Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) được kỳ vọng sẽ giúp tăng thêm cơ hội cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
- Ukraine nộp đơn gia nhập CPTPP
- Trung Quốc cố xoa dịu nghi ngại xung quanh việc xin gia nhập CPTPP
- Vì sao Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP?
Vương quốc Anh gia nhập CPTPP mang lại thêm cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt |
Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch vừa chính thức ký thỏa thuận gia nhập CPTPP cùng đại diện các nền kinh tế khác trong CPTPP. Như vậy, Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên của khối thương mại hiện đại và đầy tham vọng, bao gồm 12 nền kinh tế trên khắp khu vực châu Á, Thái Bình Dương và châu Âu.
Sự kiện này đặt ra nhiều kỳ vọng đặt ra đối với xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Vương quốc Anh.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng (cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người).
“Anh đã có cam kết mở cửa thị trường mới (ngoài cam kết trong UKVFTA) cho một số sản phẩm Việt Nam khi gia nhập CPTPP trong đó có hạn ngạch thuế quan đối với gạo thơm, cá ngừ, mật ong... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm nêu trên sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh”- ông Nguyễn Cảnh Cường thông tin.
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 2,66 tỷ USD, giảm 0,6%. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 2,05 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt gần 2,36 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so cùng kỳ năm 2022.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng, dẫn đầu tốc độ tăng lần lượt là: Giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 118,3%; Sản phẩm từ cao su 42,9%; Điện thoại và linh kiện các loại tăng 38,4%; Rau quả tăng 31,5%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác + 21,8%; Hạt điều tăng 9,6%; Giầy dép các loại tăng 7,1%, sản phẩm chất dẻo tăng 3,6%.
Trong đó, các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (23,3%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (14,8%); Giày dép các loại (13,1%); Hàng dệt may (10,8%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,1%; Hàng thủy sản 4,8%; Gỗ và sản phẩm gỗ 3,2%.
“Hiện Vương quốc Anh có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng này trong khi hệ thống cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ukraine”- ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay.
Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh cũng cần đáp ứng những yêu cầu nhất định. Trong đó, sản phẩm phải đạt chuẩn ổn định, tổ chức tốt chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông phân phối. Đồng thời, phải cập nhật thông tin chính sách về thị trường để không bị thiệt hại.
Nhận định về những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này, ông Nguyễn Cảnh Cường cũng cho biết thêm, hiện nhu cầu thị trường giảm sút do lạm phát cao, người dân thắt chặt chi tiêu; yêu cầu sản phẩm phải bảo vệ môi trường… là thách thức lớn với doanh nghiệp.
Đặc biệt là sau khi gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh cũng cam kết mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của các nước thành viên CPTPP khác; Trong đó, các nước Australia, New Zealand, Malaysia và Mexico có nhiều sản phẩm cùng loại với sản phẩm Việt Nam. Do đó, hàng Việt cần tăng cường lợi thế cạnh tranh để khai thác thị trường.