Đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn là một nhiệm vụ quan trọng, được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, là doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, với vị thế của ngân hàng số 1 Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã luôn chủ động quán triệt và thực hiện quyết liệt trong công tác PCTN, nêu tấm gương điển hình trong toàn Đảng bộ Khối DNTW và ngành Ngân hàng… Tự hào về truyền thống và lịch sử vẻ vang, các đảng viên, cán bộ và người lao động Vietcombank luôn 3 không: không thể, không dám và không cần tham nhũng…trong PCTN.

Từ “Không thể”

Để hạn chế các phần tử cơ hội, kẻ xấu lợi dụng kẽ hở để thực hiện hành vi tham nhũng, Vietcombank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ban lãnh đạo đối với công tác PCTN, theo đó, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTN về công khai, minh bạch trong hoạt động, nhất là các lĩnh vực như: Công bố thông tin, công tác cán bộ, mua sắm, đấu thầu, ban hành các cơ chế, chính sách, quy định, hoạt động kinh doanh, kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo… ,Đảng ủy và BCH Đảng bộ Vietcombank đã ban hành các chương trình/kế hoạch cụ thể như: Công văn số 137-CV/ĐU ngày 13/07/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc trong toàn Đảng bộ và hệ thống Vietcombank; Kế hoạch số 11-KH/ĐU ngày 16/11/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” và Kế hoạch số 26-KH/ĐUK ngày 30/08/2021 của Đảng ủy Khối DNTW về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chương trình số 19-CTr/ĐU ngày 20/04/2022 về Chương trình công tác PCTN, tiêu cực của BCH Đảng bộ Vietcombank năm 2022...

Trong công tác quản trị, điều hành, Vietcombank đã triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp như: Chủ tịch HĐQT – Trưởng Ban chỉ đạo PCTN và tội phạm của Vietcombank đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác PCTN, tiêu cực và tội phạm như: Kế hoạch số 2518/VCB-BKTNB về thực hiện công tác PCTN, tiêu cực và tội phạm năm 2022 tại Vietcombank; Công văn số 2480/VCB-BKTNB và Công văn số 1892/VCB-BKTNB về việc thực hiện báo cáo công tác PCTN tại Vietcombank; Quyết định số 310/QĐ-VCB-CSTCKT về việc ban hành Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Vietcombank; Công văn số 4435/VCB-BKTNB của Phó TGĐ phụ trách Ban Điều hành về việc quán triệt, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 – 2021” tại Vietcombank...

Cùng với đó, các cấp ủy Đảng và Ban lãnh đạo đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác quán triệt và tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và quyết tâm hành động trong toàn thể CBNV.

Thứ hai, xây dựng và thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ: Vietcombank đã ban hành và triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về Quy chế tài chính, Quy chế đầu tư, trong đó quy định chặt chẽ về việc quản lý vốn và tài sản, quản lý chi tiêu; phân cấp thẩm quyền về đầu tư, mua sắm tài sản; xây dựng và ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ nhằm đảm bảo chặt chẽ và công khai, minh bạch trong thực hiện, phù hợp với tình hình thực tiễn và cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng.

Tại trụ sở chính (TSC) đã thành lập Ban mua sắm và quản lý tài sản nhằm quản lý tập trung việc mua sắm, đấu thầu, quản lý tài sản tại Vietcombank; đồng thời làm đầu mối quản lý việc thuê, mua trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch tại Vietcombank; Các quy định, quy trình thực hiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ thường xuyên được rà soát, hướng dẫn nhằm đảm bảo việc thực hiện tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần tiết kiệm thời gian cũng như chi phí của quá trình phê duyệt và xử lý hồ sơ. Trong hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư mua sắm tài sản, Vietcombank luôn thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Công tác rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản nội bộ trong công tác PCTN cũng được Vietcombank chú trọng và thường xuyên thực hiện nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Không chỉ với TSC, Ban lãnh đạo Vietcombank cũng thường xuyên yêu cầu các đơn vị/chi nhánh trong hệ thống thực hiện rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình về quản lý, chỉ đạo điều hành đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, xây dựng cơ bản…

Thứ ba, tiến hành cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt: Vietcombank áp dụng phương thức thanh toán, chi trả các khoản lương và thu nhập có tính chất lương của toàn thể CBNV qua tài khoản mở tại Vietcombank, góp phần đảm bảo tính minh bạch trong thu nhập và thực hiện PCTN. Trong công tác quản lý, điều hành hoạt động, Vietcombank từng bước áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt nhất trong hoạt động quản trị ngân hàng.

Vietcombank chú trọng áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch, thực hiện quy định về giao dịch một cửa, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, góp phần phòng ngừa các hành vi tham nhũng có thể xảy ra.

1
CBNV, người lao động Vietcombank tham gia Hội thi “Tư tưởng Bác soi đường chúng con đi” do Đảng bộ Vietcombank TSC tổ chức

Tất cả các nội dung trên cùng những quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, đã góp phần hạn chế tối đa việc lợi dụng các kẽ hở để thực hiện hành vi tham nhũng để những phần tử cơ hội “không thể” thực hiện được các hành vi tham nhũng.

… đến “Không dám”…

Theo các nhà tội phạm học, biện pháp khiến cho kẻ tham lam không dám tham nhũng là buộc họ phải đối mặt với nguy cơ “thân bại, danh liệt”, bị mất tất cả nếu tay dám “nhúng chàm”. Tại Vietcombank đã triển khai xây dựng và thực thi hàng loạt biện pháp, chế tài để các phần tử cơ hội “không dám” thực hiện hành vi tham nhũng.

Thứ nhất, thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn doanh nghiệp: Đảng ủy Vietcombank đã ban hành Quyết định số 747-QĐ/ĐU “Quy chế về việc Bí thư Đảng ủy Vietcombank tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân” để tổ chức triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, trong toàn Đảng bộ Vietcombank. Đây được xem như là một biện pháp cảnh báo, răn đe mạnh mẽ đối với những phần tử xấu, cơ hội đang có dấu hiệu manh nha tham nhũng bởi việc tiếp nhận thông tin đầu vào từ quần chúng và nhân dân luôn có “độ mở” lớn, luôn khiến cho kẻ xấu phải e ngại, chùn bước…

Thứ hai, thường xuyên thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, người lao động, người có chức vụ, quyền hạn. Tại Vietcombank luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, khen thưởng, kỷ luật cán bộ,… nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, nêu cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác PCTN, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và quyết tâm hành động PCTN trong toàn thể CBNV nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Vietcombank là ngân hàng minh bạch, hiệu quả và bền vững.

Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng cán bộ và nâng cao hiệu quả của công tác PCTN. Các văn bản đã ban hành để cụ thể hóa hành động như: Quy chế tuyển dụng lao động được ban hành theo Quyết định số 789/QĐ-VCB-TCNS ngày 19/05/2020 của HĐQT; Quy chế luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác và nghỉ bắt buộc đối với cán bộ Vietcombank ban hành kèm theo Quyết định số 2314/QĐ-VCB-TCCB ngày 01/10/2018 của HĐQT; Ban hành văn bản bổ sung, sửa đổi Quy định về ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của CBNV Vietcombank (Quyết định số 16/QĐ-HĐQT-QLRRHĐ ngày 07/01/2021) để quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định về hành vi ứng xử và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ có chức vụ, nhân viên, trong đó đưa ra các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức và các yêu cầu về ứng xử trong công việc áp dụng đối với CBNV, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, uy tín của Vietcombank và ngăn ngừa rủi ro gian lận, góp phần PCTN và tội phạm trong ngân hàng.

Theo đó, CBNV và người có liên quan (bao gồm người có quan hệ gia đình) không được cùng thực hiện các nhiệm vụ dẫn tới giao dịch có xung đột lợi ích với ngân hàng; không được tự thực hiện và/hoặc phê duyệt giao dịch liên quan đến chính CBNV và/hoặc người có liên quan của CBNV đó; CBNV không lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp, cá nhân hoặc mối quan hệ người có liên quan với đồng nghiệp để thực hiện hành vi gian lận; Trưởng đơn vị không được bố trí người có liên quan vào các vị trí lãnh đạo các bộ phận trong phạm vi mình quản lý theo quy định hiện hành về bổ nhiệm cán bộ của Vietcombank...

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra và phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán: Thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định nội bộ nhằm phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời những tồn tại, sai sót, vi phạm; đề xuất các giải pháp khắc phục và hình thức xử lý phù hợp đối với những tồn tại, sai sót, vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, thực hiện công tác PCTN hiệu quả tại các đơn vị. Vietcombank cũng chủ động nghiên cứu xây dựng các nguyên tắc phân tích dữ liệu và phát hiện sớm các trường hợp giao dịch bất thường để có biện pháp sàng lọc, cảnh báo, quản trị rủi ro. Bộ máy kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Vietcombank đã tổ chức kiểm tra định kỳ kết hợp với kiểm tra đột xuất, giúp phát hiện cảnh báo sớm, ngăn chặn các rủi ro trong kinh doanh.

Thông qua công tác tự kiểm tra của các đơn vị và hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Vietcombank cũng như kết quả công tác thanh tra, kiểm toán của các cơ quan bên ngoài như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra NHNN..., cho thấy trong 2 năm trở lại đây, Vietcombank không phát sinh các trường hợp/vụ việc phải xử lý. Cán bộ, đảng viên, người lao động luôn có ý thức rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; có thái độ tôn trọng khách hàng, tận tâm, tận lực phục vụ khách hàng, được khách hàng tin tưởng. Ban cạnh đó, khi thực hiện kê khai bổ sung lý lịch hàng năm, CBNV luôn được quán triệt về nội dung “Đánh giá việc tuân thủ Quy định ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của CBNV Vietcombank (COC). Theo đó, CBNV, người lao động đều thực hiện ký cam kết tuân thủ: (i) Nghiên cứu, đọc hiểu và nắm được nội dung của COC. (ii) Cam kết tuân thủ các nguyên tắc chung và quy định của COC. (iii) Đồng ý chịu hình thức xử lý kỷ luật đến mức sa thải theo quy định của Vietcombank và chịu trách nhiệm trước pháp luật, bồi thường trách nhiệm vật chất cho Vietcombank nếu có hành vi vi phạm nghiêm trọng gây thiệt hại về tài sản, lợi ích của Vietcombank theo quy định nội bộ, quy chế, quy trình nghiệp vụ… của Vietcombank và pháp luật lao động hiện hành.

Thứ tư, quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTN. Vietcombank đã ban hành các văn bản quy định vai trò của người đứng đầu, quy định nguyên tắc cấp trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động; Thực hiện cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, tham nhũng tại các đơn vị. Trong xử lý sai phạm, Vietcombank kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay, dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm; thực hiện tốt việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; PCTN và tội phạm. Tất cả các biện pháp nói trên chính là các rào cản, là cảnh báo sớm, là chế tài xử lý rất nặng, để cho các phần tử xấu và cơ hội “không dám” thực hiện các hành vi tham những, ngay cả khi đó chỉ là trong suy nghĩ chứ chưa nói đến hành động.

2
Đ/c Phạm Quang Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Vietcombank phiên họp tháng 4/2022 triển khai các nội dung, trong đó có nội dung về chương trình PCTN, tiêu cực của Ban thường vụ Đảng ủy Vietcombank năm 2022

… và Không cần.

Với các nước tiên tiến trên thế giới, để người lao động “không cần” tham nhũng, điều kiện tối thiểu là  cung cấp cho họ thu nhập/mức lương đủ để hồi phục sức lao động cho bản thân, nuôi sống gia đình và có tiền tiết kiệm. Đối với Vietcombank, để CBNV, người lao động yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến, ngân hàng đã xây dựng một môi trường làm việc hướng đến chỉ số hạnh phúc cao, một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp.

Tại các phòng/ban/trung tâm tại TSC và các chi nhánh Vietcombank có đưa ra những giờ hạnh phúc và ngày hạnh phúc. Thời điểm đó, CBNV tạm gác lại những bề bộn, lo toan của công việc, cuộc sống, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về gia đình, đồng nghiệp, lối sống, sở thích… giúp mọi người thêm hiểu nhau, đoàn kết, gắn bó và tương hỗ hơn trong công việc. Đây là điều mà không phải tổ chức tín dụng nào tại Việt Nam có thể thực hiện. CBNV Vietcombank luôn tự hào khi được làm việc tại ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam 6 năm liên tục và nằm trong Top 2 doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam - theo khảo sát của Anphabe  công ty nghiên cứu thị trường Intage; Năm 2021 vừa qua, Vietcombank được Vietnam Report vinh danh đứng thứ nhất trong số các ngân hàng Việt Nam và đứng thứ 3 trong Top 50 Vietnam Best Profitable – Top 50 Doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam. Nhiều tổ chức, đơn vị thông qua khảo sát độc lập của mình đã đánh giá thu nhập của CBNV Vietcombank luôn nằm trong Top số 1, 2 các ngân hàng Việt Nam…

Cũng tại Vietcombank, chính sách lương/thưởng, cơ chế thi đua – khen thưởng luôn thể hiện rõ ràng, công khai, minh bạch tạo động lực cho CBNV phấn đấu và nỗ lực trong hành trình khẳng định chính mình. Bên cạnh đó, Vietcombank còn đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, giáo dục. Đảng ủy Vietcombank luôn chú trọng, tăng cường vai trò giám sát của chi bộ trong quản lý, giáo dục nhận thức về công tác PCTN; đề cao, quán triệt thực hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị trong công tác PCTN nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN; gắn công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí với các hoạt động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, cán bộ và người lao động...

Với truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, lớp lớp thế hệ CBNV, người lao động Vietcombank luôn tự hào về lịch sử vẻ vang cùng những đóng góp của ngân hàng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước: Từ việc góp người, góp của cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến những việc làm “thầm lặng”, hóa giải những biện pháp phong tỏa/cấm vận Việt Nam của đế quốc Mỹ và những thành tích vượt bậc trong giai đoạn đất nước chuyển mình, đổi mới và phát triển, hội nhập kinh tế - quốc tế sâu rộng.

Với vị thế và vai trò của ngân hàng dẫn đầu, ngân hàng số 1 Việt Nam, tin chắc rằng những lợi ích vật chất sẽ không thể “cám dỗ”, hay lay chuyển được tinh thần, ý chí và nghị lực của “người Vietcombank”. Và như vậy, có thể khẳng định Vietcombank đã thành công trong công tác PCTN, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, môi trường doanh nghiệp…, cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân, khách hàng, bạn hàng trong và ngoài nước đóng góp, dựng xây đất nước để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực và thế giới./.

Đặng Thành / Thời báo Ngân hàng