Cần làm rõ những thỏa thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp cũng như việc mua bán giữa doanh nghiệp với người thứ 2, thứ 3.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ băn khoăn trong việc thực hiện kết luận của Trung ương liên quan tới các sai phạm trong quản lý đất đai, tài sản công.
Đặc biệt là đối với tài sản, đất đai được giao cho các chủ đầu tư, tổ chức các nhân sai qui định trước đây đã bị chuyển nhượng nhiều lần qua các chủ thể khác thì có thể không xem xét thu hồi.
Trao đổi về việc này, chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực- Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành đưa ra một vài gợi ý giúp Đà Nẵng tháo gỡ được khó khăn.
Căn nhà Vũ nhôm bị kê biên. Ảnh: Dân trí
Trước hết, ông Đực khẳng định, việc cấp, giao đất đai, tài sản công phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cấp, giao đất sai thì các cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm.
Từ vướng mắc liên quan tới sai phạm của ông Phan Văn Anh Vũ và các dự án tại Bán đảo Sơn Trà, ông Đực cho rằng muốn xử lý được phải xem xét từ bước thực hiện ban đầu.
Ông lấy ví dụ, một khu đất A trị giá 100 tỷ, nhưng bằng cách nào đó, khu đất này được chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư, doanh nghiệp chỉ với giá 20 tỷ. Chủ đầu tư sau đó lại chuyển nhượng cho người khác hoặc tự đứng ra phân lô, bán nền kiếm lợi... thì phải xử lý thế nào? Theo ông Đực, cần phải xem xét ở hai hợp đồng.
Đầu tiên là xem xét hợp đồng thực hiện giữa cơ quan quản lý nhà nước khi ký quyết định giao đất, cấp đất cho chủ đầu tư, doanh nghiệp có đúng quy định pháp luật hay không?. Nếu, khu đất đó trị giá 1000 tỷ nhưng trong hợp đồng cơ quan quản lý nhà nước chỉ giao cho doanh nghiệp là 200 tỷ đồng hoặc giao cho doanh nghiệp theo cơ chế chỉ định thầu nghĩa là quá trình cấp, giao đất cho doanh nghiệp đã sai ngay từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Tiếp đến, khi doanh nghiệp đã được cấp, giao đất thì khu đất đó thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp, chủ đầu tư có thực hiện phân lô, bán đất cho hàng trăm người tiếp theo hay không là quyền của doanh nghiệp và nếu việc này diễn ra cũng hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
Như vậy, vấn đề ở đây là phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng đầu tiên thực hiện giữa các cơ quan quản lý nhà nước với chủ đầu tư, doanh nghiệp trước hết. Nếu việc thực hiện bàn giao, cấp đất cho doanh nghiệp là sai thì doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, bao gồm cả trách nhiệm bồi thường cho các giao dịch tiếp theo.
Đối với trường hợp này, để xác định rõ trách nhiệm đúng sai cũng như trách nhiệm bồi thường các cơ quan thanh tra nhà nước phải vào cuộc thanh tra, kiểm tra, thẩm định lại giá trị khu đất được chuyển nhượng có đúng hay không, nếu sai thì sai thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai? Khi đã có kết luận của Thanh tra vấn đề xử lý không còn khó khăn nữa.
Lấy ví dụ từ vụ việc Công ty Tân Thuận bán lại đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, ông Đực chỉ rõ: Trường hợp này, nếu phát hiện việc chuyển nhượng giữa Tân Thuận và Quốc Cường là sai mà Quốc Cường chưa chuyển nhượng cho người khác hoặc chưa thực hiện đầu tư việc xử lý sẽ rất đơn giản. Tức là Quốc Cường chỉ cần trả lại đất cho Tân Thuận, Tân Thuận sẽ phải trả lại cho Quốc Cường tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi phát sinh là xong.
Tuy nhiên, giả sử vướng mắc trong câu chuyện này là Quốc Cường đã đầu tư dự án và đã bán cho người dân thì không thể thu hồi lại được thì phải xử lý thế nào? Trường hợp này, không còn cách nào khác là Tân Thuận phải tổ chức định giá lại giá đất theo giá thị trường hiện tại, sau đó Quốc Cường phải trả thêm khoản chi phí chênh lệch cho Tân Thuận nhằm hợp thức hóa hợp đồng mua bán giữa hai bên. Đó là phương án tốt nhất trong trường hợp này.
Cùng với đó, cũng phải điều tra, làm rõ các dấu hiệu cấu kết, sai phạm giữa cơ quan quản lý nhà nước với các chủ đầu tư, doanh nghiệp.
"Cần phải đặt câu hỏi vì sao nhà nước lại giao, cấp đất cho Vũ "nhôm", Quốc Cường Gia Lai mà không phải là doanh nghiệp hay chủ đầu tư khác? Có khuất tất, lợi ích gì ở đây không? Đây là câu hỏi rất cần phải được làm rõ", ông Đực thẳng thắn.
Đối với hợp đồng thứ hai được thực hiện giữa chủ đầu tư, doanh nghiệp với các pháp nhân thứ 2, thứ 3 thì phải xử lý ra sao?.
Trường hợp này, ông Đực cho biết, cũng phải xem xét việc thực hiện hợp đồng trên trong hoàn cảnh nào, việc chuyển nhượng có đúng quy định của pháp luật hay không? Có dấu hiệu thông đồng, cấu kết hợp pháp hóa tài sản hay không? Theo ông Đực, việc làm rõ những dấu hiệu này để xác định việc chuyển nhượng, mua bán trên là đúng hay sai, có hợp pháp hay không hợp pháp.
"Như vậy, ở cả hai hợp đồng, hợp đồng giữa chính quyền địa phương với chủ đầu tư, doanh nghiệp và cả doanh nghiệp với chủ thế tiếp theo đều cần phải làm rõ. Nhưng trước tiên, cơ quan công an điều tra phải vào cuộc, phong tỏa toàn bộ tài sản có dấu hiệu, có liên quan tới các vụ chuyển nhượng, giao, cho thuê đất để phục vụ điều tra.
Việc này phải thực hiện ngay khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, hoặc phát hiện có sai phạm? Không thể để tình trạng người bán vé số cũng có tiền mua đất rồi mới tá hỏa phòng tỏa, kê biên", ông Đực nhấn mạnh.
Vướng mắc sau vụ Vũ nhôm: Góc nhìn khác Đà Nẵng Chủ tịch UBND Đà Nẵng nói khó thu hồi tài sản sai phạm, luật sư cho rằng phải xử lý theo quy trình tố tụng ... |
Ông Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc gây thiệt hại 200 tỷ đồng Cơ quan điều tra cho rằng ông Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Ngân ... |