Ngày 6/12, sân bay ở vùng Kursk của Nga đã tiếp tục bị máy bay không người lái (UAV) tấn công, khiến một bồn chứa dầu bốc cháy. Vụ tấn công diễn ra chỉ một ngày sau khi Nga cáo buộc Ukraine sử dụng UAV tấn công hai căn cứ quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ nước này. Trong khi đó, quân đội Nga cùng ngày tiếp tục tập kích tên lửa diện rộng vào các mục tiêu trên khắp Ukraine.
- Cựu quan chức CIA: Ukraine cố kéo Mỹ vào cuộc chiến với Nga
- Ông Blinken: Mỹ không khuyến khích Ukraine tấn công sâu vào căn cứ Nga
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Telegram, ông Roman Starovoyt, Thống đốc vùng Kursk, giáp biên giới Ukraine cho biết vụ tấn công ngày 6/12 không gây thương vong và đám cháy đã được kiểm soát.
Trước đó, ngày 5/12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các UAV của Ukraine đã tấn công hai căn cứ không quân Dyagilevo và Engels lần lượt ở vùng Ryazan và Saratov, Tây Bắc nước Nga, khiến 3 binh sĩ thiệt mạng, 4 người bị thương và 2 chiếc máy bay bị hư hại. Ukraine đã không nhận trách nhiệm về 2 vụ tấn công trên. Tuy nhiên, nếu thông tin được xác thực, đây có thể là vụ tấn công sâu nhất vào bên trong lãnh thổ Nga kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Tờ New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết các UAV tham gia vào cuộc tấn công hôm 5/12 được phóng từ lãnh thổ Ukraine và ít nhất một trong các cuộc tấn công đã được thực hiện với sự trợ giúp của lực lượng đặc biệt gần căn cứ. Công ty hình ảnh vệ tinh ImageSat International của Israel cũng đã chia sẻ các bức ảnh cho thấy dấu hiệu đám cháy và các vật thể gần chiếc máy bay Tu-22M tại căn cứ không quân Dyagilevo.
Bộ Quốc phòng Nga đã mô tả cuộc tấn công này là hành động khủng bố nhằm vô hiệu hóa máy bay tầm xa và các máy bay không người lái tầm thấp. Nhà phân tích quân sự Ukraine Serhiy Zgurets nhận định các căn cứ không quân vừa bị tấn công là cơ sở duy nhất của Nga hỗ trợ các máy bay ném bom được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công Ukraine. “Vẫn còn quá sớm để khẳng định vấn đề ở đây là gì, nhưng khả năng lực lượng vũ trang Ukraine tiếp cận các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Liên bang Nga có ý nghĩa rất quan trọng và mang tính biểu tượng”, ông cho biết.
Trong khi đó, theo các quan chức Ukraine, một loạt tên lửa khác của Nga trong cuộc tấn công ngày 5/12 đã nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và công nghiệp của Ukraine chỉ trong một đêm. Ba tên lửa của Nga đã đánh trúng một khu công nghiệp gần thành phố Kryviy Rih ở miền Nam Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga giải thích, các cuộc tập kích tên lửa diện rộng của quân đội nước này nhằm làm gián đoạn việc vận chuyển binh sỹ, vũ khí, thiết bị và đạn dược của Ukraine tới tiền tuyến bằng đường sắt.
“Tất cả 17 mục tiêu được giao đã bị tấn công”, Bộ Quốc phòng cho biết. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở miền Đông Ukraine, với việc Nga tiến hành 7 cuộc tấn công bằng tên lửa và 32 cuộc không kích dọc theo chiến tuyến trong ngày qua. Lực lượng Nga đã tập trung hỏa lực vào mặt trận phía Đông Ukraine sau khi rút khỏi thành phố Kherson ở miền Nam Ukraine vào tháng 11. Nga đã tiến quân vào thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine, nơi giao tranh ác liệt kéo dài nhiều tháng.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh công bố hôm 5/12, Nga đã giảm tần suất các cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine trong những tháng gần đây. Cơ quan này cho biết, Nga hiện thực hiện khoảng hàng chục vụ tấn công mỗi ngày, giảm từ mức cao nhất lên tới 300 cuộc tấn công mỗi ngày vào tháng 3. “Việc giảm số lần tấn công có thể là kết quả của mối đe dọa gia tăng từ lực lượng phòng không Ukraine, hạn chế về số giờ bay dành cho máy bay Nga và điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông”, Bộ Quốc phòng Anh nhận định.
Giới phân tích chỉ ra rằng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ chỉ diễn ra khi hai bên đạt được một sự tương quan trên bình diện quân sự, nói cách khác là đôi bên đạt được các mục tiêu của cuộc chiến. Chính sự kiên định về lập trường này của cả Moscow và Kiev đang khiến Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu lo ngại về nguy cơ chiến tranh kéo dài, gây thêm những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Nhiều quan chức Mỹ và châu Âu gần đây liên tục hối thúc Ukraine nên để ngỏ cánh cửa cho đàm phán dù vẫn tuyên bố rằng không tìm cách gây áp lực với Kiev. Đáng chú ý là phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley chỉ một ngày sau khi Nga thông báo rút quân khỏi thành phố Kherson.
Ông nhấn mạnh: “Khi có cơ hội đàm phán, khi hòa bình trong tầm với, hãy nắm lấy. Hãy nắm bắt thời điểm đó”. Ông nhận định rằng, Kiev khó có thể giành chiến thắng trên chiến trường và đánh bật Nga khỏi Ukraine, rằng tất cả những gì có thể làm được trên chiến trường trước khi mùa Đông đến đã được thực hiện và giờ Ukraine nên tập trung vào những gì giành được để tạo thế mạnh trên bàn đàm phán trước một nước Nga đã bị suy yếu.
Điều đáng nói là đầu tháng 11 vừa qua, tờ Wall Street Journal đã tiết lộ thông tin về các cuộc trao đổi kín giữa cố vấn Jake Sullivan với các nhân vật thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin suốt nhiều tháng qua. Về mặt chính thức, nội dung các trao đổi là nhằm cảnh báo về rủi ro leo thang xung đột, chứ không phải thảo luận về việc giải quyết cuộc chiến tại Ukraine.
Trước đó ít ngày, Washington Post tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như đã đề nghị riêng với Ukraine, động thái phản ánh thái độ của Mỹ về đàm phán với Nga. Cần nhớ lại rằng, vào tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh không chấp nhận đàm phán với Moscow chừng nào Vladimir Putin vẫn nắm quyền.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/xung-dot-nga-ukraine-leo-thang-cang-thang-i676796/