Trong vụ án nhận hối lộ và vi phạm đấu thầu tại BVĐK Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC, đang bỏ trốn), bị đề nghị tổng mức án 30 năm tù. Vậy, sau khi bị cáo này bị kết án, việc thi hành án được thực hiện ra sao?

Về việc thi hành án đối với tội phạm đang bỏ trốn, theo Điều 23 Luật Thi hành án hình sự 2019, trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt - Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 231 Bộ luật TTHS 2015, công dân Việt Nam, phạm tội tại Việt Nam trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã.

Trường hợp có căn cứ hoặc bị nghi ngờ có dấu hiệu bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền, phối kết hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã đỏ dựa trên một lệnh bắt giữ hoặc một quyết định tư pháp hợp lệ.

Vụ nhận hối lộ tại BVĐK Đồng Nai: Người bị kết án bỏ trốn ra nước ngoài thi hành án ra sao? ảnh 1

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị cáo trong vụ án nhận hối lộ và thông thầu

Lệnh truy nã đỏ có phạm vi áp dụng toàn thế giới với mục đích thông báo cho các quốc gia thành viên về tình trạng truy nã của một tội phạm hoặc nghi phạm.

Tuy vậy, Lệnh truy nã đỏ không phải lệnh bắt giữ quốc tế, không ép buộc bất kỳ quốc gia nào bắt giữ một cá nhân là đối tượng của lệnh này. Do đó, việc bắt giữ, dẫn độ tội phạm phụ thuộc vào thiện chí của quốc gia thành viên.

Khoản 1 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Khoản 2 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007 cũng cho phép cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Các bước để thực hiện chuyển giao người phạm tội giữa quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu được tiến hành theo trình tự và nội dung mà các bên đã thỏa thuận trong Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam với nước đó, Hiệp ước tương trợ tư pháp về hình sự được ký kết hoặc thỏa thuận giữa các quốc gia là thành viên của tổ chức Interpol.

Nếu người bị dẫn độ mang quốc tịch của một quốc gia chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, việc thực hiện các thủ tục dẫn độ được tiến hành trên cơ sở tôn trọng luật pháp của quốc gia nơi người bị dẫn độ đang sống, thông qua Ủy thác tư pháp.

“Căn cứ các quy định trên, người bị kết án trốn ra nước ngoài vẫn có thể bị truy nã và dẫn độ về nước để thực hiện thi hành án theo pháp luật Việt Nam” - Luật sư Thu nhấn mạnh.

https://www.anninhthudo.vn/vu-nhan-hoi-lo-tai-bvdk-dong-nai-nguoi-bi-ket-an-bo-tron-ra-nuoc-ngoai-thi-hanh-an-ra-sao-post527416.antd

H.L / ANTD