Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã chứng khoán: VNM) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 4.2022 với doanh thu thuần đạt 15.069 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng trong kỳ tăng so với một năm trước, lợi nhuận gộp sụt giảm 13% so với quý 4.2021 xuống mức 5.846 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng nhẹ trong khi chi phí tài chính của VNM tăng mạnh từ mức 90 tỷ của quý 4.2021 lên 207 tỷ trong quý 4 năm 2022. Trong đó, chi phí lãi vay tăng 130% lên mức 53 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí và khoản lỗ hơn 4,5 tỷ từ công ty liên kết, Vinamilk báo lãi sau thuế 1.869 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ của một năm trước. Qua thống kê dữ liệu tài chính các năm cho thấy, đây là mức lợi nhuận thấp nhất của Vinamilk tính từ quý 1.2018 đến nay.

Cả năm 2022, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 59.956 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.578 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,5% và 19% so với 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 năm gần đây (giai đoạn 2016 - 2022) của Vinamilk.

Vinamilk (VNM): Lợi nhuận xuống mức thấp nhất trong 7 năm gần đây -0
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Vinamilk đạt 8.578 tỷ đồng, mức thấp nhất giai đoạn 2016 đến 2022

Trong năm 2022, VNM đặt kế hoạch tổng doanh thu 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.770 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, VNM hoàn thành 94% kế hoạch tổng doanh thu và 88% kế hoạch lợi nhuận.

Về tình hình tài chính của Vinamilk, tính đến ngày cuối năm 2022, khối tài sản của Vinamilk đạt 48.483 tỷ, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn. Nợ vay cuối kỳ của VNM là 4.933 tỷ, chủ yếu là vay ngắn hạn với chi phí lãi vay cả năm khoảng 166 tỷ.  Vốn chủ sở hữu tại ngày 31.12.2022 đạt 32.816 tỷ bao gồm 5.267 tỷ quỹ đầu tư phát triển, 3.353 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Cùng với sự đi xuống của lợi nhuận, tính đến hết năm 2022, giấc mộng thâu tóm thị trường cà phê của Vinamilk vẫn chưa trọn vẹn.

Sau khi cổ phần hóa vào năm 2003, Vinamilk tham vọng trở thành tập đoàn thực phẩm và nước giải khát đa ngành từ sữa, sản phẩm từ sữa, rượu, bia đến cà phê. Trong đó, cà phê là lựa chọn trái ngành đầu tiên; ngay năm 2003, Vinamilk ra mắt thương hiệu True Coffee, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, dường như chẳng còn ai nhớ đến cái tên này. 

Vinamilk (VNM): Lợi nhuận xuống mức thấp nhất trong 7 năm gần đây -0
Sản phẩm Hi!Cafe của Vinamilk

Bước sang năm 2005, Công ty tiếp tục cho ra đời thương hiệu cà phê hòa tan Moment với một tinh thần quyết liệt hơn, chi 20 triệu USD đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Bình Dương với công suất 1.500 tấn/năm, thậm chí chi 2 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo thông qua hình ảnh Arsenal. Sản phẩm Moment có 2 loại là cà phê rang xay và cà phê hòa tan; mục tiêu lúc bấy giờ của Vinamilk sẽ chiếm 5% thị phần vào năm 2008, 15% thị phần vào năm 2009 và 30% thị phần đến năm 2010 tại thị trường Việt Nam. Thành công ban đầu, Moment giành được 3% thị phần, sau đó liên tục sa sút từ đỉnh. Chưa dừng lại, Vinamilk lần nữa tung ra thị trường sản phẩm cà phê hòa tan dạng chai chứ không phải bột, với tên gọi Hi!Cafe.

Vinamilk dự định sẽ dùng hệ thống cửa hàng phân phối sẵn có để mở các cửa hàng cà phê nhỏ tên Hi!Cafe, ngoài bán các chai Hi!Cafe, còn là nơi để khách hàng trải nghiệm sản phẩm. Đây được cho là bước đi đúng đắn khi Tính đến ngày 31.12.2022, hệ thống phân phối của Vinamilk đạt hơn 230.000 điểm trên toàn quốc, trong đó có gần 650 cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch nằm trên giấy tờ, bởi ngoài cửa hàng thử nghiệm ở trụ sở của Vinamilk tại Quận 7, đến hiện tại Vinamilk chưa thêm bất cứ động thái mới nào để thực hiện kế hoạch này.

 
Tú Anh