Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, với những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và đúng đắn thì tồn tại được đã là khó. Cơ hội tham gia những mảnh đất vàng, những dự án “ngon lành“ thì chắc chắn là không có. Nếu không phải “sân sau, có bảo kê hay nhóm lợi ích” thì làm gì có chuyện một doanh nghiệp bình thường như Nhật Cường lại trúng toàn dự án lớn của Hà Nội như vậy?
Tối ngày 14.5, Bộ Công an thông báo: Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức do Bùi Quang Huy, sinh năm 1974, trú tại số 151 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, chủ mưu, cầm đầu. Bùi Quang Huy là Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường).
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bô Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường và 08 đồng phạm về tội “Buôn lậu” quy định tại Khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xung quanh vụ việc đang gây xôn xao dư luận xã hội này, góc nhìn chuyên gia DanViet đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico.
Thưa ông, việc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng Nhật Cường Mobile) bị khởi tố, bắt giam vì buôn lậu và bỏ ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu. Trường hợp của Nhật Cường khá tương đồng với trường hợp của công ty Đông Nam trước đó. Quan điểm của ông như thế nào khi nhìn vào những trường hợp này?
- Việc Nhật Cường của ông Bùi Quang Huy, hay như câu chuyện công ty Đông Nam nhà cựu Hoa hậu Hà Kiều Anh buôn lậu, trốn thuế trong một thời gian dài mới phát hiện ra thực sự là một vấn đề, một dấu hỏi lớn đến nay chúng ta vẫn hoay hoay đi tìm lời giải.
Tuy nhiên, theo tôi đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm liên quan đến những sai phạm của Nhật Cường và ông chủ Bùi Quang Huy. Vấn đề cốt lõi và quan trọng hơn cả đó chính là vấn đề về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn kêu gọi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng những trường hợp tiêu cực như Nhật Cường đang góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh vô cùng tiêu cực.
Bỏ qua trường hợp của công ty Đông Nam, việc buôn lậu xuyên
quốc gia hay sử dụng 2 hệ thống sổ sách thì một mình ông chủ Nhật Cường không thể làm được mà đằng sau đó phải có sự cấu kết, vây cánh của những thế lực hay cá nhân nào đó hỗ trợ.
Thả cửa cho đội cấu kết, vây cánh nhau hoành hành dẫn tới chuyện trốn thuế, giá cả sản phẩm chất lượng không phản ánh đúng thực chất. Đây là điều nguy hiểm nhất của nền kinh tế chứ không phải điều gì khác.
Với câu chuyện buôn lậu và trốn thuế như vấn đề Nhật Cường đang đối mặt, liệu Nhật Cường của ông Bùi Quang Huy có bị rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hay không. Quyền lợi của khách hàng có được bảo vệ không thưa ông?
- Pháp luật có các quy định và khung hình phạt cụ thể đối với từng sai phạm. Với trường hợp của Nhật Cường của Bùi Quang Huy, nếu tòa án xem xét thấy Nhật Cường không có khả năng khắc phục hậu quả thì có thể rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với pháp nhân này.
Tất nhiên, dù trong kịch bản nào thì quyền lợi của khách hàng cũng không được bảo vệ. Đây là lỗi của Nhà nước. Nhà nước tạo ra nhưng Nhà nước lại không bảo vệ quyền lợi khách hàng. Nếu doanh nghiệp hoạt động bình thường thì doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm với khách hàng nhưng khi bắt bớ, giam cầm thì khách hàng cũng mất trắng quyền lợi.
Lẽ ra chúng ta phải có những quy định, khi ông chủ bị bắt thì doanh nghiệp phải tổ chức thế nào, xử lý như thế nào đối với quyền lợi của khách hàng. Chúng ta chưa làm được điều đó. Đây cũng chính là sơ hở của pháp luật, của cơ chế Nhà nước.
Trong một diễn biến khác, Nhật Cường từ lâu nay chỉ được biết đến qua buôn bán điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử, vậy mà bỗng nhiên gần đây dấu ấn của Nhật Cường để lại trên khá nhiều các website phần mềm của Thành phố Hà Nội. Có nhiều ý kiến cho rằng, Nhật Cường là sân sau của một cán bộ lãnh đạo thành phố Hà Nội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đến thời điểm hiện nay thì chưa có thông tin chính thức về việc này. Thế nhưng, nếu nhìn về hiện tượng thì có thể thấy “sân sau và bảo kê hay vấn đề nhóm lợi ích” trong câu chuyện của Nhật Cường. Cũng giống như ma túy và đánh bạc, khả năng có bảo kê, thế lực này khác, có người này, khác đứng sau là rất cao. Nếu không phải “sân sau, bảo kê, nhóm lợi ích” thì làm gì có chuyện một doanh nghiệp bình thường mà trúng toàn bộ Hà Nội vậy? Trong khi đó, bao nhiêu công ty phần mềm khác có nền tảng lại không đến lượt.
Việc các doanh nghiệp được bảo kê, doanh nghiệp "sân sau" của những lãnh đạo DNNN, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp Nhà nước vẫn có thể thoải mái tồn tại và phát triển trong suốt hàng chục năm qua là một vấn đề nhức nhối và đang càng ngày có xu hướng lan rộng. Tình trạng này cũng giống như đấu thầu, như BOT...
Môi trường kinh doanh lành mạnh phải là cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp nước ngoài với nhau chứ không phải là cạnh tranh “bẩn” giữa ông doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức hay của một cá nhân nào đó.
Tôi cũng phải nói thêm rằng, trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh như hiện nay, với những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và đúng đắn thì tồn tại được đã là khó, chứ được phát triển, được ưu ái, được tham gia những mảnh đất vàng, những dự án "ngon lành" thì chắc chắn là không có. Hầu hết các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc chỉ loay hoay với thị trường khách hàng, được đến đâu hay đến đấy và cũng vô cùng gian nan, nói gì đến việc được làm những dự án liên quan đến chính quyền.
Trong khi đó, những doanh nghiệp làm ăn không trung thực, gian lận, móc nối sân sau... thì luôn luôn có được những cơ hội vàng, được ưu ái từ giá cả, đấu thầu, đấu giá, những điều kiện về thủ tục, thuế má....
Những doanh nghiệp sân sau này làm méo mó quy luật thị trường, méo mó mọi thứ tử tế nhất, gây mất lòng tin trầm trọng. Vậy tại sao nó vẫn ngang nhiên tồn tại mà chúng ta không xử lý? Đó là vì tất cả những vấn đề này đều gắn liền với thể chế, với chính quyền, là vấn đề của cả hệ thống chứ không đơn thuần là vấn đề của vài cá nhân doanh nghiệp nào.
Nhật Cường đã làm nhiều dự án công nghệ cho Hà Nội, từ cơ sở dữ liệu dân cư, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân các phần mềm trong lĩnh vực giáo dục và dịch vụ công trực tuyến... Có hay không rủi ro bảo mật thông tin xảy ra, thưa ông?
- Theo tôi, những rủi ro về thông tin không liên quan đến câu chuyện khởi tố ông chủ Nhật Cường, thậm chí còn an toàn hơn. Trước khi ông Bùi Quang Huy bị khởi tố, bắt giam có thể đã xảy ra trường hợp mua bán, trao đổi dữ liệu thông tin của khách hàng ở đâu là dữ liệu của hàng chục nghìn người dân Hà Nội từ giáo dục, y tế… Điều đó chúng ta rất khó kiểm soát. Nhưng về lý, khi ông chủ Nhật Cường bị bắt cơ quan chức năng sẽ phải quản lý chặt hơn dữ liệu thông tin. Cơ quan Nhà nước sẽ bảo vệ thông tin tốt hơn.
Vâng xin cảm ơn ông!
Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường cùng 8 đồng phạm đối diện mức án 30 năm tù Luật sư cho rằng, với 2 tội danh mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường và ... |
Công ty Nhật Cường buôn lậu xuyên quốc gia, để ngoài sổ sách cả ngàn tỉ đồng Ngoài Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đồng phạm. |
Tổng giám đốc Nhật Cường bị cáo buộc cầm đầu tội phạm có tổ chức Ông Bùi Quang Huy bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc buôn lậu xuyên quốc gia, giấu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. |
Ông chủ Nhật Cường đối diện hình phạt nào sau khi bị khởi tố? Luật sư cho rằng sau khi bị khởi tố về 2 tội tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu ... |