Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/4 tuyên bố sẽ đề nghị Mỹ có hành động thỏa đáng về vụ rò rỉ các tài liệu mật của Mỹ có liên quan đến nước này, vào lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp bắt đầu chuyến công du quan trọng đến Anh. Phản ứng của Mỹ với cả hai đồng minh khi lùm xùm tài liệu mật chưa thể ngã ngũ sẽ là điều được chú ý thời điểm này.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Anh và Cộng hòa Ireland từ ngày 11-14/4, trong đó, ông Biden sẽ thăm Belfast nhân kỷ niệm 25 năm ngày ký Thỏa thuận "Ngày thứ Sáu tốt lành" trước khi đến Cộng hòa Ireland. Thỏa thuận "Ngày thứ Sáu tốt lành" được ký kết giữa Chính phủ Cộng hòa Ireland, Chính phủ Vương quốc Anh và các đảng phái ở Bắc Ireland ngày 10/4/1998 nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ trên đảo Ireland, kết thúc một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong thế kỷ 20.
Tuy nhiên, tình hình trên đảo Ireland đã trở nên căng thẳng sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - vào tháng 1/2020. Bắc Ireland không có chính quyền hoạt động kể từ tháng 2 vừa qua sau khi đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - đảng lớn nhất ở Bắc Ireland thân London - tẩy chay việc chia sẻ quyền lực để phản đối các quy tắc thương mại thời hậu Brexit áp dụng với vùng lãnh thổ thuộc Anh này. Trong khi đó, London tuyên bố sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit, khiến tình hình tại Bắc Ireland trở nên căng thẳng. Tháng trước, cơ quan tình báo MI5 của Anh đã nâng mức cảnh báo khủng bố tại Bắc Ireland lên mức nghiêm trọng, có nghĩa là nguy cơ cao xảy ra khủng bố.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ chào đón nhà lãnh đạo Mỹ vào ngày 11/4 khi chuyên cơ Không Lực Một hạ cánh cho chuyến thăm rất được quan tâm ở cả hai bên biên giới Ireland, trong bối cảnh bất ổn chính trị gia tăng ở Bắc Ireland. Từng là bên trung gian cho thỏa thuận năm 1998, Mỹ vẫn có tiếng nói quan trọng trong nền chính trị của Bắc Ireland và đã tìm cách bảo vệ hòa bình khỏi những căng thẳng do việc Anh rời EU gây ra.
Thông báo từ Nhà Trắng nêu rõ chuyến thăm của ông Biden tới vùng Bắc Ireland cũng thể hiện Mỹ sẵn sàng hỗ trợ "tiềm năng kinh tế rộng lớn" của vùng lãnh thổ này. The Guardian đồng thời đánh giá, Tổng thống Biden coi thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” là một mô hình hòa bình cho các quốc gia hậu xung đột, bất chấp những bất ổn chính trị do Brexit gây ra, song vẫn chưa được nhân rộng ở bất kỳ nơi nào khác. Vì thế, chuyến công du của ông Biden được kỳ vọng sẽ là phép thử cho việc Mỹ có thể hạ nhiệt tình hình tại Bắc Ireland hiện nay hay không.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/4 cho biết sẽ tìm kiếm "hành động thỏa đáng" từ Mỹ nếu cần thiết sau khi hai nước xem xét tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ cho thấy Mỹ nghe lén các cuộc trò chuyện tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc vào đầu tháng 3 về việc có cung cấp hỗ trợ vũ khí cho Ukraine hay không. Tuyên bố của Hàn Quốc được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận bắt đầu điều tra vụ rò rỉ một số tài liệu mật được cho thuộc về Lầu Năm Góc bị đăng trên mạng xã hội hôm 7/4, trong đó chứa thông tin thu thập được từ việc nghe lén các đồng minh như Hàn Quốc.
Điều này đặt Seoul vào tình thế khó xử, vào thời điểm chỉ khoảng hai tuần trước khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington. Song Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh rằng xác minh sự thật là ưu tiên hàng đầu và khẳng định không thể loại trừ nguy cơ bóp méo thông tin tình báo và sự can thiệp của bên thứ 3 trong quá trình xác minh sự thật.
Trên thực tế, Mỹ và Anh có mối quan hệ đồng minh gắn kết trong thế kỷ 20, thậm chí đã từng vượt được qua “bức tường lửa” Brexit. Trong khi đó, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc đang ngày càng được thắt chặt với hàng loạt cuộc tập trận chung được thực hiện trong thời gian qua. Liên quan đến vấn đề Ukraine, Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận lớn cung cấp hàng trăm vũ khí cho Ba Lan, nhưng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định luật pháp nước này cấm cung cấp vũ khí cho các quốc gia đang xảy ra xung đột, khiến việc hỗ trợ Ukraine là điều không thể. Trong khi đó, cùng với Mỹ, Anh rất nhiệt tình viện trợ vũ khí, trong đó các loại pháo, cho Ukraine để giúp quân đội nước này đối phó với Nga trên chiến trường.
Theo tờ New York Times, các quan chức Mỹ cho biết quy mô của vụ rò rỉ hơn 100 tài liệu mật cùng với độ nhạy cảm của chính các tài liệu đó có thể gây thiệt hại nặng nề. Một quan chức tình báo cấp cao gọi vụ rò rỉ là cơn ác mộng đối với Five Eyes (Ngũ Nhãn) – nhóm chia sẻ thông tin tình báo gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada.
Số tài liệu kể trên không phải là kế hoạch chiến tranh, cũng như không cung cấp chi tiết về bất kỳ cuộc tấn công nào đã được lên kế hoạch của Ukraine. Một số tài liệu có chứa các chi tiết được cho là không chính xác. Điều này làm dấy lên hoài nghi về tính xác thực của tài liệu. Mặc dù vậy, đây cũng sẽ trở thành phép thử cho Mỹ và quan hệ với các đồng minh, gần nhất là Anh – với chuyến công du kề cạnh, và Hàn Quốc – với lời đề nghị đã được Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đưa ra.