Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam có kinh nghiệm, khả năng và chuẩn bị sẵn sàng để thúc đẩy giải quyết vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế.

viet nam se thuc day giai quyet van de hoa binh o hdba
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York ngày 27/9/2018. Ảnh: Reuters.

"Thật vinh dự và tự hào khi Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm với mức rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết ngày 8/6, nhân dịp Việt Nam trúng cử với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục là 192/193. "Đây là cơ hội để chúng ta khẳng định vị thế đất nước và nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế".

Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo nhưng thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức về hòa bình và an ninh. Chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói và chậm phát triển vẫn là những mối đe doạ thường trực ở nhiều khu vực. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, dân túy, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, việc theo đuổi sức mạnh cường quyền, đi ngược luật pháp quốc tế đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia. Các vấn đề toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đã vượt quá năng lực giải quyết của bất cứ một quốc gia riêng lẻ nào, dù đó là siêu cường, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của tất cả các quốc gia.

Từng trải qua những năm dài chiến tranh, "người dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình. Việt Nam có kinh nghiệm, khả năng và đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết.

Hội đồng Bảo An LHQ gồm 15 thành viên, trong đó Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ là các ủy viên thường trực. 10 ủy viên không thường trực được chia thành hai nhóm với nhiệm kỳ hai năm xen kẽ nhau. Các ủy viên thường trực có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào, trong khi ủy viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết. Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò uỷ viên không thường trực HĐBA kể từ ngày 1/1/2020. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu, sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008 - 2009.

"Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên Hợp Quốc trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới", Thủ tướng viết.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam đồng thời sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Thủ tướng nhấn mạnh đây là trọng trách rất lớn, là "trách nhiệm kép", cũng là cơ hội thuận lợi giúp Việt Nam thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, bao gồm ASEAN.

"Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ nỗ lực hết sức mình để đảm nhiệm thành công trọng trách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, thực sự trở thành 'Đối tác vì Hòa bình bền vững", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết.

Phương Vũ

viet nam se thuc day giai quyet van de hoa binh o hdba Là ủy viên HĐBA, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với quốc tế

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng phối hợp với các đối tác nhằm ...

viet nam se thuc day giai quyet van de hoa binh o hdba Tham gia HĐBA, Việt Nam sẽ góp phần giảm chia rẽ giữa các cường quốc

Việt Nam sẽ làm tốt vai trò ủy viên Hội đồng Bảo an, góp phần giảm sự chia rẽ đã từ lâu khiến cơ quan ...

/ VnExpress