WHO cho biết hiện, biến chủng Omicron hiện lan rộng đến 38 nước song vẫn chưa ghi nhận trường hợp thiệt mạng do chủng virus này.
Biến chủng Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 38 quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông, châu Âu và lan đến được 7 trong số 9 tỉnh của Nam Phi. Chính phủ nhiều nước đã thắt chặt các quy tắc đi lại để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này.
Mỹ và Australia trở thành những quốc gia mới nhất xác nhận trường hợp mắc biến chủng Omicron trong cộng đồng. Trong khi đó, số ca nhiễm biến chủng này từ một bữa tiệc Giáng sinh ở Na Uy đã tăng lên 17 trường hợp.
Biến chủng Omicron đang lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. (Ảnh: Reuters) |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, có thể mất nhiều tuần để xác định mức độ lây nhiễm của biến chủng, liệu Omicron có gây ra bệnh nặng hơn hay không và các phương pháp điều trị cũng như làm rõ mức đội hiệu quả của vaccine hiện có với chủng virus này.
WHO cho biết vẫn chưa ghi nhận trường hợp tử vong liên quan đến Omicron, nhưng sự lây lan của biến thể mới đã khiến sự phục hồi của thế giới trở nên mong manh. Tổ chức này cảnh báo, chủng virus này có thể chiếm 1/2 tổng số ca nhiễm COVID-19 ở châu Âu trong vài tháng tới.
Nghiên cứu sơ bộ của các nhà nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy biến chủng Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao gấp ba lần so với chủng Delta hoặc Beta.
Các bác sĩ cho biết số lượng trẻ em dưới 5 tuổi nhập viện đã tăng đột biến kể từ khi chủng Omicron xuất hiện, nhưng nhấn mạnh rằng còn quá sớm để biết liệu trẻ nhỏ có thuộc diện dễ mắc bệnh hay không.
Trưởng nhóm khoa học của WHO Soumya Swaminathan cho rằng, mọi người không nên hoảng sợ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, cho biết còn quá sớm để khẳng định có cần phải điều chỉnh lại vaccine hay không.