Việc VTV và SCIC xin rút khỏi dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới là quyết định hợp lòng dân, dũng cảm và đáng hoan nghênh.

Quyết định hợp lòng dân

Ngày 8/7, nhiều tờ báo dẫn nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, VTV và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn (SCIC) xin rút khỏi dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới.

VTV cho biết, hiện nay cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình. Do đó VTV xin thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty.

Trong khi đó, SCIC cũng chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển SCIC.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng đây là một quyết định sáng suốt và dũng cảm của VTV cũng như SCIC.

Việc VTV và SCIC xin rút khỏi dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới là quyết định hợp lòng dân, dũng cảm và đáng hoan nghênh. Ảnh minh họa

Theo ông Thịnh, từ khi VTV cùng 2 đối tác là SCIC và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga lập Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam cũng như lên kế hoạch xây dựng tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới dư luận đã bày tỏ sự không đồng tình.

Hơn nữa, với cơ sở vật chất tương đối hiện đại của VTV như hiện nay thì trong khoảng thời gian 15-20 năm nữa, đơn vị này vẫn có thể đảm bảo sóng truyền hình chuyển phát đến nhân dân cả nước.

“Tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn và sáng suốt. Bởi vì Việt Nam đã có quá nhiều dự án và công trình chúng ta muốn nhất thế giới hoặc hoành tráng. Nhưng đó chỉ là hình thức thôi.

Thực tế cũng có 1 khoảng thời gian, có 1 bộ phận khăng khăng phải xây tháp truyền hình cao nhất thế giới. Tuy nhiên về mức độ cần thiết, tôi thấy chưa quá nghiêm trọng.

Với SCIC là cơ quan quản lý vốn của nhà nước và cũng có mong muốn đầu tư vào tháp truyền hình để sinh lời. Nhưng phải nói rằng khi đầu tư vào tháp truyền hình cao nhất thế giới thì vốn của nhà nước sẽ nằm chết ở đó rất lớn và hiệu quả sinh lời không tương xứng với vốn bỏ ra. Do đó quyết định của VTV và SCIC là hoàn toàn đúng đắn”, ông Thịnh nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương cũng khẳng định, việc VTV và SCIC xin rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới cho thấy sự tính toán cẩn thận của 2 đơn vị này cả về mặt chính trị - xã hội lẫn yếu tố kinh tế.

Theo ông Đoàn, khi đầu tư bất cứ dự án gì, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đều hướng tới khả năng thu lại lợi nhuận. Với điều kiện hiện tại, việc xây dựng tháp truyền hình nhằm mục đích thu lợi nhuận ông Đoàn cho rằng không phải điều dễ dàng.

“Một dự án như tháp truyền hình bị nhiều ý kiến phản đối nên có thể VTV và SCIC đã lắng nghe, nhìn nhận lại vấn đề. Tuy nhiên cũng có thể hiểu rằng, khả năng thu hồi vốn thấp hơn nên họ không muốn mạo hiểm để triển khai dự án”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Chuyển sang các dự án an sinh, xã hội

Nhìn nhận việc VTV và SCIC xin rút khỏi dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, điều này chứng tỏ dự án trên không thật sự cần thiết như thuyết minh ban đầu của các đơn vị này.

Đặc biệt theo ông Thịnh, khi chủ đầu tư dự án là VTV và đơn vị bỏ vốn chính là SCIC như công bố ban đầu thì chắc chắn dự án tháp truyền hình sẽ phải dừng lại hoàn toàn.

“Công trình này chủ yếu là do VTV và SCIC bỏ vốn còn doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Thị Nga tham gia rất ít. Do đó khi 2 đơn vị trên muốn dừng lại, không triển khai xây tháp truyền hình thì doanh nghiệp của bà Nga không đủ khả năng để tiếp tục triển khai. Việc dừng lại là chắc chắn”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Cao Đoàn thừa nhận, nhu cầu xây tháp truyền hình hiện nay chưa cấp thiết bằng việc giải quyết các vấn đề dân sinh, giao thông vận tải. Do đó trong trường hợp VTV và SCIC dừng triển khai dự án, chúng ta nên xem xét dùng số vốn trên xây dựng các hệ thống đường thủy, đường sắt hay đầu tư vào nông nghiệp để mang lại hiệu quả lâu dài hơn.

“Giao thông vận tải và nông nghiệp đang là điểm yếu của Việt Nam. Tôi nghĩ tập trung vào 2 lĩnh vực này là cần thiết vào thời điểm này hơn là đầu tư xây dựng tháp truyền hình. Chắc chắn ý nghĩa xã hội và hiệu quả mang lại sẽ nhiều hơn so với kế hoạch mà VTV và SCIC đưa ra trước đây”, ông Đoàn nêu quan điểm.

/ baodatviet.vn