Một số nhà khoa học cho rằng công nghệ Nano - Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch chỉ là giải pháp cục bộ.
Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật - Việt (JVE), đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản (Nano-Bioreactor) vừa công bố kết quả xử lý nước sau 3 tuần.
Theo đó, Công ty này cho rằng lượng khí Amoniac (NH3), Hydrosulfide (H2S) gây mùi hôi thối đã giảm nhanh chóng. Tại một số điểm đặt máy xử lý, độ dày của bùn giảm từ 15-20 cm. Đại diện Công ty khẳng định sau 2 tháng xử lý, khi lượng bùn giảm hẳn thì nước sông sẽ trong trở lại.
Khúc sông Tô Lịch đang thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản. Ảnh: Tất Định
Đánh giá công nghệ nêu trên, TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) nói: "Công nghệ này có thể làm sạch nước, bùn cát nhưng chỉ là giải pháp cục bộ. Để hồi sinh sông Tô Lịch, không thể đơn giản bằng việc lắp máy thí điểm ở một khu vực rồi áp dụng cho toàn tuyến sông".
Theo ông Tứ, hiện mực nước của sông Tô Lịch chỉ còn 20-50 cm, nguồn chảy chủ yếu từ nước mưa, nước thải sinh hoạt. Trong khi, một dòng sông đúng nghĩa phải có mực nước dâng cao, dòng chảy liên tục từ đầu đến cuối nguồn, có các loài tôm cá, thủy sinh.
"Nước thải liên tục đổ 24/24h từ hàng trăm cống xả, nếu lắp máy xử lý từ đầu nguồn đến cuối nguồn thì chi phí ra sao? Tôi chưa thấy ở đâu lắp máy để xử lý nước cho cả dòng sông. Muốn làm sạch sông, ta phải tính từ gốc", ông Tứ nói.
Chuyên gia về hệ thống sông ngòi cho rằng, biện pháp căn cơ, lâu dài nhất để làm sống lại sông Tô Lịch là tách nước thải, đưa về nhà máy xử lý tập trung. Khi nước sông Tô Lịch sạch, có thể bổ cập nước sông Hồng để tạo dòng chảy lưu thông.
TS Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho hay, công nghệ Nano-Bioreactor đã ứng dụng thành công ở Nhật Bản và một số nước.
"Kết quả thí điểm ở Việt Nam vừa qua làm giảm mùi và bùn hữu cơ, như vậy đã thành công bước đầu. Nhưng tôi không nghĩ đây là công nghệ thần kỳ, giải quyết hết mọi vấn đề của sông Tô Lịch. Chất thải ra sông Tô Lịch còn chứa kim loại nặng, chất rắn khó phân hủy mà công nghệ chưa thể xử lý hết", ông Khải nói.
Theo ông, có thể áp dụng đồng thời việc tách nước thải để xử lý và công nghệ Nhật Bản, song việc áp dụng giải pháp nào cũng cần tính toán kỹ lưỡng về kinh tế.
Chuyên gia Nhật Bản kiểm tra mẫu bùn khu vực thí điểm ngày 6/6. Ảnh: Tất Định
Trước ý kiến của các chuyên gia, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) nói,các kỹ sư Nhật Bản đã mất hơn một năm để nghiên cứu kỹ hiện trạng của sông Tô Lịch.
"Công nghệ Nano-Bioreactor có thể xử lý hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp 9 lần lượng nước thải đang chảy vào sông Tô Lịch. Chúng tôi khẳng định rằng có thể làm sạch sông ngay cả khi nước thải vẫn đổ liên tục 24/24h", ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh đồng tình với ý kiến phải tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Tuy nhiên, theo ông, việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí đầu tư và vận hành lớn.
Quá trình vận hành nhà máy xử lý nước thải, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi trả một khoản lớn tính theo m3 nước được xử lý. Trong khi đó, máy xử lý nước công nghệ Nano-Bioreactor chỉ cần chạy 6h mỗi ngày, mức tiêu thụ điện năng thấp; chu kỳ sử dụng hơn 25 năm.
"Tổng chi phí cho công nghệ này chỉ bằng 1/10 so với nhà máy xử lý nước thải tập trung", ông Tuấn Anh so sánh.
Về chí phí cụ thể áp dụng công nghệ Nano-Bioreactor, ông Tuấn Anh nói, mật độ lắp đặt máy sẽ dựa vào điểm cống xả thải lớn, nhỏ, mức độ ô nhiễm. Giá tiền mỗi máy xử lý sẽ được đơn vị công khai vào thời điểm thích hợp.
Trước đó sáng 16/5, thành phố Hà Nội khởi động "dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor".
Trong gần một giờ đồng hồ, hàng chục chuyên gia và công nhân đã lắp đặt xong hai hộp thiết bị xuống sông Tô Lịch, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy. Một chuyên gia cho hay các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn.
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.
Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. 10 năm qua, Hà Nội nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng chưa hiệu quả.
Công bố kết quả làm sạch sông Tô Lịch sau 3 tuần thử nghiệm công nghệ Nhật Bản Sau 3 tuần thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản, chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi ở sông Tô Lịch ... |
Chuyên gia Nhật công bố kết quả làm sạch sông Tô Lịch Theo kết quả chuyên gia môi trường công bố, lượng bùn và mùi hôi ở sông Tô Lịch (Hà Nội) đã giảm đáng kể sau ... |