Tổ chức Oxfam (Anh) hôm 21-1 cho biết khoảng 82% số tiền được tạo ra hồi năm ngoái lọt vào túi 1% người giàu nhất thế giới trong khi tài sản của nhóm người nghèo nhất không tăng thêm chút nào.
Theo Tổ chức Oxfam, con số trên cho thấy sự chênh lệch giữa giới siêu giàu và phần còn lại của thế giới đã mở rộng vào năm ngoái khi chỉ một nhóm ít người nắm quá nhiều tài sản của thế giới.
Theo Oxfam, số liệu trên cho thấy một hệ thống thất bại. Tổ chức này cho rằng sự bất bình đẳng thu nhập là do tình trạng trốn thuế, ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với chính sách, sự xói mòn quyền lợi của người lao động...
Tổ chức Oxfam (Anh) cho biết khoảng 82% số tiền được tạo ra hồi năm ngoái thuộc về 1% người giàu nhất thế giới. Ảnh: PA
Tổ chức Oxfam đã đưa ra những báo cáo tương tự trong suốt 5 năm qua. Trong năm 2017, Oxfam ước tính 8 cá nhân giàu nhất thế giới sở hữu tài sản bằng tổng tài sản của phân nửa người nghèo nhất thế giới.
Trong năm nay, tổ chức này cho rằng 42 người giàu nhất có tài sản bằng tài sản của phân nửa người nghèo nhất thế giới cộng lại trong lúc điều chỉnh con số hồi năm ngoái thành 61. Oxfam cho biết việc sửa đổi là do dữ liệu được cải thiện nhưng khẳng định xu hướng "gia tăng bất bình đẳng" vẫn còn đó.
Giám đốc điều hành Oxfam Mark Goldring cho biết sự thay đổi số liệu liên tục phản ánh thực tế báo cáo dựa trên số liệu tốt nhất có được. Tuy nhiên, ông Goldring cho rằng tình trạng bất bình đẳng này không thể chấp nhận được.
Khoảng 72% trong tổng số 70.000 người được khảo sát tại 10 quốc gia cho biết họ muốn chính phủ khẩn trương giải quyết khoảng cách về thu nhập giữa người giàu và người nghèo.
Trong khi đó, ông Mark Littlewood, tổng giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề Kinh tế (IEA) ở Anh, cho rằng tổ chức Oxfam bị ám ảnh bởi người giàu hơn là người nghèo. "Thuế cao và hoạt động phân bố lại chẳng giúp gì cho người nghèo. Tài sản không phải một miếng bánh cố định. Những người giàu hơn họ cũng đóng nhiều thuế hơn, việc làm giảm tài sản của họ sẽ không thay đổi được khoảng cách giàu nghèo" - ông Littlewood nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Sam Dumitriu, người đứng đầu Viện nghiên cứu Adam Smith (Anh) cho rằng thực tế là bất bình đẳng toàn cầu đã giảm đáng kể trong vài thập kỷ qua.
42 người giàu nhất thế giới có tài sản bằng 3,7 tỷ người Báo cáo mới nhất của Oxfam cho thấy nhóm người giàu nhất đang nắm nửa tài sản toàn cầu. |
Ai giàu nhất lịch sử nhân loại? Nếu xét tới tác động của lạm phát, có lẽ "cha đẻ" của tập đoàn thương mại điện tử Amazon còn lâu mới là người ... |