Nợ công cao, người dân còn nghèo, bệnh viện quá tải, cầu đường xuống cấp…, có cần thiết lấy 1.400 tỉ đồng ngân sách để xây nghĩa trang cho cán bộ vào lúc này?
Mới đây, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung (huyện Thạch Thất, Hà Nội) để phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp. Nguồn vốn dự kiến hơn 1.400 tỉ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Theo tôi, việc này chưa cần thiết.
Dân còn nghèo, nợ công cao
Thứ nhất, 2017 là năm mà Việt Nam phải chịu rất nhiều tổn thất từ thiên tai, với 386 người chết và mất tích, hàng ngàn người dân mất nhà cửa, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng, sản xuất đình trệ. Cuộc sống của nhân dân đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân dân các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp như: Sơn La, Yên Bái, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chi một phần ngân sách trong dự án xây dựng nghĩa trang ngàn tỉ để giúp nhân dân ở các vùng này khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống để phát triển là việc làm ý nghĩa và cần thiết hơn bao giờ hết.
Thứ hai, các đại án tham nhũng gần đây dù đã được cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý nghiêm nhưng việc truy thu tài sản tham nhũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhà nước thiếu vốn trong đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực; nhiều dự án đầu tư dở dang, ngưng trệ kéo dài, thậm chí "đắp chiếu" vì thiếu vốn.
Thứ ba, hiện cả nước có 64 huyện nghèo và hơn 1,9 triệu hộ nghèo. Nhân dân ở các huyện này đang rất cần sự hỗ trợ về tài chính để ổn định cuộc sống; chính quyền các huyện này cũng rất cần ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm phát triển địa phương. Rất nhiều trường học không điện, không nước, không nhà vệ sinh; bệnh viện quá tải, 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường; nhiều con đường, cây cầu xuống cấp trầm trọng…
Thứ tư, chúng ta đang phải đối mặt với nợ công. Đành rằng muốn xây dựng để phát triển thì phải có vốn, không có vốn thì phải vay nhưng vay thì phải trả. Hiện nay, nợ công của Việt Nam ở mức cao, khoảng 3,1 triệu tỉ đồng. Tính ra mỗi người dân phải "gánh" khoảng 30 triệu đồng. Năm 2018, cùng với việc xác định bội chi ngân sách ở mức 3,7% trên GDP, nợ công theo dự kiến của Bộ Tài chính sẽ ở đỉnh mới là 63,9% GDP. Nợ công dù trong ngưỡng an toàn thì cũng là nỗi lo của người dân.
Các anh hùng liệt sĩ được đặt nằm bên nhau trong Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên (Tây Ninh) Ảnh: Thanh Long
Sống gần dân, chết cũng gần dân
Thứ năm, mai táng bằng hình thức địa táng là phong tục của ông cha ta, khi chết ai cũng như nhau, mỗi người có 2 m2 đất. Trong các nghĩa trang liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc đã anh dũng hy sinh được đặt nằm bên nhau, mỗi người chỉ 1 m2 đất. Tuy vậy, họ vẫn luôn sống mãi trong ký ức của nhân dân. Ngày nay, do dân cư đông đúc, quỹ đất có hạn và giải quyết vấn đề ô nhiễm về nguồn nước, không khí nên chúng ta đang vận động mai táng bằng hình thức hỏa táng. Nhiều tỉnh, thành hiện đã có đài hỏa táng, việc thực hiện hỏa táng không còn xa lạ. Vì vậy, lấy tiền ngân sách để xây mộ cho cán bộ cấp cao, mỗi ngôi mộ có khuôn viên 25 - 35 m2 thì đúng là… rất lạ.
Thứ sáu, nhân dân là lực lượng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Mối quan hệ của Đảng với nhân dân vô cùng mật thiết, máu thịt. Bác Hồ đã khẳng định: "Đảng với dân như cá với nước". Đảng ta ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc không còn lợi ích nào khác. Chúng ta đang ra sức thực hiện Quy định số 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta đang tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên phải sống gương mẫu, giản dị, khiêm tốn, tiết kiệm, trọng dân, gần dân, hiểu dân; chống quan liêu, tham ô, lãng phí, vô cảm… Sống gần dân thì chết cũng gần dân. Đó là lẽ thường tình, những anh hùng, danh nhân cho đến thường dân từ xưa đến nay chưa ai làm khác.
Thứ bảy, dân tộc ta là một dân tộc yêu hòa bình; trọng tình nghĩa; sống gắn bó thủy chung từ trong gia đình, họ hàng, làng xã. Cho nên ở đâu, làm gì thì hình bóng người thân, quê nhà vẫn luôn hiển hiện trong trái tim chúng ta. Chẳng ai muốn tha hương, bất đắc dĩ mà đi thì già cũng tìm về. Kể cả khi phải chết nơi đất khách, con cháu cũng tìm cách đưa về. Điều này đã ăn sâu vào tâm thức người dân như một lẽ tự nhiên mang đậm nét tâm linh. Có ai muốn mình sau khi chết lại nằm xa người thân, xa đất mẹ?
Nghĩa trang Yên Trung rộng 120 ha Nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 km về phía Tây. Phía Bắc và phía Tây giáp Vườn Quốc gia Ba Vì; phía Đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; phía Nam giáp đồi núi và khu dân cư. Tổng diện tích nghĩa trang 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Có 2.200-2.500 ngôi mộ, mỗi ngôi có khuôn viên 25 - 35 m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người. Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng. |
Hà Nội xây nghĩa trang 14.000 tỷ dành cho cán bộ cấp cao Nghĩa trang Yên Trung rộng 120 ha là nơi an nghỉ, khu tưởng niệm lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, các anh hùng... của ... |
1.400 tỷ đồng xây nghĩa trang quốc gia dành cho cán bộ cao cấp Nghĩa trang Yên Trung rộng 120 ha, có chức năng tương tự nghĩa trang Mai Dịch, sẽ được đặt ở ngoại thành Hà Nội. |