Sự bất cập của Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng ngay lập tức hiển lộ sau khi được soi chiếu qua vụ anh thợ điện bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ.

Những quy định bất hợp lý đã được chỉ ra nhiều, ví dụ như nghị định này không phân định hành vi vi phạm của bên mua hay bên bán, của cá nhân, tổ chức; cũng không định lượng giá trị ngoại tệ vi phạm. Tức là thay vì chỉ nên phạt các cơ sở kinh doanh không được phép thu đổi ngoại tệ mà vẫn mua bán ngoại tệ thì bất kỳ cá nhân nào - dù giàu sang hay nghèo khó - mà có hành vi này cũng dính phạt. Và dẫu có bán (đổi) 1 USD hay 100 USD thậm chí 1 triệu USD đi nữa thì theo Nghị định 96, người bán (đổi) đó cũng bị phạt trong mức 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đây quả là những điểm xa rời thực tế.

Từ đây, xâu chuỗi lại hàng loạt quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sẽ thấy đang tồn tại rất nhiều điều khoản pháp lý bất khả thi, có mà như không. Có thể kể ra Nghị định 52/2012 quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Theo đó, từ ngày 5-8-2012, người sử dụng điện thoại di động ở cửa hàng xăng dầu sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng. Thực tế, người ta vẫn nghe - gọi điện thoại chỗ cây xăng hà rầm mà có ai bị phạt đâu! Hay như Quyết định 1315 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010, đã 8 năm qua hầu như không có ai bị phạt cả và hình ảnh phì phèo thuốc lá có thể bắt gặp ở bất cứ nơi công cộng nào, vào mọi lúc. Hay như Nghị định 46/2016 quy định từ ngày 1-8-2016, người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định, vượt dải phân cách... sẽ bị phạt hành chính từ 50.000-200.000 đồng. Thực tế thì người dân vẫn qua đường sai quy định rất nhiều nhưng không ai bị phạt...

Đó là chưa kể rất nhiều quy định của một số bộ - ngành đã "chết từ trong trứng nước" như ngực lép không được phép lái xe, viếng tang không quá 7 vòng hoa, bán thịt chỉ trong 8 giờ...

Vì sao có tình trạng như vậy, lại khá phổ biến? Đó là bởi không ít bộ - ngành khi soạn thảo quy định pháp lý thường chăm bẵm lợi ích của bản thân mình, sao cho có lợi cho công việc quản lý, đẩy rủi ro và khó khăn về phía đối tượng được điều chỉnh (người dân). Bên cạnh đó, quá trình hình thành chính sách thường dựa trên ý chí chủ quan của cơ quan ban hành, thiếu hẳn tính thực tế và hơi thở cuộc sống, khi đưa vào áp dụng thì bị "vênh" ngay.

Một trong những chức năng cơ bản của luật pháp là giáo dục. Để giáo dục thì phải tuyên truyền nhưng khâu này thường bị các bộ - ngành xem nhẹ hoặc làm rất hình thức. Hậu quả là phần đông dân chúng không biết, không hiểu, không chấp hành.

Minh chứng của vấn đề đó là vụ đổi 100 USD ở Cần Thơ, qua đây rất nhiều người mới ngớ ra là có quy định như trong Nghị định 96. Hai năm trước đã từng ồn ào vụ phạt tiền xe không chính chủ theo Nghị định 46, rất nhiều người không biết cho dù quy định ấy chẳng mới mẻ gì, chỉ là kế thừa 2 nghị định trước đó, từ năm 2010 và 2013. Nghị định 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20-10 vừa qua rồi đây cũng sẽ rơi vào tình trạng như vậy.

Người ta thường gọi như trên là làm luật kiểu... trên trời, những nhà soạn thảo thì đi... trên mây. Vì được khai sinh trên trời mây nên mấy điều luật ấy đâu ăn nhập gì với hạ giới!

Cát Tường

vu doi 100 usd ngoi tren troi lam luat cho ha gioi Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Chủ tiệm vàng sẽ khởi kiện?

Chủ tiệm vàng Thảo Lực cho biết đã đóng phạt vì chấp hành pháp luật nhưng sẽ cân nhắc khởi kiện quyết định xử phạt ...

vu doi 100 usd ngoi tren troi lam luat cho ha gioi Đổi 100 USD phạt 90 triệu: Quyết định khám xét có trước 6 ngày bắt quả tang

6 ngày trước khi bắt quả tang vụ tiệm vàng mua 100 USD của anh thợ điện, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký quyết ...

/ nld.com.vn