Theo đánh giá của nhiều bộ ngành và các địa phương, nguyên nhân lớn nhất khiến hàng loạt bộ ngành và các địa phương xin trả lại hơn 6.300 tỉ đồng vốn đầu tư công xuất phát từ những vướng mắc trong triển khai đền bù giải phóng mặt bằng, cũng như các vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù.
Nút thắt giải phóng mặt bằng
Số liệu được Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng công bố cho thấy, trong tổng số hơn 6.300 tỉ đồng vốn đầu tư công mà các bộ ngành, địa phương xin trả lại, số vốn trong nước là 341,6 tỉ đồng và vốn nước ngoài là 5.996,454 tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc chậm giải ngân vốn do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công đoạn thi công… “Đây là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công” - Bộ trưởng Bộ KHĐT nói.
Ngoài ra còn có tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu. Các đơn vị chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm. Chưa dừng lại, trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Trong đó, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch. Bởi, hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công,... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ.
Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng) cho biết, việc trả lại vốn đầu tư công có hai khả năng. Thứ nhất, dự án đó về mặt tiến độ không kịp. Thứ hai, do nhiều lý do trong đó các quy trình thủ tục hiện nay về đầu tư công. Mặc dù Luật đầu tư công sửa đổi ban hành, các thủ tục rút ngắn nhưng không thể đốt cháy giai đoạn. Đặc biệt là bối cảnh hiện nay nhiều địa phương cẩn trọng trong chuyện phê duyệt các dự án đầu tư. Nếu rút ngắn hoặc bớt quy trình dễ dẫn đến sai sót nên họ rất cẩn trọng. Cũng theo vị này, việc trả lại vốn đầu tư công cũng có thể do dịch bệnh, địa phương đó không đủ điều kiện kể cả về mặt thực tế hay do giải phóng mặt bằng còn vướng mắc.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, việc điều hành vốn đầu tư công rất linh hoạt, bởi những đơn vị nào không đủ điều kiện giải ngân thì chuyển trả lại để Chính phủ chủ động điều tiết. Trước đây khi đã giao kế hoạch cho địa phương, bộ ngành nào thì chuyển điều chỉnh rất khó, không linh hoạt như bây giờ.
Quay vòng vốn đầu tư sau này ra sao?
Tuy nhiên, bên cạnh những linh hoạt thì cũng có những khó khăn như cơ chế điều chỉnh vốn đầu tư công hay chuyển nguồn.
“Mới đây, lãnh đạo Chính phủ đã nói nếu trả về được rồi, nhưng trả về rồi thì sau này có được ghi lại vốn đó cho kế hoạch năm sau hay không? Nếu không kịp thời để bố trí vốn đầu tư công cho năm sau và năm tiếp theo thì dự án đó sẽ bị ách tắc lại, chậm trễ lại, ảnh hưởng tiến độ đầu tư…” - ông Tùng nói và cho biết thêm, lúc đó đòi hỏi các bộ, cơ quan tham mưu đề xuất kế hoạch đầu tư công lại phải linh hoạt, có những giải pháp quy trình điều chỉnh, tùy tình hình để kịp thời bổ sung cho họ.
“Theo tôi, như Thủ tướng đã khẳng định tất cả các bộ ngành, địa phương là phải đặt quyết tâm cao nhất. Thực sự mà nói giải ngân vốn đầu tư công chính là biện pháp quan trọng trong phục hồi kinh tế để thúc đẩy tiêu dùng trong xã hội. Đầu tư khối ngoài nhà nước đang vướng do doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Để tạo GDP, thị trường thì phải dùng vốn đầu tư công để kích, đây cũng là kênh giúp cho tiêu thụ phát triển. Kéo theo dịch vụ các nhà thầu, kéo theo các chi tiêu đem lại công ăn việc làm, an sinh xã hội” - đại biểu Tùng nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa, theo vị đại biểu này là các bộ ngành, địa phương phải cố gắng hết sức trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Là một trong các địa phương xin chuyển trả lại tiền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2020, Thủ tướng giao kế hoạch vốn đầu tư cho Hà Nội hơn 40.671 tỉ đồng. Đến nay, TP đã giải ngân được 49,6% và đặt mục tiêu giải ngân 100% đến cuối năm.
Trả lại 1.800 tỉ đồng, Bộ NNPTNT vẫn còn 18.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa giải ngân
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT 3.638 tỉ đồng vốn nước ngoài, nhưng nhu cầu sử dụng thực tế các dự án chỉ 1.830 tỉ đồng. Vì thế, bộ này đã có 3 văn bản đề nghị xin được điều chuyển số vốn không dùng tới. Đáng chú ý, cũng theo Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn trung hạn đơn vị được phân bổ là 70.014,8 tỉ đồng; đã được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho các dự án là 69.921,4 tỉ đồng. Vốn đã được giao hàng năm giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 288 dự án là 62.012,8 tỉ đồng (bao gồm cả 10% dự phòng).
Đối với vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết, lũy kế đến ngày 31.7.2020, Bộ NNPTNT đã thực hiện giải ngân được 51.965 tỉ đồng (bằng 74,3% tổng nguồn vốn được giao). Theo đó, còn 17.956 tỉ đồng (tương ứng 25,7% tổng nguồn vốn trong giai đoạn 2016-2020) chưa giải ngân. Đối với gần 18.000 tỉ đồng chưa giải ngân, từ nay đến cuối năm 2020, bộ sẽ tập trung giải ngân 10.047,4 tỉ đồng; còn lại 7.908,6 tỉ đồng sẽ giao vốn và giải ngân trong năm 2021.
Cao Nguyên