Nếu việc đóng cửa đúng giờ khiến phụ huynh phải bố trí người nâng - đỡ các bé qua tường để vào lớp là lỗi của nhà trường. Thì các bậc phụ huynh cũng không hoàn toàn vô can, thậm chí mắc 2 lỗi: Cho con đi học muộn và giúp bé “vượt rào”.
Gửi các bậc phụ huynh đang bức xúc vì clip bế trẻ mầm non qua tường rào!
Là bố của hai đứa con thơ, tôi cũng không khỏi xót xa trước cách vào trường gian nan của các cháu nhỏ tại trường mầm non Phố Châu (Hà Tĩnh). Nhưng dường như tình yêu thương vô bờ bến dành cho những đứa trẻ non nớt đang che mờ lý trí và khiến các bạn đổ toàn bộ lỗi lầm cho nhà trường.
Phụ huynh nâng - đỡ các bé qua tường rào để vào lớp. Ảnh cắt từ clip. |
Công bằng mà nói, nếu việc đóng cửa đúng giờ khiến phụ huynh phải bố trí người nâng - đỡ các bé qua tường để vào lớp là lỗi của nhà trường. Thì các bậc phụ huynh cũng không hoàn toàn vô can, thậm chí mắc 2 lỗi: Cho con đi học muộn và giúp bé “vượt rào”. Hành động này mạnh hơn hàng ngàn lời dạy dỗ và đạp đổ các bài học tôn trọng thời gian, tuân thủ quy định chung mà con trẻ được dạy trên lớp.
Đọc đến đây, sẽ có người ấm ức biện minh: Do nhiệt độ xuống thấp, do các con còn quá nhỏ, do bố mẹ phải mất nhiều thời gian cho con ăn no, mặc ấm trước khi đến trường...
Nhưng đòi hỏi một ngoại lệ cho thói quen sử dụng giờ cao su chính là cách dễ dàng nhất giúp căn bệnh nan y này ngấm sâu hơn vào máu thịt. Thời gian ghi trên thông báo, giấy mời, vé vào cửa đều chỉ mang tính hình thức đối với người ỷ lại, thiếu tôn trọng người khác và chính bản thân mình.
Tôi thường nói với bọn trẻ: “Bố sẽ ra khỏi nhà lúc 7h, nếu lúc đó các con chưa xong, hãy đi bộ đến trường với bác H.(tên bà giúp việc)!”. Trong trường hợp con đi học muộn, tôi cũng không gọi điện cho cô giáo để bào chữa, xin lỗi như một số phụ huynh mà để con tự nói lên sự thật với cô, rút ra bài học và thấy được cái giá phải trả cho sự chậm trễ của mình.
Tôi biết rằng, mình không thể đưa đón con được mãi, càng không chắc chắn được việc con có leo tường vào trường hoặc trèo ra ngoài trốn học đi chơi điện tử hay không. Tôi chỉ muốn con mình nhận thức được giá trị của thời gian và chịu trách nhiệm khi để bản thân, người khác muộn giờ.
Suy nghĩ như vậy, tôi càng ngạc nhiên trước phản ứng của giáo viên và cả Trường phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn. Trong khi các giáo viên “tố” các trường “linh hoạt” kéo dài thời gian đón trẻ bị chuyên viên của phòng GD&ĐT rình rập, lập biên bản thì Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn nói “do nhà trường áp dụng cứng nhắc”.
Mải đổ lỗi cho nhau, họ quên nhiệm vụ khích lệ con trẻ phải có trách nhiệm tuân theo thời gian biểu – thói quen giúp trẻ dễ dàng tổ chức cuộc sống trong tương lai.
Sự việc trên làm tôi bất giác nhớ đến cảnh trẻ em mẫu giáo ở Nhật Bản chạy thi để rèn luyện sức khỏe dù nhiệt độ khi đó chỉ có 4°C.
Chạy thi dưới nhiệt độ 4°C, trẻ em mẫu giáo Nhật chỉ mặc mỗi quần đùi và để trần thân trên. Ảnh cắt từ clip. |
Trên đường chạy, một số bé bị ngã xuống đường, nhưng các bậc phụ huynh không hề chạy đến dỗ dành mà vừa chảy nước mắt vừa lớn tiếng cổ vũ con tự đứng dậy chạy đến cuối đường.
Phải chăng những ông bố bà mẹ đó không biết xót con?
Ký tên
Một người cha
Cho phép trẻ 3 tháng tuổi được học mầm non: Lợi gia đình, khổ giáo viên Trẻ 3 tháng tuổi vẫn là độ tuổi cần được bú mẹ hoàn toàn vì thế trước dự thảo sửa đổi, bổ sung một số ... |
Liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em: Ai chịu trách nhiệm? Vụ bạo hành trẻ mầm non của các cô giáo Trường Mầm non Mầm Xanh (TPHCM) khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì vụ ... |