6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018.
Nửa đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 66,8%, tôm sú chiếm 22,6% , còn lại là tôm biển.
Trong top 5 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam, ngoài Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc đã có dấu hiệu tăng trưởng, hàng sang EU và Hàn Quốc lại giảm mạnh ở mức 2 con số.
Cụ thể, 6 tháng tôm Việt Nam sang thị trường nhập khẩu lớn nhất là EU đạt 300,5 triệu USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ 2018. Anh, Đức, Hà Lan lần lượt giảm 9,5%, 12,5% và 50,2%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm nguyên liệu giảm, các thị trường nhập khẩu chính đều đi xuống trong khi tôm từ Ấn Độ, Ecuador giá rẻ khiến sản phẩm từ Việt Nam bị cạnh tranh mạnh.
VASEP dự báo, nửa cuối năm, mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường EU sẽ giảm mạnh sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết. Theo đó, thủy sản Việt Nam xuất sang EU sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn) với lộ trình dài nhất là 7 năm.
Với những ưu đãi thuế quan từ EU, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế so với nhiều quốc gia cùng xuất khẩu tôm khác như Ấn Độ, Thái Lan trong nửa cuối năm nay.
Hồng Châu
Tôm hùm rớt giá một nửa Giá tôm hùm rớt mạnh do Trung Quốc ngưng nhập hàng tiểu ngạch. |
Căn cứ pháp lý để cấm nhập khẩu tôm hùm đất? Do là loài ngoại lai xâm hại, tôm hùm bị cấm nhập, nuôi và kinh doanh, theo Luật Đa dạng sinh học 2018. |
Cả thế giới ăn tôm Mỗi người trên thế giới ăn một cân tôm mỗi năm, thì Việt Nam có thể xuất khẩu được 7 triệu tấn. |