Bắt đầu từ ngày 3-1, kết thúc vào chiều 12-1, vụ án Việt Á với 38 bị cáo đã khép lại với những mức án được đánh giá là rất nhân văn nhưng cũng đủ sức răn đe. Tuy nhiên, có lẽ điều đọng lại nhất ở vụ án này chính là những lời khai, tình tiết vừa đau xót nhưng cũng rất bi hài…
Người tiều tụy, người khoe “phong độ”
Trong vụ án Việt Á, bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ” với số tiền chiếm hưởng bất chính đặc biệt lớn. Xuất hiện tại tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế không còn giữ được thần sắc như thời đương chức mà gầy rộc với mái tóc phủ bạc, đôi mắt trũng sâu u buồn. Bị cáo Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc thông qua thư ký là bị cáo Nguyễn Huỳnh gợi ý và nhận tiền hối lộ của “ông chủ” Việt Á Phan Quốc Việt nhiều lần, tổng cộng 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỷ đồng). Tại tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế khai bản thân không đòi hỏi, không gợi ý gì. Trong quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn, nói gia đình khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ. Trước câu hỏi của HĐXX: “Bị cáo nói rất công tâm, tại sao Phan Quốc Việt đưa tiền lại nhận?”. Đáp lời, giọng cựu Bộ trưởng trùng xuống và ngắn gọn: “Tôi đã sai, tôi xin lỗi”.
Khác hẳn với vẻ tiều tụy của bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh hầu tòa vẫn không quên mang theo nụ cười thường thấy. Bị cáo thậm chí còn “khoe phong độ” ngay trước công đường. Theo đó, sáng 5-1, đại diện Viện kiểm sát tiến hành thẩm vấn bị cáo Chu Ngọc Anh. “Trong quá trình điều tra, bị cáo có bị bức cung, nhục hình gì không?” - nữ Kiểm sát viên hỏi. Cựu Bộ trưởng cười đáp: “Nhìn tinh thần, sức khỏe của tôi phong độ thế này, không thể bị ép cung, nhục hình được”.
Trước câu hỏi của kiểm sát viên về túi quà nhận từ Phan Quốc Việt chứa 200.000 USD đang ở đâu và vì sao không dùng chính số tiền này để khắc phục hậu quả, bị cáo Chu Ngọc Anh trình bày, sau khi nhận túi quà, bị cáo để dưới sàn phòng nghỉ ở cơ quan. Một tháng sau, khi chuyển phòng làm việc sang UBND TP Hà Nội, bị cáo mở ra mới biết bên trong có tiền. “Lúc này bị cáo nghĩ ôi chết rồi, dù thế nào thì nhận tiền của doanh nghiệp cũng là sai và có lên kế hoạch để trả lại. Tuy nhiên 21 tháng về Hà Nội, bị cáo bận chống dịch nên chưa kịp trả lại và sau đó bị thất lạc mất” - cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khai. Câu “rất đau xót” luôn được bị cáo Chu Ngọc Anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt quá trình trả lời thẩm vấn về những sai phạm của bản thân.
Bóp méo và đánh tráo khái niệm
Trong vụ án, ngoài 2 cựu Bộ trưởng nêu trên thì 1 bị cáo khác cũng không thể không nhắc đến, đó chính là Phan Quốc Việt - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á. Hành vi phạm tội của “ông chủ” Việt Á không chỉ được mổ xẻ, đánh giá ở vụ án này mà còn giữ vai trò xuyên suốt ở hàng loạt vụ án xảy ra tại CDC 15 tỉnh, thành phố khác trên cả nước, cũng như vụ án xảy ra tại Học viện Quân y do Tòa án Quân sự Thủ đô thụ lý. Bị di lý tới phiên tòa, diện mạo của Phan Quốc khác hẳn so với trước đó. “Ông chủ” Việt Á rất hay tươi cười trong suốt thời gian diễn ra phiên xét xử.
Quá trình xử án cho thấy, Chủ tịch Việt Á đưa tiền “cảm ơn” cho bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) số tiền 50.000 USD. Trong khi đó, ngay ở giai đoạn điều tra và tại tòa, cựu Thứ trưởng một mực cho rằng chỉ nhận từ Phan Quốc Việt 100 triệu đồng. Đối chất về số tiền đưa - nhận hối lộ, trong khi bị cáo Tạc khá căng thẳng thì Việt vẫn không quên nở nụ cười “bí hiểm”.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ Việt Á ở Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội, Phan Quốc Việt cũng cười rất tươi và có lúc còn vòng tay hình trái tim, hướng ánh mắt về phía đồng phạm. Nhưng chỉ ngay sau đó, “ông chủ” Việt Á lại bộc lộ vẻ trầm ngâm khó đoán.
Đặc biệt, quá trình trả lời thẩm vấn tại tòa về hành vi đưa hối lộ tổng cộng hơn 106 tỷ đồng, “ông chủ” Việt Á Phan Quốc Việt còn bao biện và đánh tráo khái niệm. Cụ thể, theo truy tố, Phan Quốc Việt được tạo điều kiện để cùng nghiên cứu kit xét nghiệm với Học viện Quân y, được giúp đỡ cấp phép tạm thời và được tạo điều kiện để đưa kit test vào bán thương mại. “Ông chủ” Việt Á sau đó chi hàng triệu USD cùng nhiều tỷ đồng cho hàng loạt cá nhân ở bộ, ngành và các địa phương. Khi được tòa yêu cầu giải thích lý do đưa tiền, Phan Quốc Việt khai là Công ty Việt Á “chia sẻ với nhau theo tinh thần Á Đông”. Chia sẻ lợi ích và chia sẻ lợi nhuận cũng luôn được “ông chủ” Việt Á sử dụng khi nói về khoản tiền hối lộ các cá nhân tại CDC các địa phương.
Choàng tỉnh vì sự khuyên răn của chồng
Là một trong số 38 bị cáo của vụ án, bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên xét nghiệm CDC Bình Dương) biết chất lượng kit xét nghiệm của hãng Roche tốt hơn, nhưng vẫn soạn thảo các công văn và liên hệ với Công ty Việt Á, Công ty VNDAT tạm ứng trước kit xét nghiệm, kit tách chiết, vật tư tiêu hao. Bị cáo Xuyên tham gia làm hồ sơ thầu, phối hợp với nhân viên Công ty Việt Á hợp thức chứng từ để Công ty Việt Á được trúng thầu. Vì vậy bị cáo Xuyên được Công ty Việt Á chi 1,06 tỷ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng. Hành vi của bị cáo này bị xác định là gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 55 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Xuyên thừa nhận hành vi của mình là sai. Theo trình bày của Xuyên, khi bị cáo Nguyên (nhân viên Công ty Việt Á) treo túi quà vào xe thì bị cáo này không xác định được trong túi có gì. Sau khi phát hiện túi có tiền, Xuyên đã cố gọi điện cho Nguyên để trả lại nhưng không được. Vì vậy, Xuyên đã tìm cách liên hệ với các nhân viên khác của Việt Á với mục đích trả lại tiền. Cuối cùng bị cáo Xuyên tiếp cận được một nhân viên xét nghiệm của Công ty Việt Á và đưa tiền cho người này nhờ trả lại. “Một tháng trước thời điểm bị triệu tập đến làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã đưa tiền cho nhân viên Công ty Việt Á. Việc này đã được cơ quan điều tra xác minh, tìm ra nhân viên cầm số tiền trên, yêu cầu trả lại cho Việt Á” - nữ bị cáo từng làm việc tại CDC Bình Dương phân trần.
Một bị cáo khác cũng không cầm được nước mắt khi nhắc đến chồng là bị cáo Nguyễn Thị Hồng Thắm - cựu Kế toán trưởng CDC Nghệ An. Bị cáo Hồng Thắm trình bày, 1 tuần sau khi nhận tiền “hoa hồng” của Công ty Việt Á, chính chồng bị cáo biết chuyện đã hết lời khuyên nhủ mang trả lại. “Chồng bị cáo đang là Bí thư Đảng ủy phường, nhưng sau khi vợ bị bắt, chồng bị cáo đã phải chuyển công tác” - bị cáo Hồng Thắm vừa khóc vừa trình bày.
Theo truy tố, bị cáo Nguyễn Văn Định (cựu Giám đốc CDC Nghệ An) và các cá nhân liên quan thuộc đơn vị này được Công ty Việt Á chi 2,15 tỷ đồng tiền “hoa hồng” ngoài hợp đồng. Trong đó, cựu Giám đốc CDC Nghệ An nhận 185 triệu đồng, cựu Kế toán trưởng nhận 95 triệu đồng (số tiền còn lại, CDC Nghệ An chưa sử dụng). Ngoài ra, bị cáo Hồng Thắm còn được nhân viên Việt Á là Nguyễn Thị Thắm đưa cho khoảng 100 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, ông Võ Tuấn Anh (chồng bị cáo Nguyễn Thị Hồng Thắm) khai, khoảng đầu tháng 12-2021, vợ ông có nói về việc Công ty Việt Á chi tiền “hoa hồng” cho CDC Nghệ An và chính bị cáo Hồng Thắm là người trực tiếp nhận tiền. Nghe vợ nói vậy, ông Tuấn Anh không hỏi vợ được bao nhiêu tiền mà yêu cầu phải trả lại toàn bộ. Nghe lời chồng, cựu Kế toán trưởng đã liên hệ với nhân viên Công ty Việt Á để trả lại. Sau đó, ngày 10-12-2021, ông Tuấn Anh chở vợ mang theo bọc tiền đến gặp và đưa bọc tiền này cho nhân viên Công ty Việt Á là bị cáo Nguyễn Thị Thắm. Đến ngày 12-12-2021, Nguyễn Thị Hồng Thắm tiếp tục nhờ chồng đem trả thêm 100 triệu đồng cho nhân viên Việt Á. Ông Tuấn Anh đã mang theo tiền đến TP Hà Tĩnh rồi gọi điện cho Nguyễn Thị Thắm để trả số tiền này.
Trong vụ Việt Á còn có cả câu chuyện giữa Phan Quốc Việt và Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Bộ KH-CN) nhắn tin, trao đổi với nhau hàm chứa nội dung, Hùng nhắc Việt đi làm lại Chứng minh nhân dân gấp không thì mòn hết vân tay do phải đếm tiền nhiều quá. Nội dung này được Viện kiểm sát trích bút lục công khai tại phần đối đáp, trước quan điểm cho rằng bị cáo Hùng không vụ lợi và không nhận tiền hối lộ. Thêm nữa, bị cáo Nguyễn Thành Danh - cựu Giám đốc CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự và được trả tự do ngay tại tòa do kiên quyết “nói không” với tiền “hoa hồng” từ Việt Á. Đây là điều chưa từng xảy ra đối với một “đại án”.