Cầu đường bộ là một hạng mục quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố có không ít những cây cầu bị người dân chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán, đỗ ô tô trái phép... gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, cần phải xử lý nghiêm.

o-to.jpg
Ô tô dừng, đỗ trên cầu Mọc (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Ảnh: Ngân Thùy

Muôn kiểu vi phạm

Vi phạm phổ biến nhất trên các cây cầu bắc qua các sông Tô Lịch, Lừ, Sét... là hoạt động họp chợ cóc, bán hàng rong và dừng đỗ phương tiện trái phép.

Điển hình là tình trạng họp chợ ở khu vực Cầu Mới (trên đường Nguyễn Trãi) và cầu Giáp Nhất (đoạn gần cây xăng đường Láng) đã diễn ra từ rất lâu nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để. Từ 1h sáng hằng ngày, người buôn bán đã tập trung về đây đổ đủ loại thực phẩm, rau củ quả xuống lòng đường, trên mặt cầu để bán hàng. Hàng nọ ngồi kế tiếp hàng kia kéo dài từ Cầu Mới đến cầu Giáp Nhất. Nhóm hàng thủy sản tươi sống chiếm trọn lòng cầu Giáp Nhất, trở thành khu vực mất vệ sinh nhất bởi hoạt động giết mổ cá diễn ra ngay tại đây. Nước thải sau khi sơ chế cá chảy loang khắp mặt cầu, rất mất vệ sinh. Phía Cầu Mới là các hàng hoa, cây cảnh nối tiếp nhau theo chiều dài cầu. Kèm theo đó là vài ba quán nước phục vụ cho những người bán hàng.

Bà Nguyễn Mai Phương (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) cho biết, khi lực lượng chức năng đi dẹp chợ, người bán hàng thu dọn những vật dụng cần thiết như cân và hàng hóa, để lại những đống rác lớn nhỏ khắp khu vực cầu.

Ông Trịnh Văn Ly, lực lượng tự quản phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho biết, chợ họp đến 6h sáng thì dần giải tán vì đây là thời điểm các lực lượng chức năng của các phường sở tại đi tuần tra, xử lý trật tự đô thị.

Tuy nhiên, vi phạm chiếm dụng lòng cầu chưa dừng lại. Vào thời điểm buổi trưa hoặc chiều tối trở đi, cầu Giáp Nhất lại trở thành nơi dừng đỗ của nhiều xe ô tô, trong đó có nhiều xe taxi. Theo người dân khu vực, nơi đây thuộc địa bàn giáp ranh giữa 3 phường Ngã Tư Sở, Thịnh Quang (quận Đống Đa) và phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) nên việc duy trì trật tự đô thị khó triệt để.

Cách đó không xa, cầu Mọc (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng xuất hiện nhiều ô tô con dừng đỗ ngay trên cầu vào chiều tối hằng ngày. Những xe này của thực khách đến một số hàng quán ăn gần đó, không muốn gửi xe vào nơi trông giữ theo quy định mà tùy tiện đỗ trên cầu, chiếm dụng mặt cầu, gây cản trở giao thông và mất an toàn đối với các phương tiện khác khi qua đây.

Trong khi đó, phía trên cầu Cót và cầu Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng tồn tại tình trạng bán hàng hai bên hành lang cầu. Khi chính quyền địa phương ra quân kiểm tra, xử lý thì hàng quán bị dẹp bỏ, nhưng sau đó lại tái diễn.

Tuyến sông Lừ chạy qua địa bàn 2 quận Đống Đa và Thanh Xuân cũng ghi nhận tình trạng bán hàng rong trên cầu Đông Tác (phố Đông Tác), cầu L5 (nối ngõ 120 đường Trường Chinh với phố Nguyễn Lân). Người bán hàng rong cơ động trên những xe đạp thồ, xe đẩy hàng để dễ di chuyển khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm rồi lại tụ lại khi lực lượng chức năng đi khỏi.

Tạo chuyển biến về trật tự đô thị

Liên quan đến vấn đề vi phạm trật tự đô thị tại khu vực cầu Mọc, trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) Hoàng Tùng cho biết, sẽ kiểm tra ngay thực tế và chỉ đạo công an phường xử lý dứt điểm.

Còn Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Đặng Thìn Chín cho hay, ngay sau khi có phản ánh về tình trạng chiếm dụng cầu Cót và cầu Yên Hòa để kinh doanh buổi đêm, chính quyền địa phương đã kiểm tra, yêu cầu dẹp bỏ hoàn toàn. Công tác duy trì an ninh trật tự khu vực tiếp tục được giao nhiệm vụ cho lực lượng công an thường xuyên tuần tra, phát hiện, không để vi phạm tái diễn.

Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang Vũ Mai Khanh cho biết, để ứng phó với tình trạng chợ cóc ở địa bàn giáp ranh dẹp chỗ này chạy sang chỗ kia, công tác quản lý trật tự đô thị tại khu vực Cầu Mới, cầu Giáp Nhất đã được xây dựng kế hoạch liên tịch giữa ba phường Thịnh Quang, Ngã Tư Sở, Thượng Đình. Tuy nhiên, chợ họp từ 1h sáng, lực lượng chức năng ở cơ sở không đủ để chốt trực. Thời gian bảo đảm trật tự đô thị tại khu vực này đang được thực hiện từ 6h đến 11h.

“Mặt khác, chợ Cầu Mới đã tồn tại từ 30 năm nay, như một chợ đầu mối về rau quả, thực phẩm tươi sống từ nhiều nguồn ở ngoại thành tập trung về đây rồi mới tỏa ra các chợ trong khu dân cư. Vì vậy, tới đây thực hiện dự án xây dựng mới chợ Ngã Tư Sở, các phường đã đề xuất tổ chức khu vực chợ đêm để người buôn bán tại chợ Cầu Mới có chỗ kinh doanh, vừa đáp ứng nhu cầu người dân, vừa đưa vào quản lý và thu thuế theo quy định”, bà Vũ Mai Khanh chia sẻ.

Được biết, UBND quận Đống Đa vừa ban hành Kế hoạch cao điểm giải tỏa các tụ điểm chợ tự phát trên địa bàn từ tháng 11 đến 10-12-2023, với 3 giai đoạn. Cụ thể, rà soát, thống kê hiện trạng thực tế, tuyên truyền, vận động, ký cam kết các chủ kinh doanh không vi phạm; Kiểm tra, xử lý vi phạm; Duy trì lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm, không để tái phạm.

Kèm theo đó, quận yêu cầu các phòng, ban chức năng phối hợp với các đơn vị quản lý chợ lên kế hoạch tổ chức, sắp xếp đưa hộ kinh doanh trong danh sách thống kê vào các ki ốt còn trống trong các chợ hoặc địa điểm kinh doanh. Kế hoạch nhằm mục đích tạo chuyển biến rõ nét về quản lý trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Thay đổi nhận thức, thói quen mua hàng trên lòng đường, vỉa hè, tạo nếp sống văn minh thương mại, họp chợ đúng quy định.

https://hanoimoi.vn/xu-ly-nghiem-viec-chiem-dung-long-cau-649642.html

Nhóm phóng viên / HNM.com.vn