Một trong những sự kiện nóng bỏng trong tuần qua là phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”. Một phiên tòa không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân cả nước mà còn bùng nổ nhiều cảm xúc trái chiều: căm phẫn, bức xúc, xót xa...
- Xử vụ chuyến bay giải cứu: Đối chất hơn 400 cuộc gọi giữa cựu Thiếu tướng và cựu điều tra viên
- Từ vụ 'chuyến bay giải cứu': Bị ép buộc đưa hối lộ có bị xử lý hình sự?
Phiên xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”. Ảnh: CAND |
Mới qua tuần đầu xét xử mà phiên tòa đã có rất nhiều kịch tính. Có tới 54 bị cáo hầu tòa với đủ các thành phần trong xã hội, từ các vị từng một thời "hét ra lửa" như thứ trưởng, cục trưởng, tướng công an đến các tổng giám đốc, trợ lý lãnh đạo. Ra tòa mới thấy, đúng là “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Có những vị có máu mặt kia khi đứng trước vành móng ngựa bộc lộ đủ sự hèn kém, sự nhận thức hạn chế đến mức ấu trĩ. Còn hành động của họ thì đúng là táng tận lương tâm, nó vượt xa sự bàng quan, vô cảm, như có người nhận xét.
Táng tận lương tâm ở chỗ này: bị cáo Phạm Trung Kiên - thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế phá “kỷ lục” tại phiên tòa với 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền lên tới 42,6 tỉ đồng. Ra tòa anh ta khóc, cúi đầu nhận tội và “chỉ muốn chết”. Thế nhưng khi còn đương chức, vào lúc nước sôi lửa bỏng nhất, công dân cần được trở về nước sớm để tránh dịch và chữa bệnh thì Kiên cùng đồng bọn tìm mọi cách ăn tiền. Hắn quát giám đốc doanh nghiệp, gây khó dễ cho doanh nghiệp, đòi mỗi chuyến bay phải nộp 150 triệu đồng thì mới “xuôi”. Văn bản có chữ ký của thứ trưởng rồi nhưng chỉ được đóng dấu đỏ khi có tiền bôi trơn. 253 lần giở trò như thế trong một năm, thật là kinh hãi!
Tương tự như Kiên là Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trần Văn Dự - cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh, là Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)... những người này miệng nói “không để ai bị bỏ lại phía sau” nhưng thực ra là tìm mọi cách để “hành dân” như lời một bị cáo trước tòa. Họ đòi hối lộ, họ tìm cách gây khó, như chỉ thông báo giờ bay trước khi máy bay cất cánh một đêm, để doanh nghiệp chạy ngược chạy xuôi gõ cửa, để người dân vạ vật ở sân bay, phấp phỏng chờ đợi. Và các “chuyến bay giải cứu”, “chuyến bay combo” chỉ có thể khởi hành khi những đồng tiền chắt bóp của những người dân rơi vào túi những kẻ tham lam này. Đau lòng thay, họ “ăn chia” cả với gần 2.000 người mãn hạn tù ở Malaysia về nước.
Táng tận lương tâm và vô liêm sỉ khi có những bị cáo chối bai bải những việc mình đã làm, đổ tội cho bị cáo khác. Đó là trường hợp cựu Phó giám đốc Công TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky... Tuấn khai đã giao cả vali đôla cho Hưng, còn Hưng thì liên tục kêu oan, cho rằng lời khai của bị cáo Tuấn và Hằng là gắp lửa bỏ tay người. Có thể tin được không khi Nguyễn Anh Tuấn nói rằng, tôi phạm tội chỉ vì... thương người, cả đời công tác tôi đã luôn luôn “trong sạch”(!).
Xấu xa, bẩn thỉu khi Trần Việt Thái - cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia đã giao cho thuộc cấp “cưa đứt đục suốt”, quyết định mức thu 20,3 triệu đồng/người mãn hạn tù có hộ chiếu, gần 25 triệu đồng/người không có hộ chiếu, những người ở đảo xa cần mua vé máy bay thì mức thu từ 30 triệu đồng đến 35 triệu đồng/người.
Mới chỉ qua mấy ngày đầu xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, mà đã có biết bao điều nhức nhối, vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chắc hẳn trong một tháng xét xử sẽ còn nhiều chuyện bất ngờ. Một thứ “chuyện lạ” làm rối loạn kỉ cương, phép nước, làm băng hoại đạo đức con người. Có nhà văn viết rằng, “chuyến bay giải cứu” là một cuộc đại phẫu, một bài học đau xót đối với chúng ta.
Bài học lớn ở đây là: Vì sao công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được tiến hành mạnh mẽ, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng vẫn còn xảy ra những vụ án lớn như thế. “Chuyến bay giải cứu” là một vụ án của lương tâm. Một nhóm cán bộ thoái hóa biến chất đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh để ăn cắp, ăn cướp tiền của dân. Có những người do ăn tiền đã quen nên họ khai trước tòa rằng, bị cáo cứ nghĩ đó là chuyện bình thường, tưởng đó là sự cảm ơn của doanh nghiệp. Họ thản nhiên đút túi vài tỉ đồng cứ như con cá, mớ rau ngoài chợ.
Cùng với bài học lớn về sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của những người vừa trượt ngã, có những bài học về kiểm soát quyền lực, công tác quản lý cán bộ, đảng viên. Ở đây, có một vấn đề đáng suy nghĩ, đó là hành vi tham nhũng mang tính tập thể. Hành vi ấy xảy ra ở một số cơ quan cấp bộ, ở những ngành lâu nay được xem là “thanh bảo kiếm” là “mũ cao áo dài”, sao họ có thể cấu kết với nhau, cùng chung việc làm xấu như thế? Tuyệt nhiên không một lời can gián, một hành động ngăn chặn. Họ chỉ thật sự ân hận khi đứng trước vành móng ngựa. Và tất cả đều quá muộn!
Chống đại dịch Covid-19 là cuộc chiến vô cùng gian khổ, chưa có tiền lệ đối với Việt Nam cũng như thế giới. Xảy ra đại án “chuyến bay giải cứu” là điều rất đau xót. Rồi đây, khi phiên tòa khép lại, điều lắng đọng không chỉ là mức án bao nhiêu năm tù, chung thân, hay tử hình, mà cao hơn là con đường cải tạo, hoàn lương của các bị cáo. Chính một số bị cáo đã thành khẩn khai báo, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân. Pháp luật của Nhà nước ta rất nghiêm minh, công bằng, nhưng cũng rất nhân đạo. Nguyên tắc nhân đạo dành cho những người thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa, hoặc bồi thường thiệt hại gây ra. Những lời cảnh báo từ các phiên tòa không bao giờ là muộn.
https://petrotimes.vn/vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-mot-cuoc-dai-phau-689558.html