Sau khi người dân dựng lều, lán chặn không cho xe chở rác từ nội đô vào bãi rác Nam Sơn, chính quyền Hà Nội đã tiến hành đối thoại với người dân. Tuy nhiên, kết thúc buổi đối thoại người dân và chính quyền không tìm được tiếng nói chung.
Giá đền bù đất thổ cư quá thấp?
Ngày 3/7, tại nhà văn hóa thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) chính quyền Hà Nội đã có buổi đối thoại với người dân về việc thực hiện dự án di dân giữa chính quyền với người dân nằm trong vùng ảnh hưởng hưởng môi trường của khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn).
Tham gia buổi đối thoại có mặt của đại diện đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng lãnh đạo cấp huyện, cấp xã, thôn và người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường của khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Rất đông người dân có mặt tại nhà văn hóa thôn Đông Hạ xã Nam Sơn đối thoại với đại diện cơ quan chức năng Hà Nội. (Ảnh: T.A)
Trong buổi đối thoại, người dân liên quan đến dự án đã đặt vấn đề và dành nhiều câu hỏi đến các cấp chính quyền. Trong đó, phần lớn đều nhắc đến việc chậm chi trả tiền đền bù, bồi thường của cơ quan chức năng đối với người dân.
“Đề nghị TP, huyện thực hiện đúng lộ trình giải phóng mặt bằng đã cam kết với nhân dân. Trước đó, tại biên bản làm việc giữa Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện Sóc Sơn với lãnh đạo sở, ngành TP đã nêu rõ, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện, các ngành, UBND xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ thực hiện lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng trong quý 1, trả tiền cho dân trong quý 2.2019”, ông Hoàng Văn Đức (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn) kiến nghị.
Buổi đối thoại không tìm được tiếng nói chung, kết thúc buổi đối thoại người dân bỏ về và không ký vào biên bản.
Đáng chú ý, người dân đề nghị được trả dứt điểm một lần, không trả lẻ tẻ để họ cân đối trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Trong tháng 7/2019, phải hoàn thiện tất cả thủ tục chi trả tiền bồi thường, cân đối giữa giải phóng mặt bằng và có phương án tái định cư hợp lý. Bên cạnh đó, người dân cũng đề cập đến các phương án di dời các ngôi mộ xung quanh dự án.
Đặc biệt, người dân cho rằng mức giá đền bù đất thổ cư quá thấp, chỉ có 860 ngàn đồng/m2. "Nếu không điều chỉnh mức giá này tăng lên, người dân nhất quyết không chịu di dời nơi ở, chúng tôi không thể đi được mới mức đền bù như vậy”, một người dân bức xúc.
Chính quyền mong được đưa xe rác vào bãi Nam Sơn
Sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân địa phương, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và chính quyền UBND huyện Sóc Sơn đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân các xã bị ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn và cho biết sẽ “sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những cơ chế, chính sách đặc thù cho người dân huyện Sóc Sơn”.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng mong muốn người dân tiếp tục cho xe rác của môi trường ra vào bãi rác để đổ rác, kịp thời xử lý chất thải.
Ông Phạm Văn Minh- Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn trả lời những kiến nghị, khúc mắc của người dân trong buổi làm việc.
Kết thúc buổi đối thoại, người dân đã không đồng ý ký vào biên bản vì có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Do vậy, buổi đối thoại kết thúc mà người dân và chính quyền không tìm được tiếng nói chung.
Về việc này, ông Phạm Văn Minh- Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thừa nhận, trong buổi đối thoại, nhiều kiến nghị, tâm tư của người dân là rất chính đáng.
“Ngày 28/6, TP. Hà Nội có quyết định cấp vốn, người dân có mong muốn được trả tiền trong quý 2 và huyện cũng vậy. Tuy nhiên, quy trình thủ tục đảm bảo nghiêm ngặt nên có thể chậm. Hôm nay, người dân phê bình lãnh đạo huyện có nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của dân, chúng tôi xin nhận lỗi”, ông Minh nói trong buổi đối thoại.
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cũng thông tin, về đất nông nghiệp với các xã đã hoàn thành chuyển hồ sơ để hỗ trợ tiền đền bù. Phần đất ở đang có vướng mắc, huyện đang xin ý kiến TP để được hướng dẫn.
“Đối với đất thổ cư, chúng tôi sẽ tập trung phê duyệt, chuyển tiền đợt 1; với người dân không chấp nhận phương án tái định cư, sẽ nhận tiền hỗ trợ 1.906.000 đồng/m2. Chúng tôi chỉ đạo mỗi xã thành lập 1 tổ công tác (3 xã), để tháo gỡ ngay từng kiến nghị của người dân. Chính quyền địa phương mong muốn người dân ủng hộ, tiếp tục cho xe môi trường đổ rác vào bãi rác Nam Sơn”, ông Minh nói.
Nhiều người dân tiếp tục chặn đường vào bãi rác lớn nhất Hà Nội Hàng chục người dân trải chiếu ngồi bên đường để chặn xe chở rác vì cho rằng việc đền bù giải phóng mặt bằng và ... |
Hơn 1.000 hộ dân sống gần bãi rác Nam Sơn sắp được di dời Trước ngày 20/4, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân thuộc diện ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn sẽ ... |
Hà Nội công bố giá bồi thường di dời 1.100 hộ dân khỏi bãi rác Nam Sơn Mức bồi thường thấp nhất là 38.000 đồng/m2 cho đất rừng, cao nhất là 3,4 triệu/m2 cho đất ven đường giao thông. |