiệp Phước, hiện đang phát dầu FO thì sẽ chuyển sang dùng khí LNG nhập khẩu và từ Vũng Tàu. Như vậy, sẽ có công suất bổ sung gần 400 MW.
Bộ trưởng cũng cho biết về giải pháp dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong Luật Đầu tư và Luật Điện lực. Từ đó cụ thể và làm rõ cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hoá các nguồn đầu tư của xã hội phát triển hệ thống truyền tải điện, cụ thể là các đường dây 500kv, tạo cơ chế và có biện pháp cụ thể để khai thác nguồn lực này. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng cho phép xã hội hoá trong các vấn đề về truyền tải điện nhưng không có nghĩa là đánh mất vai trò độc quyền của Nhà nước.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, phải tiếp tục phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có tính đến phát triển các hệ thống trung tâm năng lượng lớn về sử dụng khí nhập khẩu, khí LG như việc đang xây dựng ba trung tâm lớn và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ ở Long Sơn, Cà Ná và ở Bạc Liêu.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống