Dạy dỗ ra sao mà học sinh ngày càng lãnh cảm, thờ ơ với cái ác? Phải chăng chúng ta đã thất bại trong cách giáo dục thế hệ tương lai và hình như cách xử lý vấn nạn bạo lực học đường lâu nay không hiệu quả
Phần lớn dư luận đồng thuận phải nghiêm trị những học sinh đã dùng nhục hình, đánh đấm dã man nữ sinh N.T.H.Y (lớp 9, trường THCS Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên) để giáo dục, răn đe xã hội. Đồng thời, phải truy cứu trách nhiệm để kịp thời xử lý những người có liên quan là hiệu trưởng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh.
Hồi chuông báo động
"Đạo đức học sinh ở đâu?" là điều trăn trở của nhiều bạn đọc khi theo dõi câu chuyện nữ sinh N.T.H.Y bị bạo hành tàn nhẫn bởi một nhóm học sinh cùng lớp mà không có sự can ngăn của bất cứ ai. Đáng lên án hơn, sau khi thông tin bị rò rỉ, những người có trách nhiệm bảo vệ nữ sinh này như giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường lại có ý ém nhẹm sự tình.
Không nhiều người có thể can đảm xem đoạn clip, thậm chí là những hình ảnh đã được làm mờ ghi lại cảnh nữ sinh N.T.H.Y bị bạn bạo hành. Bởi không thể nào chịu đựng được nỗi ám ảnh từ tiếng than khóc sự đau đớn của nữ sinh và tính chất côn đồ, dã man của nhóm 5 nữ sinh kia.
Bạn đọc Mika thốt lên: "Không dám xem clip vì đau lòng quá, nhìn những hình ảnh bị làm mờ thôi đã kinh hãi". Tương tự, bạn đọc Bảo Lộc chia sẻ: "Không thể coi clip. Thật xót xa cho cô bé. Giáo viên và các bạn học của em đã làm gì? Tại sao có thể chứng kiến hành vi dã man như thế này trong một thời gian dài?".
Dư luận đánh giá tầm mức của vụ việc là hồi chuông báo động về suy thoái giá trị đạo đức trong chính môi trường có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách, đạo đức cho công dân tương lai.
Bạn đọc Minh Lợi bày tỏ quan điểm: "Đây là vụ việc đáng báo động về thực trạng thiếu hiểu biết pháp luật và đạo đức của học sinh trong trường học".
"Giáo viên, bạn học đều biết nhưng rốt cuộc em học sinh này vẫn bị đánh hội đồng nhiều lần ngay tại lớp dẫn đến tinh thần hoảng loạn. Hoàn cảnh em học sinh này đã quá tội nghiệp, không thương cho bạn mà còn đánh đập hội đồng, thật quá sức phẫn nộ khi chỉ mới độ tuổi vị thành niên đã bạo lực như vậy, tương lai lớn lên còn manh động ra sao nữa? Tôi thật không hiểu nền giáo dục ở nước ta đang dạy cho học sinh những gì ở trường? Chẳng lẽ chỉ dạy chữ, dạy tính toán, bỏ quên đạo đức, lối sống? Nhà trường phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này, xin đừng rút kinh nghiệm nữa!" bạn đọc Huynh Trần trăn trở .
Theo bạn đọcNguyễn Hữu Thiên, nhìn ở góc độ sâu xa hơn, vụ việc lần này là minh chứng điển hình cho những hướng đi chưa đúng đắn của giáo dục nước nhà. "Đến cuối cùng, mục tiêu mà giáo dục nước ta đang hướng đến là gì? Làm thế nào để giáo dục học sinh trở thành người công dân tốt trong khi những môn học đạo đức bị xem nhẹ? Phải chăng giáo dục hiện nay đã quên mất câu: "Tiên học lễ, hậu học văn", quên mất trọng tâm đào tạo học sinh "thành nhân" trước khi "thành tài"?". Đã từ lâu, chúng ta xác định đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu, thế nhưng triết lý giáo dục không đúng, không rõ ràng thì giống như đi mà không có đích đến"- bạn đọc Nguyễn Hữu Thiên chia sẻ.
Em N.T.H.Y đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên Ảnh: HUY THANH |
Nhiều bạn đọc bức xúc về việc học sinh ngày càng vô cảm, thờ ơ với cái ác; chương trình giáo dục đạo đức công dân quá nặng về lý thuyết và bị xem nhẹ. "Phải chăng chúng ta đã thất bại trong cách giáo dục thế hệ tương lai và hình như cách xử lý vấn nạn bạo lực học đường lâu nay là không hiệu quả?"- một bạn đọc đặt câu hỏi.
Đừng dung túng nữa!
Trước thực trạng bạo lực học đường ngày càng diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, bạn đọc My My cho biết: "Theo tôi, giáo dục đạo đức là cái gốc của xã hội. Các cháu và cha mẹ các cháu, nhà trường đa phần chỉ thúc ép các em học mà quên dành thời gian giáo dục đạo đức cho các em. Bên cạnh đó sự phổ biến, lan tràn những văn hóa phẩm độc hại, mang tính bạo lực phần nào đã lý giải thêm hành vi của các em. Thiết nghĩ nhà nước nên có những biện pháp mạnh tay để đảm bảo an toàn cho những em học sinh tốt, cách ly hẳn để giáo dưỡng riêng những em có hạnh kiểm không tốt, tránh lây nhiễm thói xấu và làm ảnh hưởng đến học sinh khác".
Nếu không được chính người trong cuộc đưa hình ảnh lên mạng, thì có lẽ vụ việc đã "chìm xuồng" và em Y. có thể lại tiếp tục bị bạo hành dã man hơn. Từ đây, dư luận có quyền nghi ngờ còn nhiều vụ bạo lực học đường khác đang diễn ra ở một số nơi nhưng chưa bị phát hiện do nhà trường giấu diếm?
Bạn đọc Chánh bình luận: "Lý do nào khiến nhà trường ém nhẹm thông tin một cách vô cảm như vậy? Chung quy cũng vì vấn nạn "thành tích". Chính vì sợ mất danh hiệu này, danh hiệu nọ mà các trường đều tìm cách ém nhẹm các thông tin tiêu cực. Liệu phong trào thi đua để đạt các danh hiệu đó có cần thiết không? Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh!".
Sau khi vụ việc 5 học sinh hành hung bạn xảy ra, người ta phẫn nộ đám "côn đồ nhí" một nhưng lên án cách xử lý của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đến 10. Không những tắc trách, họ còn cho thấy rõ sự bàng quan, vô cảm đến đáng sợ. Bạn đọc Robinkhẳng định: "Để sự việc đau lòng và dã man này xảy ra, theo tôi, trước tiên phải kỷ luật GVCN, kế tiếp là hiệu trưởng".
Rất nhiều bạn đọc yêu cầu phải xử nghiêm những người người làm thầy, làm cô này. Bạn đọc Trần Phương gay gắt:"Truy cứu trách nhiệm của hiệu trưởng, GVCN và các học sinh đánh bạn. Không thể tha thứ cho hành động bạo hành dã man như vậy. Đặc biệt, xem lại việc GVCN đã biết 1 lần nhưng thiếu quan tâm, theo dõi học sinh trong lớp. Còn thầy hiệu trưởng phát biểu em ấy bị bắt nạt do quá hiền là không chấp nhận được. Không lẽ học sinh đi học phải dữ để không bị ăn hiếp?!".
Một bạn đọc có tên Dương Lâm tha thiết: "Xin đừng dung túng cho cái ác phát triển! Những năm gần đây, bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Để lại hậu quả nặng nề không chỉ về thể xác mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý nạn nhân. Trở thành những tổn thương tinh thần không thể nào phai mờ. Tôi hy vọng, Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ có nhiều hơn những biện pháp răn đe thiết thực để phòng ngừa thay vì ngồi đề ra quy định này, quy định nọ".
Bạn đọc Dương Lâm còn tiếp tục chia sẻ: "Về phía 5 học sinh, phải đưa vào trại giáo dưỡng. Nếu nhà trường không có cách xử lý, không thể giáo dục được các em thì nên để cho một nơi khác có thể giáo dục được làm tiếp nhiệm vụ này. Phòng ngừa sau này lớn lên, những đứa trẻ này sẽ trở thành mối hiểm họa cho xã hội. Về phía phụ huynh học sinh nên quan tâm nhiều hơn đến con cái của mình. Không chỉ bồi thường thích đáng cho gia đình nạn nhân, phụ huynh 5 em này cần có biện pháp giáo dục hỗ trợ bên cạnh sự giúp sức của xã hội. Những ai bao che, ém nhẹm, không làm hết trách nhiệm thì truy cứu trách nhiệm để xử lý. Cần thiết thì nên ra khỏi ngành giáo dục vì những tấm gương mờ thì làm sao đào tạo được những thế hệ tương lai tốt đẹp?".
Nam Du
Bị 5 bạn đánh hội đồng và lột quần áo, nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên nhập viện tâm thần Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) xác nhận tại trường đã xảy ra sự việc nhóm 5 nữ sinh lớp 9 đánh ... |