Sáng nay 12/9, Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu vẫn bình thường.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thực hiện quy định tại các Nghị định thư xuất khẩu nông sản của Việt Nam với các nước, cục đã chỉ đạo các địa phương thông báo và áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật để các doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tạm ngừng và rà soát xác định rõ nguyên nhân các trường hợp không tuân thủ điều kiện về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đề xuất giải pháp khắc phục, báo cáo khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo điều khoản đã ký.

Cùng với đó cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu sẽ áp dụng các biện pháp kiểm dịch để kiểm soát chặt khi Cục Bảo vệ thực vật có văn bản chỉ đạo sau khi các địa phương có báo cáo kết quả xử lý những trường hợp không tuân thủ.

Do vậy hoạt động xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường, không bị ùn tắc về kiểm dịch thực vật.

Bộ NN&PTNT khẳng định, việc xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu diễn ra bình thường ảnh 1

Bộ NN&PTNT khẳng định, việc xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu diễn ra bình thường

"Các biện pháp trên là cần thiết, đúng thông lệ quốc tế và đúng theo các Nghị định thư mà Việt Nam đã ký kết, nhằm giảm thiểu nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm ngưng không thời hạn hoặc dừng nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại hai bên và uy tín hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế" - Cục Bảo vệ thực vật cho hay.

Trước đó, ngày 5/9, Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn gửi Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Trà Vinh và các chi cục kiểm dịch thực vật vùng tăng cường kiểm soát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo về việc phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật (nhiễm các loài sâu bệnh như rệp sáp) trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở NN&PTNT 11 tỉnh nói trên chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương thông báo, hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm tiến hành điều tra nguyên nhân vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục.

Đối với trường hợp nhận thông báo vi phạm lần đầu, đề nghị địa phương tạm dừng sử dụng mã số, thông báo cho chủ mã số thực hiện các biện pháp khắc phục và không thực hiện các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tạm dừng.

Chỉ khôi phục mã số khi các vùng trồng, cơ sở đóng gói áp dụng biện pháp khắc phục đảm bảo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Đối với trường hợp mã số đã nhận thông báo vi phạm nhiều lần, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương thông báo tạm dừng và thực hiện thủ tục thu hồi mã số vi phạm.

Đồng thời thông báo kịp thời để đảm bảo các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này không thực hiện các hoạt động xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị các Chi cục kiểm dịch thực vật vùng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với những lô hàng có nguồn gốc từ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã bị tạm dừng hoặc thu hồi.

https://www.anninhthudo.vn/xuat-khau-nong-san-tai-cac-cua-khau-van-dien-ra-binh-thuong-khong-un-tac-post551397.antd

Tuyết Nhung / ANTD