Tại phiên tòa xét xử đường dây bán "logo xe vua”, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập những CSGT, TTGT tới tòa vì cho rằng đây là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan...
Sáng 19/4, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đưa hối lộ và Môi giới hội lộ trong đường dây bán logo xe “vua” có sự tham gia của Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai). Bị cáo này bị truy tố về tội Môi giới hối lộ.
9 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Lê Thị Cẩm Vân, Mai Vân Thái Em, Huỳnh Tấn Thắng, Nguyễn Văn Phúc, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Minh Thiên, Nguyễn Mai Hữu Nhân bị truy tố về tội Đưa hối lộ.
Theo dự kiến, vụ án sẽ được xét xử trong 2 ngày 19 và 20/4.
Theo báo Tri thức trực tuyến, trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư Lê Thị Bích Chi (bào chữa cho bị cáo Cẩm Vân cùng 6 đồng phạm) đã đề nghị HĐXX triệu tập điều tra viên để làm rõ một vài sự thật khách quan của vụ án.
| |
Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Đồng thời, luật sư cũng đề nghị triệu tập những cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) của đội 7, đội 8 (đội TTGT TP.HCM). Luật sư Chi cho rằng đây là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án mà kết quả điều tra chưa thể hiện được căn cứ buộc tội, nên cần được triệu tập.
Luật sư Lâm Quang Quý (bào chữa cho bị cáo Thới, Thái) cũng đồng tình với đồng nghiệp. Luật sư cho rằng việc hối lộ xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nên những cán bộ giao thông ở đó phải có mặt để làm rõ việc hối lộ có xảy ra hay không và có hậu quả không.
Chủ tọa nhận thấy đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong cáo trạng đã nêu toàn bộ cảnh sát mà bị cáo khai có nhận hối lộ không bị xem xét xử lý trách nhiệm vì không có cơ sở. Vì vậy, HĐXX chưa triệu tập những người này. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, nếu thấy việc có mặt của những người này là cần thiết thì sẽ xem xét quyết định.
Báo Thanh Niên trích dẫn cáo trạng thể hiện, từ tháng 4/2015, sau khi nhận phản ánh từ các phương tiện thông tin đại chúng, cho rằng có hiện tượng mua bán logo xe “vua” để được bảo kê xe quá tải nên Bộ GTVT có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý. Đến cuối tháng 8/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C45) đã triệt phá 2 đường dây do Nguyễn Văn Thới và Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu.
| |
Logo xe vua do Thới và Vân bán cho các tài xế - Ảnh: Vnexpress |
Theo đó, từ năm 2014 đến tháng 8/2015, với việc bán logo “Garage Thành Đô”, nhóm bị cáo Thới đã quản lý 1.457 xe, thu về 22,794 tỉ đồng. Trong đó, Thới và các đồng phạm trong đường dây của mình khai chi gần 5 tỉ đồng để đưa hối lộ 79 lần cho CSGT, TTGT, mỗi lần đưa từ 9 - 300 triệu đồng.
Ngoài ra, với việc bán 1.494 logo “Xe chở hàng”, đường dây của bị cáo đã Vân thu về hơn 7,9 tỉ đồng. Trong đó Vân khai sử dụng 627 triệu đồng để đưa hối lộ cho CSGT, TTGT với lần đưa ít nhất là 3 triệu đồng, nhiều nhất 150 triệu đồng.
Liên quan đến vụ án, có 80 CSGT, TTGT được cơ quan điều tra triệu tập lên làm việc, lấy lời khai. Tuy nhiên, chỉ duy nhất bị cáo Chân bị khởi tố, truy tố và xét xử.
Theo cơ quan điều tra, 79 cán bộ giao thông còn lại do không thừa nhận hành vi nhận tiền hối lộ của các bị cáo để bảo kê xe quá tải; tuy có lời khai của các bị cáo và tài liệu sổ sách ghi lại số tiền đưa hối lộ, tên cán bộ nhận hối lộ nhưng tất cả chỉ là tài liệu một phía… nên không đủ căn cứ xử lý hình sự.
Xét xử đường dây bán “logo xe vua”: Chỉ khởi tố về các tội Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ Những kẻ cầm đầu đường dây bán “logo xe vua” khai đã có chung chi cho 80 cán bộ CSGT, TTGT để được bỏ qua ... |
Nhiều CSGT liên quan đến vụ bán logo xe ‘vua’ 62 cán bộ cảnh sát giao thông và 18 thanh tra giao thông ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM bị triệu tập ... |
Cự Giải (T/h)