Trong dự án này, dù có những phần phân cấp cho địa phương nhưng Bộ GTVT vẫn phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ.
Phải có "deadline"
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp cơ quan liên quan xem xét đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào sử dụng nếu đảm bảo tuyệt đối an toàn, đồng thời, yêu cầu những sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trao đổi với Đất Việt, TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đã rất kiên quyết. Quan trọng là Bộ GTVT phải lượng hóa, làm thành kế hoạch cụ thể của các đơn vị trực thuộc để hoàn thành.
Phân tích cụ thể, TS Bùi Đức Thụ cho hay, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp giải tỏa giao thông dưới mặt đất, nối liền các khu đô thị lớn của Hà Nội. Chính vì thế, nhiều năm trước, Chính phủ đã tìm các nguồn vốn, nhà đầu tư làm dự án nay. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào khai thác sử dụng, vẫn trong giai đoạn chạy thử nghiệm.
Có quá nhiều vấn đề với dự án này. Đây là dự án lớn, chạy qua trục đô thị nên khó khăn trong giải phóng mặt bằng và nhiều vấn đề khác, nhưng dự án thi công kéo dài quá lâu, ảnh hưởng không chỉ đến đi lại của người dân, môi trường mà còn chôn vốn vào đó, giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Mặt khác, tổng mức đầu tư dự án tăng rất lớn so với tổng mức đầu tư dự toán ban đầu, dẫn đến nhiều vấn đề tranh chấp giữa phía Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc, có những sai phạm trong quá trình tuân thủ theo trình tự, thủ tục đầu tư được quy định trong các văn bản pháp luật về quản lý đầu tư công.
| |
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác |
"Chính vì thế, phải làm rõ, xử lý các vấn đề của dự án này một cách nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Điều này không chỉ có ý nghĩa với bản thân dự án Cát Linh-Hà Đông mà còn có ý nghĩa răn đe, rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong các dự án khác, tránh tình trạng dự án nào cũng có sai phạm, sai phạm nở như hoa mùa xuân dẫn đến sự phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng quản lý kinh tế-xã hội nói chung, tài chính công nói riêng, làm thất thoát tài sản nhà nước", TS Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.
Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, để đưa dự án Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, hoạt động chạy thử nghiệm phải tuyệt đối an toàn, xử lý được các khâu điều phối, các vấn đề kỹ thuật trong việc vận hành dự án một cách khẩn trương.
"Chừng nào còn khai thác chậm đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư kém. Không thể nào vì lý do 1% của khối lượng công việc chưa hoàn thành mà toàn bộ dự án ách tắc, không sử dụng được. Không thể lúc nào cũng "khẩn trương", "tăng cường" mà cuối cùng vẫn không biết khi nào dự án được đưa vào sử dụng.
Điều đó không thể chấp nhận được và cần phải chốt thời hạn không quá bao nhiêu ngày để vận hành thương mại dự án.
Thủ tướng chỉ đạo rất kiên quyết, nhưng Bộ GTVT phải lượng hóa, làm thành kế hoạch cụ thể cho các đơn vị trực thuộc hoàn thành, rồi chốt lại tổng thể đến ngày nào đó phải vận hành thương mại.
Trong trường hợp dự án không vận hành được thì căn cứ vào nhiệm vụ chính trị giao cho các đơn vị quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, các đơn này này phải chịu trách nhiệm", TS Bùi Đức Thụ chỉ rõ.
Xử lý sai phạm thế nào?
Nhân chỉ đạo của Thủ tướng, TS Bùi Đức Thụ cũng nhắc lại kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về dự án Cát Linh-Hà Đông, theo đó phát hiện nhiều sai phạm, đụng đâu cũng có vấn đề ở dự án này, từ khâu giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định, phê duyệt dự án, đến các thỏa thuận với tổng thầu về tiến độ sử dụng vốn vay, chọn các nhà thầu phụ, tiến độ, chất lượng công trình, chất lượng nguyên nhiên vật liệu vào, giá cả...
Những kết luận đó của KTNN, theo ông Thụ, là rất cần thiết và trên cơ sở kết luận của kiểm toán, các cơ quan liên quan đến hoạt động của dự án Cát Linh-Hà Đông phải giải trình, tiếp thu, thực hiện kết luận kiểm toán.
Trường hợp không đồng tình với từng nội dung của kết luận kiểm toán, theo luật KTNN, các cơ quan có liên quan có quyền khiếu nại, thậm chí khởi kiện ra tòa.
"Làm như vậy mới có thể xử lý một cách minh bạch, công khai, làm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng bên liên quan, không thể để vấn đề cứ bùng nhùng bao nhiêu năm rồi", TS Bùi Đức Thụ nói.
Đáng lưu ý, trong trường hợp có những dấu hiệu sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm, thậm chí khởi tố cá nhân có vi phạm làm thất thoát tài sản, làm trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng dự án.
Nguyên Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đáng mừng khi Bộ trưởng GTVT đã nhìn rõ trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT trong dự án Cát Linh-Hà Đông. Dĩ nhiên, trong lĩnh vực GTVT, có những vấn đề phân công, phân cấp cho địa phương, nhưng về nguyên tắc, Bộ GTVT vẫn phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ.
"Bộ GTVT đương nhiên phải chịu trách nhiệm, vấn đề là xử lý trách nhiệm thế nào, không phải nhận rồi để đấy, cho qua. Ai có công phải được khen thưởng, ai sai phạm thì tùy theo từng mức độ để xử lý nghiêm minh, công khai, dân chủ, kịp thời theo quy định của pháp luật, không thể ém lại, chậm trễ lâu làm sai lệch vấn đề", TS Bùi Đức Thụ khẳng định.
Ông cũng lưu ý, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ kéo dài qua mấy đời Bộ trưởng GTVT. Tuy nhiên, không phải vì dự án được nối tiếp từ nhiệm kỳ bộ trưởng này qua nhiệm kỳ bộ trưởng khác mà người sai phạm trước đó không phải chịu trách nhiệm.
Cán bộ công chức, viên chức nào liên quan đến tổ chức quản lý nhà nước mà để xảy ra hậu quả thì dù đó là ai, đang làm việc hay đã nghỉ hưu, tùy theo mức độ phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, nhẹ thì xử lý hành chính, nặng thì xử hình sự, TS Bùi Đức Thụ khẳng định.
Thành Luân