Xăng dầu bán lẻ trong nước được dự báo sẽ tiếp tục giảm giá mạnh nhờ giá dầu thô thế giới liên tục lao dốc, đỏ sàn hàng loạt.

Đầu ngày 19/7, trên Trading Economics cho thấy giá dầu Brent giao dịch mức 105,47 USD/thùng, giảm 0,72 USD, tương đương mức giảm 0,7%. Nguy cơ suy thoái kinh tế, cầu giảm khi lãi suất tăng và việc Trung Quốc tiếp tục phong tỏa nhiều thành phố do COVID-19 là những yêu tố tác động khiến giá dầu thế giới có xu hướng giảm.

Xăng sắp về 26.000 - 28.000 đồng/lít? - 1

Xăng dầu được dự báo tiếp tục giảm sâu trong kỳ điều hành ngày 21/7.

Dữ liệu Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 15/7, giá xăng RON92 tại thị trường Singapore là 108,26 USD/thùng, xăng RON95 là 112,9 USD/thùng, dầu diesel là 134,23 USD/thùng… Mức giá này giảm mạnh so với thời điểm trước kỳ điều hành ngày 11/7.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh giá ngày 21/7 sẽ tiếp tục giảm mạnh. Nếu không có biến động lớn từ giá dầu thế giới, và Liên bộ Công Thương – Tài chính không trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG), giá xăng trong nước có thể giảm về mức 26.000 - 28.000 đồng/lít. Trường hợp trích quỹ BOG, giá xăng dầu bán lẻ sẽ giảm ít hơn.

Trong kỳ điều hành giá ngày 11/7, xăng E5 RON92 có giá 27.788 đồng/lít, giảm 3.103 đồng/lít; xăng RON95-III giá 29.675 đồng/lít, giảm 3.088 đồng/lít. Dầu diesel giá 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa giá 26.345 đồng/lít, giảm 2.008 đồng/lít; dầu mazut có giá 17.712 đồng/kg, giảm 2.010 đồng/kg.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhà điều hành không nên trích lập quỹ BOG ở mức cao. Người dân và doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, phát triển kinh doanh sau chuỗi ngày khó khăn vì COVID-19.

Thậm chí, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn thì cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT…Có như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.

“Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.

TS Bùi Trinh cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là bất hợp lý, cần sớm bỏ do xăng dầu là mặt hàng dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Trong khi giá xăng dầu đang rất cao thì việc gánh hàng loạt thuế phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý.

“Tôi cho rằng nên xóa bỏ sắc thuế này với xăng dầu, đồng thời tiếp tục giảm thuế nhập khẩu. Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, không lý do gì người dân lại phải chịu quá nhiều thuế phí trên mỗi lít xăng. Chính phủ nên có phương án trợ giá cho người dân và doanh nghiệp. Nguồn ngân sách lấy từ chính nguồn lợi từ xuất khẩu dầu thô, vì đây là tài sản của người dân, người dân được quyền hưởng lợi”, chuyên gia nhấn mạnh.

https://vtc.vn/xang-sap-ve-26-000-28-000-dong-lit-ar688816.html

Hòa Bình / VTC News