UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu dừng mọi hoạt động đón khách tham quan tại khu vực núi Cái Hạ, trong vùng lõi danh thắng Tràng An để thanh tra toàn diện và có hướng xử lý
Tràng An
Ngoài việc công bố thành lập đoàn thanh tra toàn diện các hoạt động xây dựng, khai thác du lịch tại khu vực núi Cái Hạ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), ngày 7-3, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình còn yêu cầu dừng mọi hoạt động đón khách tham quan. Nguyên do, công trình xây dựng tại đây chưa được cấp phép, xâm hại cảnh quan môi trường vùng lõi di sản thế giới Tràng An; không bảo đảm tính mạng, tài sản của du khách.
Chờ kết luận thanh tra!
Vụ việc Công ty CP Du lịch Tràng An (thôn Tràng An, xã Trường Yên) tự ý phá núi đá trong vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An để xây dựng một tuyến đường lên đỉnh núi Cái Hạ đang gây bức xúc trong dư luận cả nước. Công trình này không có phép, ngang nhiên xây dựng ngay trong vùng cấm nhiều tháng qua nhưng các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình không quyết liệt xử lý.
Quyết định 1046 ngày 14-12-2017 do ông Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, ký đã nêu rõ Công ty CP Du lịch Tràng An tự ý đào bới, khoan đá, xây dựng bậc cầu thang lên xuống bằng bê tông cốt thép và một số công trình khác trên sườn núi Cái Hạ, xâm hại nghiêm trọng danh thắng Tràng An. Huyện yêu cầu công ty này phải tháo dỡ toàn bộ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu. Sau 30 ngày, nếu công ty không chấp hành thì công trình sẽ bị cưỡng chế.
Tuy nhiên, quá thời hạn, công trình vẫn không bị tháo dỡ mà vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác du lịch. Đến khi báo chí lên tiếng, các ngành chức năng vào cuộc thì UBND huyện Hoa Lư mới "cuống cuồng" ra tiếp văn bản yêu cầu tháo dỡ công trình trong vòng 8 ngày.
Trả lời Báo Người Lao Động ngày 8-3, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, cho biết do công tác kiểm tra, đôn đốc chưa được kiên quyết nên mới để xảy ra sự việc như trên. "Hôm 2-3, huyện cũng đã làm việc với công ty. Chúng tôi đã yêu cầu tháo dỡ, nếu không sẽ sử dụng biện pháp mạnh hơn để cưỡng chế. Thế nhưng, hôm 7-3, tỉnh đã công bố kết luận thanh tra toàn diện nên nhiều khả năng việc tháo dỡ phải chờ kết quả thanh tra" - bà Cúc nói.
Những sai phạm ở công trình này diễn ra trong thời gian dài, liệu có ai "tiếp tay" cho doanh nghiệp hay do địa phương buông lỏng quản lý? Bà Cúc cho rằng "phía huyện chắc chắn không có ai làm việc đó". "Về việc để xây dựng trái phép, công tác quản lý xây dựng cơ bản còn chưa kịp thời, thiếu đôn đốc UBND xã, các phòng - ban nên thông tin còn thiếu sót, hạn chế. Chúng tôi cũng đã nhận trách nhiệm trong chỉ đạo về những sai phạm trên" - bà Cúc phân trần. Về trách nhiệm, bà Cúc nói chưa đưa ra hình thức xử lý mà đang chờ kết luận thanh tra, đồng thời chỉ đạo các phòng - ban kiểm điểm.
Công trình đường lên núi Cái Hạ xâm hại nghiêm trọng vùng lõi danh thắng Tràng An
Xử lý nghiêm để răn đe
Theo ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, sở dĩ đơn vị chưa báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khi phát hiện việc xâm hại danh thắng Tràng An là vì thời điểm này địa phương đang xử lý. "Khi nào xử lý xong, chúng tôi mới báo cáo chứ không phải chúng tôi không báo. Hôm rồi, đoàn của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về làm việc, chúng tôi cũng đã báo cáo hết về việc này" - ông Phong phân trần.
Khi phóng viên đặt câu hỏi sự việc xảy ra trong một thời gian dài nhưng không quyết liệt xử lý, vậy trách nhiệm của sở thế nào, ông Phong từ chối trả lời và cho biết tất cả phải chờ kết luận cuối cùng của đoàn thanh tra.
Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho biết ông rất ngạc nhiên về công trình xây dựng hoành tráng như thế diễn ra trong một thời gian dài và đưa vào hoạt động nhưng Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư lại không biết gì. "Khi biết rồi mà cứ để đó thì rất lạ. Công trình này đang được UBND tỉnh Ninh Bình thanh tra nhưng khi sự việc đã rồi thì chẳng khác nào "vuốt đuôi", không ổn" - PGS-TS Trụ nhận xét.
Ông Trụ cho rằng phải xử lý nghiêm chuyện này để răn đe các trường hợp khác. "Di sản này là của thế giới, Việt Nam là đại diện để bảo vệ và phát huy di sản đó, nếu làm không tốt sẽ bị khiển trách. UNESCO có quyền công nhận di sản thì họ cũng có thể tước danh hiệu đó" - ông Trụ nêu.
Cần khởi tố vụ án PGS-TS Đỗ Văn Trụ cho rằng cần phải khởi tố vụ án để điều tra, xử lý vì theo ông, đã có nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến văn hóa, danh thắng được phát giác và các cơ quan chức năng cũng vào cuộc rầm rộ nhưng chỉ xử lý qua loa rồi cho qua. Ông Trụ băn khoăn sau kết luận thanh tra, không biết địa phương có phá dỡ để trả lại nguyên trạng cho danh thắng không, hay lại phạt để cho công trình tiếp tục tồn tại? Đây là vấn đề mà các ngành chức năng phải lưu tâm. Theo ông, trách nhiệm để xảy ra vụ việc này không chỉ Sở Du lịch, UBND huyện Hoa Lư và các ngành liên quan mà còn có cả UBND và Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình. |
Sở Du lịch Ninh Bình đề nghị tháo dỡ cầu đâm xuyên lõi di sản Tràng An Chỉ sau khi Cục Di sản văn hóa và Thanh tra Bộ VH-TT-DL có ý kiến chỉ đạo, Sở Du lịch Ninh Bình mới báo ... |
Khu du lịch \'Tràng An cổ\' bị đề nghị đình chỉ hoạt động Công ty khai thác du lịch tại khu danh thắng Tràng An (Hoa Lư, Ninh Bình) bị đề nghị đình chỉ mọi hoạt động sau ... |
Đại công trình xâm hại lõi Tràng An: Người ta cố tình Lãnh đạo huyện Hoa Lư khẳng định sẽ xử lý công trình sai phép ở Tràng An nhưng do doanh nghiệp cố tình nên phải ... |