Tổng thống Mỹ muốn rút khỏi WTO vì tổ chức này đã phá hoại nước Mỹ, không đảm bảo được lợi ích tuyệt đối của Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này đã đe dọa sẽ đưa Mỹ rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
| |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nước Mỹ đang bị WTO đối xử không công bằng. |
Phát biểu trong một buổi mít-tinh được tổ chức tại Pittsburg, thuộc bang Pennsylvania (Mỹ), ông Trump nói rằng, tổ chức này “đã phá hoại nước Mỹ trong rất nhiều năm qua”.
"Chúng ta sẽ ra đi nếu chúng ta buộc phải làm vậy" - ông Trump nói.
Không ít lần ông chủ Nhà Trắng công kích WTO và dọa sẽ rút khỏi tổ chức vì cho rằng Mỹ bị đối xử không công bằng và Washington không nhất thiết phải tuân thủ các quy định của WTO. Hồi đầu năm ngoái, Trump còn gọi WTO là "thảm họa".
Ông Trump đặc biệt chỉ trích những điều khoản WTO dành cho Trung Quốc hay Ấn Độ khi họ gia nhập tổ chức, cáo buộc Bắc Kinh có hành vi đánh cắp công nghệ Mỹ. Những điều khoản của WTO giành cho các quốc gia đang phát triển, theo ông Trump là không còn phù hợp với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung Quốc. Điều này đã khiến Bắc Kinh có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều so với Mỹ.
Kể từ khi lên nhậm chức cho tới nay, Tổng thống Mỹ đã nêu bật quan điểm là làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại trở lại. Ông Trump cho rằng, nước Mỹ đang phải chấp nhận thương mại không công bằng với các đối tác chỉ vì vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này đã thể hiện rõ bằng cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà ông Trump tập trung vào con số thâm hụt thương mại Mỹ- Trung để giải thích.
Hai sắc lệnh đầu tiên mà ông Trump đã ký từ khi làm Tổng thống Mỹ liên quan đến thương mại không công bằng và chống bán phá giá. Sắc lệnh liên quan đến chống bán phá giá yêu cầu các quan chức thương mại Mỹ đẩy nhanh việc thu thuế chống bán phá giá và các loại thuế cao đã được áp dụng đối với những sản phẩm từ nước ngoài do trợ giá hay trợ cấp một cách bất hợp pháp.
Hai sắc lệnh đầu tiên đặc biệt quan trọng, cho thấy xu hướng lựa chọn bước đi của ông Trump trong cả nhiệm kỳ. Ông nói: “Chúng ta sẽ bảo vệ ngành công nghiệp của đất nước và tạo ra một sân chơi công bằng cho người lao động Mỹ...”.
Cho tới nay, Tổng thống Mỹ đã rất quyết tâm ủng hộ đường lối kinh tế này. Ông Trump đã nỗ lực tái định hình chính sách thương mại của Mỹ với mục tiêu bảo hộ nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ, điều mà ông đã nhiều lần nói đến trong chiến dịch tranh cử.
Nhưng quan điểm kinh tế này của Tổng thống Mỹ đi ngược lại những mục tiêu hoạt động của WTO.
WTO là một diễn đàn thương lượng về mậu dịch theo hướng tự do hoá thương mại lớn nhất toàn cầu với 153 thành viên (đến 9/2009) và chiếm tới 95% giao dịch thương mại quốc tế.
Bên cạnh việc thương lượng để loại bỏ các rào cản trong thương mại, WTO còn đưa ra các nguyên tắc và cơ sở pháp lý cho thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thành viên, và giám sát việc thực hiện các Hiệp định trong khuôn khổ WTO.
Như vậy, một khi Mỹ muốn sử dụng sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới, hợp tác với các quốc gia khác, họ sẽ bị WTO điều chỉnh hành động khi có bất cứ vấn đề mâu thuẫn xảy ra.
Khi những thương lượng này mang lại bất lợi cho Mỹ, Washington chỉ trích, dọa rút khỏi tổ chức. Thực tế cho thấy, Mỹ từng nhiều lần giành chiến thắng trong các tranh chấp thương mại nhờ WTO.
Trong khi kêu gọi cải cách, chính quyền Trump cũng làm tê liệt hoạt động của WTO. Washington đã ngăn việc bổ nhiệm thành viên mới vào Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO, khiến tổ chức có nguy cơ phải ngừng hoạt động vào cuối năm nay.
Khi Mỹ rời khỏi WTO...
Khi tổ chức thương mại thế giới không còn mang tới lợi ích tuyệt đối cho Mỹ, xu hướng chung là Washington sẽ rút khỏi, hoặc đòi cải tổ, hoặc thành lập tổ chức mới.
Việc Mỹ rút khỏi WTO là lựa chọn của riêng nước Mỹ song với vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới, quyết định này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới bản thân tổ chức WTO.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, vốn là một tổ chức thương mại thế giới, sự rút lui của nền kinh tế hàng đầu như Mỹ khỏi WTO sẽ đặt ra một câu hỏi lớn về sự tồn tại của tổ chức này.
"Sự tồn tại của Tổ chức Thương mại thế giới sẽ bị nghi ngờ nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới tuyên bố rút ra khỏi. Đó là điều hiển nhiên!" - ông Peskov nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Nga vẫn sẽ tiếp tục là thành viên của WTO cho dù quyết định của Mỹ có dẫn đến hậu quả như thế nào.
| |
Một bức ảnh biếm họa cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn đập phá tổ chức WTO. |
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Hội đồng Liên bang - ông Konstantin Kosachev - nhận định, Mỹ đang muốn đặt ra các quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu đối với tất cả các nước và việc Mỹ rút khỏi WTO sẽ là một mối đe doạ mới đến từ Washington.
Nhiều chuyên gia Nga nhận định, việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh kế toàn cầu nhưng đã đến lúc cần đến một cuộc cải cách thực sự cho WTO.
Gary Clyde Hufbauer, cựu quan chức thương mại Mỹ hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế cho rằng, Mỹ có thể nâng thuế "vô tội vạ" và buộc những quốc gia khác phải có những biện pháp phản ứng lại.
Các nước thành viên WTO khác có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ và Washington cũng có thể hành động ngược lại, áp đặt những yêu cầu phiền toái, khiến các doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi đó, Mỹ cũng sẽ tùy ý xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng mà không còn dựa trên hệ thống xử lý tranh chấp của WTO. Điều này có thể sẽ khiến các đối tác với Mỹ xa rời và nước Mỹ cũng sẽ bị cô lập trong nền kinh tế thế giới.