Cơ quan giám sát sức khỏe của Liên hợp quốc cho biết gần 60% người lớn bị thừa cân hoặc béo phì tại châu Âu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tỷ lệ béo phì đã đạt đến “tỷ lệ dịch bệnh” ở châu Âu. Vấn đề này đã được nhấn mạnh trong một báo cáo của WHO được công bố tại hội nghị các quốc gia châu Âu về bệnh béo phì vào hôm 3/5.

Cơ quan giám sát y tế của Liên hợp quốc cảnh báo tỷ lệ này “vẫn đang tiếp tục leo thang”. WHO cũng chỉ ra rằng không có quốc gia nào trong khu vực có khả năng sẽ đáp ứng được mục tiêu đến năm 2025 về bệnh không lây nhiễm (NCD) toàn cầu, trong đó có việc ngăn chặn tỷ lệ béo phì gia tăng.

7
WHO cảnh báo tỉ lệ béo phì tại châu Âu đang không ngừng gia tăng.

“Đáng báo động là tỷ lệ thừa cân và béo phì đã có sự gia tăng đồng đều và không một quốc gia nào trong khu vực đạt được mục tiêu ngăn chặn sự gia tăng béo phì đến năm 2025”, báo cáo của WHO nêu.

Căn bệnh béo phì đang khiến khoảng 1,2 triệu ca tử vong và gây ra khoảng 200.000 ca ung thư trong khu vực hàng năm. Báo cáo của WHO cũng nhấn mạnh con số này còn tiếp tục tăng lên và ở một số quốc gia, bệnh béo phì được dự đoán sẽ vượt qua các tác nhân vốn được cho là nguyên nhân gây ung thư khác, trong đó có hút thuốc.

“Trên toàn khu vực châu Âu, béo phì có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra ít nhất 200.000 trường hợp ung thư mới. Con số này dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng lên trong những thập kỷ tới”, WHO cho hay.

Hiện tại, theo số liệu của WHO, khoảng 59% người trưởng thành ở châu Âu bị thừa cân hoặc béo phì. Vấn đề này cũng đang ảnh hưởng đến trẻ em. Theo đó, 7,9% trẻ em dưới 5 tuổi - khoảng 4,4 triệu trẻ em, đang gặp vấn đề với trọng lượng cơ thể dư thừa.

Tình hình còn tồi tệ hơn đáng kể ở trẻ em trong độ tuổi đi học, trong đó 1/3 trẻ bị thừa cân. Xu hướng "giảm tạm thời ở thanh thiếu niên", với khoảng 1/4 ca mắc bệnh. Báo cáo của WHO cũng cho biết tỷ lệ béo phì ở châu Âu cao hơn so nhiều khu vực khác trên thế giới, chỉ sau châu Mỹ.

WHO cho hay, cần phải có một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết vấn đề này, đồng thời cơ quan này cũng thừa nhận rằng “không có biện pháp can thiệp đơn lẻ nào có thể ngăn chặn sự gia tăng căn bệnh này".

Các biện pháp được WHO đưa ra bao gồm tăng thuế đối với đồ uống có đường và trợ cấp cho thực phẩm lành mạnh, hạn chế quảng cáo thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em, cũng như “cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ quản lý béo phì và thừa cân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, coi đây như một phần của bảo hiểm y tế toàn dân".