Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk làm rõ thông tin có dấu hiệu tiêu cực trong việc tuyển dụng giáo viên dạy hợp đồng ở huyện Krông Pắk
Ngày 26-3, tại buổi họp báo định kỳ, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, cho biết bộ đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương kiểm tra, báo cáo và các giải pháp xử lý vụ việc hàng trăm mất việc tại huyện Krông Pắk. Đối với thông tin báo chí nêu là phát hiện có dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn huyện Krông Pắk, ông Thành cho biết Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, điều tra, nếu có sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm yêu cầu tinh giản biên chế
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho hay UBND huyện Krông Pắk xác định trong 578 trường hợp hợp đồng lao động, có 370 trường hợp đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng, 208 trường hợp không có vị trí việc làm để nộp hồ sơ tuyển dụng. Theo phương án tuyển dụng viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc UBND huyện Krông Pắk năm 2017 đã được phê duyệt, đối với những giáo viên không đủ điều kiện nộp hồ sơ hoặc không có vị trí tuyển dụng thì huyện sẽ chấm dứt hợp đồng theo quy định. Tuy nhiên, sự việc đã vấp phải sự phản đối của hàng trăm giáo viên. UBND tỉnh Đắk Lắk ngay sau đó đã yêu cầu huyện Krông Pắk tạm dừng việc thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động để đưa ra hướng xử lý.
Hàng trăm giáo viên tới UBND huyện Krông Pắk sau khi nghe thông tin bị chấm dứt hợp đồng Ảnh: Cao Nguyên
Bộ Nội cho rằng vụ việc vừa qua đã ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ nhấn mạnh phải kiên trì chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế so với biên chế được giao của năm 2015.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh có thể bổ sung biên chế nhưng phải quản lý chặt chẽ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. Do vậy, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương xử lý vụ việc theo thẩm quyền, đồng thời bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ về tinh giản biên chế.
Rút đề xuất tăng lương giáo viên
Tại buổi họp báo, Bộ Nội vụ cũng đã lý giải về đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; ban hành một số văn bản về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo.
"Đến nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước), ban hành kèm theo Nghị định 204, được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề với mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi của nhà nước đối với nhà giáo" - ông Thành nói.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho rằng thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa vào quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi để nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ với chế độ tiền của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị; bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
Vụ 500 giáo viên mất việc ở Đăk Lăk: Cần khối tố vụ án, điều tra hành vi nhận hối lộ Liên quan đến việc 2 đời Chủ tịch huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) ký tuyển dụng “bừa” với hàng trăm giáo viên, Luật sư ... |
Lâm Đồng: Hàng trăm giáo viên bất ngờ lâm cảnh nợ nần Để có tiền trả lại cho nhà nước, Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm đã yêu cầu kế toán các trường trích từ tiền lương hàng ... |
Hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng: \'Chạy\' tiền để được đi dạy? Các giáo viên tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, phản ánh để được đi dạy, họ phải bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu ... |
Minh Chiến