Ngày 15/4/2023, quân đội Indonesia tiến hành cuộc đột kích vào quận Nduga, tỉnh Papua nhằm giải cứu phi công Phillip Mark Mehrtens người New Zealand, bị phiến quân Phong trào giải phóng Tây Papua bắt cóc hồi tháng 2 vừa rồi. Tuy nhiên vụ đột kích biến thành bi kịch khi phiến quân bất ngờ đánh úp, dẫn đến cái chết của 6 binh sĩ, 9 người khác bị bắt, 30 người mất tích còn phi công Phillip vẫn không cứu được…

Bắt phi công, đốt máy bay…

Ngày 14/2/2023, phi công Phillip Mark Mehrtens người New Zealand làm việc cho Hãng hàng không Indonesia Susi Air, khi vừa hạ cánh chiếc máy bay Cessna 208B Grand Caravan xuống một sân bay nhỏ ở Paro, quận Nduga, tỉnh Papua với 5 hành khách để đón thêm 15 công nhân đang xây dựng tòa nhà trung tâm y tế trong khu vực thì bị một nhóm phiến quân thuộc Phong trào giải phóng Tây Papua (TPNPB) - là cánh vũ trang của Tổ chức Papua tự do (OMP) - bắt cóc.

Vụ giải cứu con tin bất thành ở Tây Papua, Indonesia -0
Phiến quân đốt máy bay sau khi bắt phi công Phillip.

Trước đó, 15 công nhân nói trên nhận được lời đe dọa “sẽ bị chặt đầu”, gửi đi từ Egianus Kogoya, lãnh đạo phiến quân TPNPB tỉnh Papua. Sau khi bắt giữ Phillip, nhóm TPNPB thả 5 hành khách vì họ là người Papua bản địa nhưng chiếc máy bay bị đốt cháy. Gwijangge, một trong những hành khách được phóng thích nói với trang tin Inside Politics: “Họ bí mật đến nỗi đài kiểm soát không lưu không hay biết gì nên phi công Phillip vẫn được thông báo cho phép đáp xuống. Khi máy bay vừa dừng lại, hơn chục tay súng xông ra từ nhà ga. Họ ra lệnh cho chúng tôi bước xuống từng người, hai tay đặt lên đầu. Riêng phi công Phillip xuống sau cùng và ngay lập tức, 2 phiến quân TPNPB áp sát, bẻ quặt tay ông rồi dẫn đi”.

2 ngày sau, Sebby Sambom, người phát ngôn của TPNPB gửi cho Hãng tin AP một số những bức ảnh, video clip chứng tỏ phi công Phillip đã bị bắt và còn sống. Theo Sambom, TPNPB sẽ không bao giờ thả Phillip vì New Zealand, Australia và Mỹ đã hợp tác quân sự với Indonesia. Sambon nói: “New Zealand, Australia, Mỹ phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã giúp quân đội Indonesia giết hại và diệt chủng người Papua bản địa trong 60 năm qua. Chúng tôi chỉ trả tự do cho Phillip khi nào Indonesia công nhận và giải phóng Papua khỏi chế độ thực dân của họ”.

Cũng trong những video này, Egianus Kogoya, lãnh đạo phiến quân TPNPB tỉnh Papua tuyên bố: “Tôi bắt Phillip làm con tin vì nền độc lập của Papua, không phải vì đồ ăn thức uống hay tiền chuộc, Anh ta sẽ an toàn chừng nào Indonesia không sử dụng vũ lực, cả từ trên không lẫn dưới mặt đất. Indonesia phải công nhận nền độc lập của Papua”.

Ngay khi hình ảnh và video về vụ bắt cóc phi công Phillip được hãng tin AP công bố, ông Mohammad Mahfud, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, an ninh và pháp lý Indonesia cho biết chính phủ đang nỗ lực thuyết phục phiến quân thả Phillip vì ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của anh ta. Ông nói: “Bắt dân thường làm con tin bởi bất kỳ lý do gì cũng không thể chấp nhận được. Đàm phán là phương pháp tốt nhất trong việc giải quyết sự cố này nhưng chính phủ Indonesia cũng không loại trừ những nỗ lực khác. Papua sẽ mãi mãi là lãnh thổ của Cộng hòa Indonesia”.

Với ông Mathius Fakhiri, cảnh sát trưởng Papua, khi tiếp xúc với các phóng viên ở Jayapura, thủ phủ của Papua, ông nói chính quyền đang tìm cách lấy lại tự do cho phi công qua việc phối hợp cùng các nhà lãnh đạo cộng đồng để thiết lập một kênh liên lạc, đàm phán với phiến quân: “Chúng tôi hy vọng rằng TPNPB sẽ nhìn ra vấn đề bởi việc bắt cóc phi công dân sự là việc mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều phản đối”.

Vụ giải cứu con tin bất thành ở Tây Papua, Indonesia -0
Con tin Phillip (đứng giữa) và phiến quân TPNPB.

Phiến quân ở Papua, họ là ai?

Tình hình an ninh chính trị tại Indonesia bắt đầu nóng lên sau vụ bạo loạn ở Surabaya, tỉnh Papua ngày 16/8/2019, khi các sinh viên Papua từ chối treo cờ Indonesia trong lễ độc lập của quốc gia này. Họ bị gọi là “khỉ” và bị tấn công bởi một đám đông người Indonesia có liên quan tới quân đội và các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Trước đó, năm 1962, chính quyền Hà Lan đã đồng ý trả lại New Guinea (tên của Papua lúc ấy) là thuộc địa của Hà Lan cho Indonesia dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý nhưng các sinh viên Papua phản đối rằng đó chỉ là động tác giả nhằm giúp chính quyền Indonesia kiểm soát tỉnh Papua. Họ kêu gọi Indonesia thực hiện lại cuộc trưng cầu.

Cũng từ năm 1962, nhiều tổ chức chống Chính phủ Indonesia lần lượt ra đời, trong đó đáng kể nhất vẫn là Tổ chức Papua tự do (OMP) với cánh vũ trang Phong trào giải phóng Tây Papua (TPNPB). Bên cạnh đó còn có Phong trào giải phóng thống nhất Tây Papua (ULMWP), Ủy ban quốc gia Tây Papua (KNPB), Liên minh sinh viên Papua (AMP), Hội đồng Papua Adat (UAP), Diễn đàn Rakyat Indonesia untuk West Papua (FRI-WP) ủng hộ quyền tự quyết của người Papua. Các tổ chức này đã yêu cầu các quốc gia thuộc Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF) giúp đỡ họ nhưng mãi đến năm 2016, PIF mới thực sự đấu tranh cho vấn đề Tây Papua bằng việc PIF kêu gọi Liên hợp quốc điều tra các vi phạm nhân quyền của Indonesia đồng thời đề nghị một cuộc trưng cầu dân ý mới cho Tây Papua. Tuy nhiên lời kêu gọi của họ rơi vào khoảng không và vấn đề trưng cầu dân ý ở Tây Papua chưa bao giờ được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Mặc dù vậy, các đại diện của PIF hàng năm vẫn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ cho Papua tại Liên hợp quốc.

Giữa tháng 8/2019, Vanuatu - là một trong những thành viên của PIF đã thành công trong việc đưa vấn đề Papua vào chương trình nghị sự, bất chấp sự phản đối của Australia. Ngày 28/9/2019, Thủ tướng Vanuatu là ông Charlot Salwai đã phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, kêu gọi sự ủng hộ của tổ chức lớn nhất thế giới này: “Các nhà lãnh đạo Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương cương quyết đề nghị Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đến Tây Papua để tiến hành đánh giá về tình hình nhân quyền dựa trên những bằng chứng cụ thể”. Tuy nhiên một nhà ngoại giao người Indonesia là Rayyanul Sangadji đã thực thi quyền trả lời đối với phát biểu từ phía Vanuatu: “Với tư cách là một người Indonesia gốc Melanesia, tôi có thể nói rằng chúng tôi không muốn bị gộp vào, bị phân loại hoặc tệ hơn là bị chia rẽ bởi một quốc gia khác. Papua đã, đang và sẽ luôn là một phần của Indonesia theo Nghị quyết số 5414 của Liên hợp quốc. Tôi không hiểu tại sao Vanuatu vẫn tiếp tục ủng hộ phe ly khai và coi thường chủ quyền của Indonesia. Với tư cách là một thành viên Liên hợp quốc, Vanuatu nên học cách tôn trọng chủ quyền của quốc gia khác…”.

Với các tổ chức phiến quân ở Papua, họ hy vọng trường hợp của họ sẽ lập lại một “Đông Timor thứ hai”. Đây là thuộc địa của Bồ Đào Nha, đã trải qua quá trình phi thực dân hóa hồi năm 1975. Do e ngại tổ chức cánh tả Fretilin sẽ nắm quyền, Indonesia đưa quân chiếm đóng Đông Timor, loại bỏ Fretilin nhưng ngày 12/12/1975, cuộc chiếm đóng bị Liên hợp quốc lên án thông qua một nghị quyết kêu gọi Indonesia rút quân khỏi Đông Timor với 72 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống, 43 phiếu trắng. 10 ngày sau đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lại thông qua một nghị quyết với lời kêu gọi tương tự.

Mặc dù vậy, 2 nghị quyết này không hề gây ra một tác động nào với Indonesia mà ngược lại, ngày 15/7/1976, Quốc hội Indonesia thông qua dự luật chính thức sáp nhập Đông Timor vào Indonesia, biến Đông Timor thành tỉnh thứ 27 của Indonesia. Một lần nữa, ngày 01/12/1976, Liên hợp quốc thông qua nghị quyết thứ 3, lên án sự can thiệp, chiếm đóng của quân đội Indonesia tại Đông Timor, yêu cầu Indonesia rút quân và tôn trọng quyền tự quyết của người Đông Timor. Chỉ đến khi ông Suharto thôi giữ chức Tổng thống Indonesia, người lên thay ông là B.J. Habibie mới đồng ý để Liên hợp quốc tiến hành trưng cầu dân ý. Kết quả là ngày 30/8/1999, 78,5% người Đông Timor bỏ phiếu chọn độc lập rồi từ đó, Đông Timor trở thành một quốc gia độc lập. Sự thành công này đã khiến những tổ chức phiến quân ở tỉnh Papua hy vọng một ngày nào đó, tỉnh Papua cũng sẽ độc lập!

Vụ giải cứu con tin bất thành ở Tây Papua, Indonesia -0
Quân đội Indonesia lên trực thăng tiến hành giải cứu Phillip.

Diễn tiến vụ giải cứu phi công Phillip

2 tháng sau vụ bắt cóc phi công Phillip, trước những tuyên bố cứng rắn của nhóm phiến quân TPNPB, quân đội Indonesia quyết định sử dụng vũ lực để giải cứu Phillip. Bằng cách điều động một lực lượng đến quận Nduga, nơi các nguồn tin tình báo cho rằng TPNPB đang giam giữ Phillip trong một khu vực đồi núi hẻo lánh. Theo kế hoạch, quân đội sẽ tung ra những nhóm trinh sát, tiến hành tìm kiếm vị trí trại giam và khi đã xác định cụ thể, lực lượng tấn công sẽ đồng loạt tràn vào.

Tuy nhiên, TPNPB đã ra tay trước. Thoạt đầu, họ bắn một người lính trinh sát Indonesia lúc ấy đang ở trên một đỉnh đồi khiến người này rơi xuống khe sâu 15m. Và trong khi những người lính còn lại trong đội trinh sát đang tìm cách cứu nạn thì phiến quân TPNPB đồng loạt nổ súng. Thông tin ban đầu cho thấy ít nhất 6 người lính quân đội Indonesia thiệt mạng, 9 người khác bị bắt, 30 người mất tích nhưng theo Đại tá Herman Taryaman, người phát ngôn quân đội Indonesia ở tỉnh Papua: “Vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu binh sĩ Indonesia thiệt mạng và bị thương, Chúng tôi đang tìm kiếm những người mất tích nhưng mưa lớn kèm theo sương mù công với việc thiếu thông tin liên lạc đã cản trở mọi nỗ lực của chúng tôi”. Trong một cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta, ông Julius Widjojono, Đô đốc thứ nhất là cũng là người phát ngôn của Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia nói: “Phiến quân đã đối đầu với quân đội chính phủ khi họ tấn công một khu vực gần vị trí giam giữ phi công và những kẻ bắt cóc anh ta. Chiến dịch tìm kiếm sẽ được chúng tôi tiến hành với lực lượng tối đa còn về thiệt hại, quân đội Indonesia chỉ có 1 người chết!”.

Về phía TPNPB, Sebby Sambom, người phát ngôn của tổ chức này cho biết: “Các chiến binh TPNPB thực hiện vụ tấn công để trả thù cho việc giết hai người của chúng tôi trong một cuộc đấu súng với lực lượng an ninh Indonesia hồi tháng 3. Vụ tấn công đã khiến ít nhất 9 thành viên của lực lượng quân đội Indonesia thiệt mạng”. Bên cạnh đó, Sambon cũng kêu gọi: “Chính phủ Indonesia ngừng ngay các hoạt động quân sự ở Papua và sẵn sàng đàm phán với các nhà lãnh đạo của chúng tôi dưới sự trung gian của bên thứ ba trung lập từ Liên hợp quốc”.

Với New Zealand, trong một lần trả lời Đài phát thanh quốc gia, Thủ tướng nước này là ông Chris Hipkins nói: “Đại sứ quán New Zealand tại Indonesia đang điều tra vụ việc. Tôi không có bất kỳ chi tiết nào khác vào thời điểm này mà tôi có thể chia sẻ” còn với bà Susi Pudjiastuti, cựu Bộ trưởng Thủy sản Indonesia và cũng là người sáng lập Hãng hàng không Susi Air cho biết trên trang Twitter, rằng bà “đang cầu nguyện cho sự an toàn của phi công Phillip cùng những người tham gia giải cứu”…

Hiện tại, con số chính xác về thiệt hại của quân đội Indonesia vẫn chưa được xác thực vì mỗi bên đưa ra những số liệu khác nhau, còn phi công Phillip thì chưa tìm thấy…

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/vu-giai-cuu-con-tin-bat-thanh-o-tay-papua-indonesia-i692643/

Vũ Cao / antg.cand.com.vn