Người họ hàng hỏi vay mẹ tôi 100 triệu đồng để trả nợ. Côn đồ đến tận nhà đòi chặt một ngón tay của bác.

Người họ hàng hỏi vay mẹ tôi 100 triệu đồng để trả nợ. Côn đồ đến tận nhà đòi chặt một ngón tay của bác.

Gần một năm trước, người chị họ dưới quê hỏi vay mẹ tôi số tiền trên. Gia đình bác bị chủ nợ truy đòi. Anh con trai bị đánh gẫy chân. Côn đồ sau đó đến tận nhà đòi "xin ngón tay" nếu không trả nợ ngay.

Tôi rất ngạc nhiên vì trước đây gia đình bác không đến nỗi nào. Bác trai làm công chức, bác gái kinh doanh nhỏ, nhà cũng có của ăn của để. Tìm hiểu ra mới biết, do một lần làm ăn thua lỗ, họ vay tiền từ một số người quen trong làng để trả nợ. Nhưng càng làm càng lỗ, không vay thêm được người quen, bác nhắm mắt đi vay một chủ tiệm cầm đồ. Lãi vay ban đầu cũng không quá cao so với lãi suất ngân hàng, nhưng càng về sau càng tăng dần. Lãi mẹ đẻ lãi con sau mỗi tháng, số tiền nợ từ trăm triệu lên đến tỷ đồng... Giấy tờ ngôi nhà bao năm của cả gia đình đã bị chủ nợ giữ. Cả gia đình năm người phải thuê lại chính căn nhà của mình với giá năm triệu đồng một tháng để nương náu qua ngày. Bác gái phải làm giúp việc cho một gia đình khá giả trong làng. Bác trai nghỉ việc đi làm thêm để kiếm tiền trả nợ. Hai vợ chồng anh con trai nghỉ việc trên Hà Nội, đưa con về quê mở một cửa hàng tạp hóa để vừa làm chỗ dựa tinh thần cho bố mẹ và cũng kiếm thêm thu nhập phụ giúp trả nợ.

Cuộc sống của gia đình họ hàng ngày được mô tả trong bốn từ "sống trong sợ hãi". Cứ vài ngày, họ bị khủng bố tinh thần bằng "chất bẩn" ném vào nhà hoặc côn đồ đến dọa đánh. Mẹ tôi biết chuyện nên đồng ý rút tiền tiết kiệm dưỡng già cho bác vay mặc dù bà cũng không dư dả gì. Mẹ khuyên bác báo chính quyền can thiệp. "Đã báo rồi nhưng đâu lại vào đấy", bác thở dài.

Có thể nhiều người cho rằng gia đình bác ấy vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người vướng vào vay nặng lãi, tín dụng đen và đã phải trả nợ bằng cả tính mạng, gia đình tan nát, phải tha phương cầu thực. Tín dụng đen đã bao năm nay lộng hành, nhất là ở những vùng quê, vì đâu?

Đây là hình thức kinh doanh tiền phi chính thức, người dân tự vay mượn lẫn nhau, tự thỏa thuận mức giá giữa các cá nhân hay cá nhân và tổ chức. Hầu hết các khế ước này không được pháp luật thừa nhận, có lãi suất huy động rất cao, thường trên 50%, thậm chí đến 70% mỗi năm. Lãi suất cho vay thường trên 100% mỗi năm. Bù lại, điều kiện và tốc độ cho vay rất đơn giản, thuận tiện. Họ không cần dự án đầu tư, không tài sản thế chấp, không hợp đồng vay vốn, thời gian giải ngân vốn nhanh thậm chí chỉ 30 phút sau khi người vay yêu cầu; thời hạn huy động và cho vay ngắn, phổ biến là hàng ngày, tuần đến hàng tháng.

Quy mô tín dụng phi chính thức tại Việt Nam theo ước tính của nhóm nghiên cứu chúng tôi vào cuối năm 2018 chiếm khoảng trên dưới 20% dư nợ tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm trên 30% dư nợ tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6% đến 8% tổng dư nợ của nền kinh tế, ước trên 550 nghìn tỷ đồng.

Ngoài những ưu điểm của tín dụng đen so với tín dụng chính thức, một trong những lý do căn bản để loại hình này tồn tại mạnh mẽ là nhu cầu cấp bách về vốn của người đi vay trong khi họ thiếu các điều kiện để được vay vốn và có được thủ tục thuận tiện từ các tổ chức tín dụng chính thức. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc "thuận mua vừa bán". Tôi có nhu cầu vay gấp để giải quyết vấn đề của tôi, anh có tiền nhàn rỗi muốn thu lợi càng nhiều càng tốt, nên ta gặp nhau. Người đi vay vì bí bách mà "nhắm mắt đưa chân", người cho vay biết nhiều khi người vay không trả được nợ nên đã trang bị các công cụ cho mình như dùng lãi suất cao, nuôi đội ngũ giang hồ đòi nợ, thậm chí thông đồng với chính quyền như vụ án Đường Nhuệ.

Theo một thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, giai đoạn 2015-2018, bình quân mỗi năm cả nước có gần 2.000 vụ phạm pháp liên quan đến tín dụng đen. Tôi tin đó chỉ là phần nổi của tảng băng bởi hoạt động tín dụng đen còn núp bóng dưới nhiều hình thức khác như: cầm đồ, công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý, công ty bảo vệ, công ty tài chính, đại lý hoa hồng, những năm gần đây còn có thêm các cá nhân và tổ chức cho vay trực tuyến qua các trang web, mạng xã hội, ứng dụng di động và vẫn đang được quảng cáo công khai... Ở mọi địa phương đều có các cá nhân chủ hụi, họ, phường luôn huy động vốn với lãi suất cao bất thường, chỉ cần hỏi tên ai cũng biết.

Vậy, tại sao tín dụng đen lộng hành đến thế? Đã có rất nhiều ý kiến đề xuất ở mọi nơi, nhưng tôi cho rằng để giảm bớt vấn nạn, như quy luật đơn giản: tín dụng lành mạnh phải vận hành tốt để đối trọng lại "tín dụng đen". Đơn giản, người dân cần nhiều hơn những chính sách hỗ trợ tài chính nhanh và dễ thực hiện từ chính quyền địa phương, kênh tín dụng nhỏ dành cho nhóm người yếu thế, các gói "tín dụng cấp bách" với lãi suất thấp và điều kiện đơn giản, các kênh tín dụng bình dân từ các ngân hàng - vốn chỉ ưu tiên phục vụ người có thu nhập trung bình trở nên. Chúng ta có quyền đòi hỏi các nhà quản lý thị trường tài chính và ngân hàng những biện pháp rất cơ bản mà nhiều nước có nền kinh tế tương tự ở châu Á và châu Phi đã làm rất hiệu quả. Nhiều năm nay, không phải các cơ quan chưa bàn tới, chỉ là chưa thực hiện trên thị trường.

Cùng với chính sách vĩ mô, cải thiện thái độ thực thi pháp luật ở cán bộ các cấp trong việc bảo vệ người dân đang là một nhu cầu thực sự. Chừng nào loại bỏ được sự vô cảm của một bộ phận cán bộ, loại bỏ được câu chuyện "quan xa nha gần" trong thực thi pháp luật, "virus tín dụng đen" mới bị "cách ly" khỏi xã hội.

Vũ Hồng Thanh

Đòi nợ tín dụng đen: Ném mắm tôm, trộn dầu nhớt, trải truyền đơn… Đòi nợ tín dụng đen: Ném mắm tôm, trộn dầu nhớt, trải truyền đơn…
Thứ trưởng Bộ Công an: Vay qua app là tín dụng đen Thứ trưởng Bộ Công an: Vay qua app là tín dụng đen
Công an TPHCM nói gì về tín dụng đen qua app đang hoành hành? Công an TPHCM nói gì về tín dụng đen qua app đang hoành hành?

/ vnexpress.net