“Khi hội nhập quốc tế chúng ta phải coi trọng vấn đề giao dịch và làm thế nào bảo vệ được quyền sở hữu, nhất là quyền sở hữu trí tuệ”.

Giảm chi phí giao dịch thấp nhất

Bàn về việc Việt Nam tham gia các Hiệp định mậu dịch tư do (FTA) thế hệ mới, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng có 2 vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất là quyền sở hữu. Ông Liêm cho rằng, quyền sở hữu phải rõ ràng, cụ thể thì thể chế mới phát huy được tác dụng và thật sự hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp.

Thế nhưng hiện nay đất đai của chúng ta thuộc sở hữu toàn dân. Tất cả các tài sản lớn của tư nhân đều gắn với đất đai.

“Tài sản tư nhân, quyền sở hữu thì rõ nhưng vấn đề đất đai thì không rõ. Cho nên nhà nước khi thu hồi đất thường thu hồi luôn cả tài sản. Vấn đề đặt ra là tài sản tư nhân được pháp luật bảo vệ. Chúng ta thu hồi tài sản và tự định giá, không có một cơ chế thị trường nào cả, gây nên sự bức xúc”, ông Liêm nhấn mạnh.

viet nam tham gia fta the he moi hoi nhap the nao
TS Phạm Sỹ Liêm phát biểu tại diễn đàn

Vấn đề thứ hai được TS Phạm Sỹ Liêm nhắc đến, đó là giảm chi phí giao dịch. Theo vị chuyên gia, hiện nay công nghiệp 4.0 cho phép chi phí giao dịch giảm đi rất nhiều so với trước. Tuy nhiên nó lại đặt ra vấn đề bảo hộ quyền sở hữu, bảo hộ quyền kinh doanh...

“Đây là vấn đề rất khó khăn. Bây giờ khi hội nhập quốc tế chúng ta phải xem vấn đề giao dịch như thế nào và làm thế nào bảo vệ được quyền sở hữu, nhất là quyền sở hữu trí tuệ. Định hướng chung, tôi đề nghị cải cách thể chế toàn diện để đạt được 2 vấn đề. Một là hội nhập sâu và hai là tự bảo vệ.

Hội nhập sâu ở đây phải hiểu là biết mình, biết người. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh ở mọi góc độ”, ông Liêm khẳng định.

Một vấn đề khác TS Phạm Sỹ Liêm lưu ý khi Việt Nam tham gia hiệp định FTA thế hệ mới, đó là phải thay đổi tư duy sản xuất theo khả năng, nhất là đối với nông nghiệp.

Ông Liêm cho rằng, thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước để người nông dân sản xuất một cách tràn lan từ hồ tiêu, mắc ca đến nuôi lợn, cá... Tuy nhiên vấn đề đầu ra cho các mặt hàng trên chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng người nông dân điêu đứng, gặp nhiều khó khăn.

“Chúng ta phải đổi mới từ tư duy sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu. Tư duy này không dễ thay đổi vì chúng ta còn nặng tư tưởng thời bao cấp.

Ngoài ra tăng cường hợp tác trong nước. Chúng ta than phiền doanh nghiệp nhỏ nhưng tại sao chúng ta nhỏ? Các nước phát triển doanh nghiệp cổ phần, ai ít tiền thì đóng góp cổ phần vào để thành doanh nghiệp lớn. Trong khi chúng ta lại không như vậy, mỗi doanh nghiệp như kiểu một gia đình nên làm sao có công nghệ, sức cạnh tranh mạnh mẽ”, TS Liêm đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, muốn hội nhập sâu vào thị trường thế giới, ông Liêm cho rằng Việt Nam phải coi trọng vấn đề thương hiệu. Chúng ta phải vận dụng rào cản kỹ thuật và kiểm định để thay cho rào cản thuế quan.

“Không chỉ thế chúng ta phải giỏi pháp luật quốc tế để tự bảo vệ cho chính mình khi có các vấn đề kiện tụng, tranh chấp. Nếu cần thiết, các doanh nghiệp có thể thuê luật gia quốc tế hỗ trợ nhưng chi phí thường rất cao. Do đó, đội ngũ Luật gia trong nước phải vươn lên để đáp ứng nhu cầu này”, ông Liêm nhấn mạnh.

Phải giải quyết triệt để tình trạng tham nhũng

Trong khi đó, điều TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển lo lắng nhất hiện nay là tình trạng tham nhũng, cơ chế xin – cho ngày càng trở nên phổ biến khiến Việt Nam không có được một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

Đặc biệt, theo ông Hồ, chúng ta đang ở trong bẫy thu nhập trung bình, bẫy về vấn đề đổi mới thể chế cũng như mô hình phát triển.

viet nam tham gia fta the he moi hoi nhap the nao
TS Lưu Bích Hồ lo lắng nhất hiện nay là tình trạng tham nhũng, cơ chế xin – cho khiến việc tham gia FTA thế hệ mới gặp ảnh hưởng

“Kinh tế hiện nay của chúng ta đang chính trị hóa, hành chính hóa. Chúng ta chưa có nền kinh tế thật sự. Nếu Việt Nam không vượt qua được bẫy này thì không thể hội nhập và phát triển được.

Các nước đang chuyển sang một mô hình, thể chế hội nhập thế hệ mới nhưng chúng ta lại đang ở trong thế hệ cũ. Riêng về khoa học công nghệ, công nghiệp 4.0 chúng ta mới đạt được 2.0, có cái còn chưa được mức đó.

Vậy thì làm sao mà gọi là thế hệ mới được? Một thế hệ cũ chưa chuyển được sang thế hệ mới như các nước thì làm sao chúng ta hội nhập được. Thách thức chính là ở chỗ đó”, ông Hồ lo lắng.

TS Lưu Bích Hồ nhận định, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang tiến tới mức kịch trần và khó có thể vượt qua 7% tăng trưởng nếu không có sự thay đổi thật sự mạnh mẽ.

Để làm được điều này, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải tái cơ cấu, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để khắc phục những tồn tại, bất cập như thời gian qua.

“Đặc biệt, phải giao quyền tự chủ cho nền kinh tế tư nhân, sử dụng kinh tế tư nhân là tiềm lực chính để hội nhập kinh tế”, ông Hồ nêu quan điểm.

(http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/viet-nam-tham-gia-fta-the-he-moi-hoi-nhap-the-nao-3343053/)

viet nam tham gia fta the he moi hoi nhap the nao Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới: Bước ngoặt TPP

Gia nhập TPP có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và được coi là bước ngoặt khi chúng ta gia ...

viet nam tham gia fta the he moi hoi nhap the nao Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới: Nỗi lo rất lớn

Khi tham gia FTA thế hệ mới, Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh quyết liệt của mọi quốc gia, với nguy cơ tụt ...

viet nam tham gia fta the he moi hoi nhap the nao \'Việt Nam thuộc nhóm tham gia nhiều FAT nhất thế giới\'

“Việt Nam là nước tham gia nhiều hiệp định mậu dịch thương mại thuộc loại hàng đầu thế giới”, chuyên gia Trương Đình Tuyển nói.