(Tin tức thời sự) - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, càng nghiên cứu về chủ trương xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm càng thấy nao núng...
Chiều 29/10, vấn đề xây nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm đã hâm nóng Quốc hội.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: TTO
Trong phần thảo luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, thời gian qua có tình trạng nhiều tỉnh thành đua nhau xây trụ sở to, nhà văn hóa hoành tráng.
Dẫn riêng dự án nhà hát 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm (TP.HCM), ông Nhưỡng cho rằng dự án này Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 nhưng bây giờ lại giữ nguyên rồi "phê ngược trở lại Chính phủ".
Tuy nhiên, khi nhận được báo cáo của đoàn TP HCM về chủ trương xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm, ông cho biết, càng nghiên cứu càng nao núng.
Theo ĐB Nhưỡng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, rất nhiều dự án, công trình dân sinh cần thiết thiếu vốn, còn dang dở thì việc xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc vũ kịch Thủ Thiêm là không phù hợp.
ĐB Nhưỡng cho rằng, trong bối cảnh vấn đề đất đai, đời sống của người dân Thủ Thiêm còn nhiều vấn đề cần giải quyết mà lại đề xuất xây dựng nhà hát lại càng không nên.
“Mặt khác, đầu tư vào kinh tế, giáo dục thì không bao nhiêu là đủ, đừng lấy cách giải thích là đã đầu tư rất nhiều rồi nên giờ thêm 1.500 tỉ cho nhà hát thì không bao nhiêu. Tôi cho rằng cách giải thích như thế là không ổn”.
Từ phân tích trên, ông đề nghị Thủ tướng và Chính phủ xem xét cẩn trọng các đề xuất xây dựng của địa phương; đối với những công trình không cần thiết thì không "dĩ hoà vi quý".
Tham gia tranh luận, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định với việc cân đối vốn, ngân sách để xây dựng nhà hát, "lãnh đạo thành phố và HĐND đã cân nhắc để đảm bảo trong sự phát triển hài hoà". TP HCM vẫn đầu tư cho các lĩnh vực trong đó có văn hoá - một việc mà các kỳ đại hội Đảng bộ TP HCM gần đây đều nhận định là đầu tư chưa đúng mức.
Bà Tâm nhắc lại, dự án đã được Chính phủ phê duyệt trong cả quá trình, trong tổng phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2020; trong đó có nêu dự án nhà hát nhạc giao hưởng và vũ kịch là dự án ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố trong giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, do chưa xác định vị trí tạo sự đồng thuận, còn ý kiến khác nhau nên đến nay HĐND thành phố mới quyết định xây dựng.
Cũng theo bà Tâm, dự kiến thời gian xây dựng là từ 1 – 5 năm và giải ngân vốn theo từng giai đoạn.
Còn vấn đề liên quan đến người dân Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố vẫn đang tiếp tục đồng hành giải quyết vấn đề này thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân Thủ Thiêm đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn của thành phố. Ban Thường vụ Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, trong báo cáo gửi tới Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết, tổng vốn đầu tư Nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng đã được thành phố "dành riêng từ năm 2014 từ nguồn đấu giá đất, không sử dụng cho mục đích khác".
Nguồn tiền trên được TP.HCM giải trình là lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao.
Thông tin về nhà hát 1.508 tỷ đồng này thực sự đã gây nên một “cơn bão” tranh luận trên mạng xã hội. Ý kiến ủng hộ cũng có nhưng ý kiến phản đối cũng nhiều. Đa số các ĐBQH thì đều bày tỏ băn khoăn và cho rằng bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp để xây nhà hát.
ĐBQH: "Sao lại xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm khi lòng dân không yên?" Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ cần phải có thái độ quyết liệt về vấn đề xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ... |
Chủ đầu tư nhiều sai phạm được giao xây Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM) được bàn giao vào tháng 4.2017, tuy nhiên nhà hát này luôn đóng cửa. Nguyên nhân là công trình ... |
TP.HCM trả lời câu hỏi \'xây nhà hát giao hưởng cho ai?\' Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa có báo cáo thêm về Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ đồng tại Thủ Thiêm và khẳng định ... |
- An An