Báo Lao Động đã từng có bài phản ánh về việc “bầu” Kiên bị thua lỗ 368 tỉ đồng vì kinh doanh vàng. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, thực chất số tiền thua lỗ lên đến hơn 1.100 tỉ đồng rồi “bầu” Kiên cam kết chịu trách nhiệm trả số tiền này, song sau đó lại tìm mọi cách thoái thác, do vậy chính các Cty trước đây “bầu” Kiên lãnh đạo đã kiện ra tòa và tòa án mới đây đã thụ lý giải quyết.
“Bầu” Kiên tại phiên tòa hình sự. Ảnh: PV
“Phi vụ” chuyển cho em ruột 100 tỉ đồng
Vụ án Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) phạm tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái đã tuyên án 4 năm qua, nhưng phía sau ông “bầu” này còn để lại những thiệt hại lớn khác.
“Bầu” Kiên trước khi bị bắt (năm 2012), là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, kiêm người đại diện theo pháp luật AFG. AFG góp vốn thành lập Cty con là Cty Cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI), Cty Cổ phần Đầu tư ACB HN (ACBI). Ông Kiên cũng làm Chủ tịch HĐQT Cty ACI và lãnh đạo các Cty con rồi tự ý kinh doanh vàng gây thua lỗ cho AFG, ACI và ACBI hơn 1.100 tỉ đồng. Và sau khi thua lỗ, chính ông Kiên cam kết chịu trách nhiệm về những khoản lỗ này.
Ngoài ra, “phi vụ” khác bị phát hiện là 100 tỉ đồng cũng do ông Kiên gây ra lúc làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ AFG. Tháng 12.2009, ông Kiên tự ý lấy của AFG chuyển cho bà Nguyễn Thúy Hương (em ruột) 100 tỉ đồng. Đến nay, bà Hương đã cam kết trả cho AFG, nhưng vẫn chưa thực hiện xong.
Giao dịch lòng vòng… “thiệt hại” hơn 400 tỉ
Hòa Phát Á Châu là Cty mà AFG chiếm 30% và Ngân hàng Á Châu (ACB) chiếm 10% phần vốn góp, 20% phần vốn góp mang tên Nguyễn Thúy Hương mà nguồn tiền góp vốn lại chính là số tiền 100 tỉ đồng bà Hương được ông Kiên tự ý chuyển từ AFG sang, 40% vốn góp còn lại là của bà Nguyễn Thúy Lan (cũng là em ruột “bầu” Kiên).
Hòa Phát Á Châu có tài sản duy nhất đáng giá là phần vốn góp trong Dự án Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ. Hòa Phát Á Châu chiếm 15% vốn góp trong dự án này tương đương 449 tỉ đồng. Bằng nhiều giao dịch lòng vòng, nhiều tầng lớp, thông qua nhiều pháp nhân, “bầu” Kiên, bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Kiên), Nguyễn Thúy Lan, Nguyễn Thúy Hương (em ruột ông Kiên) đã cho bán tài sản là 15% phần vốn góp của Hòa Phát Á Châu trong dự án Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ cho Cty Hoa Hướng Dương với giá bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần.
Sau vài tháng, số cổ phần này được Cty Hoa Hướng Dương chuyển nhượng cho một tập đoàn khác giá 19.300 đồng/cổ phần. Như vậy giao dịch lòng vòng đã làm hơn 400 tỉ đồng của Hòa Phát Á Châu thất thoát, mà tài sản của Hòa Phát Á Châu chính là tài sản của các cổ đông AFG và ACB.
Nhận trách nhiệm gây ra khoản lỗ hơn 1.100 tỉ đồng, nhưng tìm cách… thoái thác
“Bầu” Kiên thời lãnh đạo các Cty đã tự ý kinh doanh vàng gây thiệt hại khoản tiền khổng lồ, cụ thể là Cty AFG bị lỗ gần 500 tỉ đồng, ACI lỗ hơn 368 tỉ đồng và ACBI lỗ hơn 323 tỉ đồng.
Tại biên bản họp cổ đông ngày 13.8.2010, ông Kiên cam kết chịu trách nhiệm về các khoản lỗ và khắc phục lỗ bằng cách Cty của gia đình ông Kiên, là Cty B&B sẽ mua danh mục đầu tư của AFG, ACI và ACBI với giá bằng giá vốn cộng với khoản tiền bị lỗ của 3 Cty này.
Mặc dù cam kết là vậy, nhưng “bầu” Kiên đã dùng “chiêu” để thoái thác trách nhiệm, nhằm “xù nợ” theo các cam kết đã ký và sau này bà Đặng Ngọc Lan (vợ Nguyễn Đức Kiên) cũng đã thoái thác, từ chối thực hiện. Cụ thể đối với AFG: Cty B&B (Cty gia đình “bầu” Kiên) thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, chính thức thoái thác mọi trách nhiệm do chính ông Kiên gây ra cho AFG mà ông Kiên đã cam kết khắc phục về khoản lỗ do “lướt sóng vàng” gần 500 tỉ đồng, đẩy mọi thiệt hại cho AFG tự chịu. Hiện vụ việc này AFG đã kiện ông Kiên ra tòa án và tòa đã thụ lý giải quyết.
Còn đối với ACI: Sau khi ký kết hai hợp đồng chuyển nhượng cổ phần SCSC và Nhà Rồng, Cty B&B chỉ thanh toán 190 tỉ đồng trong tổng số phải thanh toán là 592 tỉ đồng. Sau đó, Cty B&B từ chối thanh toán, từ chối thực hiện hợp đồng, đồng ý mất số tiền đã đặt cọc nhưng đến ngày 5.9.2016 Cty B&B lại khởi kiện ACI yêu cầu hoàn trả số tiền 190 tỉ đồng. Hiện nay, vụ kiện đang chờ xét xử của tòa án cấp phúc thẩm. Tương tự đối với ACBI, ông “bầu” này cũng đã chối bỏ trách nhiệm đã cam kết về khoản lỗ kinh doanh vàng do chính mình gây ra hơn 323 tỉ đồng. Vụ việc này ACBI cũng đã kiện và tòa án đã thụ lý giải quyết.
“Bầu” Kiên giả chữ ký của chính mình
Không những cam kết chịu trách nhiệm hơn 1.100 tỉ đồng vì thua lỗ vàng, “bầu” Kiên còn ký các chứng thư bão lãnh cho nghĩa vụ trả nợ, nhưng ông “bầu” có dấu hiệu giả ngay chữ ký của mình rồi sau đó cho rằng mình không ký chứng thư. Cụ thể, các “Chứng thư bảo lãnh” cho nghĩa vụ trả nợ của Cty B&B và Cty Thiên Nam (đều là Cty gia đình “bầu” Kiên), thì ông Kiên ký chữ ký đầy đủ, nhưng các “Chứng thư bảo lãnh” cho nghĩa vụ trả nợ của Cty AFG và ACI thì ông Kiên ký chữ ký khác, thiếu nét mặc dù các “Chứng thư bảo lãnh” này được ký cùng lúc.
Ngày 5.6.2017, ông Kiên có văn bản gửi tòa án cho rằng mình không ký “Chứng thư bảo lãnh” cho ACI để chối bỏ trách nhiệm. Tuy nhiên, sau khi trưng cầu giám định, Kết luận giám định số 2922/C54B, ngày 12.9.2017 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an khẳng định các chữ ký này là của ông Nguyễn Đức Kiên.
Khi làm lãnh đạo AFG, ACI, ACBI, chính “bầu” Kiên đã cam kết chịu trách nhiệm thua lỗ, nhưng đến nay ông Kiên và Cty gia đình ông Kiên lại thoái thác trách nhiệm.
Tâm thư của Bầu Kiên gửi HĐQT ACB Mặc dù đang thụ án nhưng ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), chồng bà Đặng Ngọc Lan đã có bức tâm thư gửi HĐQT ACB ... |
Người của nhóm bầu Kiên không được vào Hội đồng quản trị ACB? Ứng viên được cho là thuộc nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên không được chấp thuận vào danh sách ứng cử HĐQT của ... |
ACB và sự trở lại của Bầu Kiên? Một nội dung được cho là sẽ thu hút sự quan tâm của cổ đông, nhà đầu tư tại ĐHĐCĐ của ACB, đó là sự ... |