Có hai luồng ý kiến trái ngược về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra giữa xe khách và xe cứu hỏa trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ: Một bên cho rằng lỗi thuộc tài xế xe khách, bên kia khẳng định lỗi do tài xế xe cứu hỏa.
Hiện trường vụ tai nạn.
Một ý kiến khác được đưa ra từ một luật sư, là tình huống nói trên do “lỗi hỗn hợp”, đến từ hai phía (?).
Đến nay, cơ quan chức năng chưa có quyết định khởi tố vụ án, cũng như chưa có kết luận về vụ việc xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tranh luận, mâu thuẫn gay gắt trong giới luật sư và cộng đồng về việc xác định lỗi.
Ban đầu, một số luật sư căn cứ vào quy định xe cứu hỏa có quyền ưu tiên, được phép đi vào đường ngược chiều nên khẳng định lỗi thuộc về tài xế xe khách.
Sau đó, cộng đồng mạng đã phản ứng gay gắt, xuất hiện một số luật sư khẳng định: Lỗi thuộc về tài xế xe cứu hỏa, và xe khách là “nạn nhân”.
Với sự tiến bộ của công nghệ, mọi người đều có thể xem lại diễn biến của vụ việc qua dữ liệu camera một cách chính xác, khách quan. Và trình độ hiểu biết pháp luật của người dân đã được nâng cao, không dễ và không thể áp đặt những quan điểm thiếu thuyết phục.
Diễn biến của sự việc cho thấy, tài xế xe khách đã lâm vào một tình huống bất ngờ, bất khả kháng. Xe này cũng không vi phạm về tốc độ, thậm chí là chạy ở mức thấp so với tốc độ tối đa cho phép (87 km/h, trong khi giới hạn tốc độ từ 80-100km/h).
Trong khi đó, hành vi của tài xế xe cứu hỏa có mức độ nguy hiểm cao: Đi ngược chiều, rẽ đột ngột vào làn xe có tốc độ cao nhất. Hãy hình dung, xe này sẽ phải “đối đầu” với rất nhiều phương tiện đang chạy với tốc độ cao (80-100km) mà không được cảnh báo, thì khả năng gây ra tai nạn rất cao. Nếu không bị xe khách đâm ngay khi vừa vào làn, nhiều khả năng xe này sẽ va chạm với xe khác, thậm chí hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, sự chủ động thuộc về xe cứu hỏa, và tài xế có thể có những lựa chọn khác (chờ khoảng trống, đi vào làn có tốc độ thấp nhất…). Ưu tiên không có nghĩa là được phép đi bừa, đi ẩu.
Nếu xác định lỗi thuộc về tài xế xe khách, thì rất khó thuyết phục, và sẽ tạo ra tiền lệ xấu là sự lạm dụng quyền ưu tiên, bất chấp sự an toàn của chính bản thân và người khác.
Mục đích của các chế tài nhằm ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội, chứ không phải ngược lại.
Chúng ta chia sẻ, thông cảm với mục đích của xe cứu hỏa, cũng như những đau thương, mất mát về con người. Tuy nhiên, cần có sự phán xét công bằng, để hạn chế tối đa những sai sót, lỗi lầm, cũng như những hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho lực lượng thi hành công vụ và cộng đồng.
Tài xế vụ ôtô khách đâm xe cứu hỏa: Tôi không còn cách nào khác Sau va chạm, tài xế Mạnh kẹt trong buồng lái, dù bị thương nhưng anh vẫn ân cần hỏi thăm từng hành khách có mặt ... |
Ô tô khách đâm xe chữa cháy: Tài xế xe khách không thể tránh được tai nạn TS Trần Hữu Minh, Phó văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng có thể lái xe cứu hỏa đã bị ... |
\'Xe cứu hỏa không thể vì quyền ưu tiên mà bổ vào đoàn ôtô lưu thông\' "Nguyên tắc tham gia giao thông là phải đảm bảo an toàn cho bản thân, cộng đồng. Xe cứu hỏa không thể vì quyền ưu ... |