53 năm ở lề đường, tôi chỉ cầu mong ban đêm ngủ không bị đuổi, ban ngày lao động kiếm đủ tiền cơm nước qua ngày là mãn nguyện lắm rồi.
Chiều Chủ Nhật, trung tâm Sài Gòn vô cùng náo nhiệt. Vậy mà - chỉ cách chợ Bến Thành vài bước chân (P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM) một gia đình bé nhỏ đang thoải mái nằm nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc …
53 năm bám vỉa hè
Trên tấm bạt nhỏ, một bà cụ đang ngồi đảo mắt nhìn tứ phía. Cạnh bà, một đứa bé đang nằm ngủ và con chó ngồi vẫy đuôi. Trước mặt 2 bà cháu, chiếc thau nhỏ bên trong có nhiều đồng tiền lẻ. Cạnh đó có một chiếc bao căng phồng và một thùng xốp lớn.
Thằng bé vẫn say sưa ngủ. Một người đi ngang qua cúi xuống bỏ vào thau một tờ tiền. Bà nở nụ cười, nói lời cám ơn.
Bà đã già. Trên khuôn mặt sạm nắng của bà có nhiều vết nhăn. Đôi mắt bà không còn sáng nhưng cũng đủ để nhìn cảnh vật xung quanh…
Chúng tôi tiếp cận bà. Bà rất vui và cởi mở. Câu chuyện bà kể cho chúng tôi nghe thật thắt lòng…
Cuộc sống trên vỉa hè của hai bà cháu và chú chó nhỏ |
Bà tên Mai Thị Kim Hoàng, 60 tuổi. Bà không còn nhớ quê quán mình ở đâu, chỉ biết, bà đến ở khu vực này khi vừa lên 7 tuổi. Năm ấy, cha mẹ qua đời, bà về sống với người dì. Người dì này rất mê cờ bạc. Sau những lần thua bạc dì hay cáu gắt và đổ lên đầu đứa cháu côi cút của mình bằng những trận đòn chí tử.
'Tôi đến khu vực này từ lúc ấy. Hàng ngày tôi tá túc ở nhà ga Sài Gòn (bây giờ là Công viên 23 tháng 9) trên đường Lê Lai. Còn nhỏ, chưa biết làm gì ra tiền để sinh sống, tôi đi xin, đi nhặt thức ăn thừa để qua ngày. Đêm xuống, tôi vào ngủ ở nhà ga nhưng cũng không đêm nào được yên vì nơi đây nhiều tệ nạn.
Sau đó, tôi bỏ đến khu vực khác. Ban đêm, tôi tìm những góc khuất để ngủ. Những hôm mưa, tôi cố lết vào những mái hiên nhà nhưng chủ nhà không cho ngủ. Thế mà cũng lớn dần lên', người đàn bà nhớ lại.
Bà kể tiếp: 'Năm 14 tuổi, tôi được nhận vào làm ở quán ăn Thanh Xuân trên đường Tôn Thất Thiệp. Có lẽ đây là quãng thời gian tôi hạnh phúc nhất. Tuy nhiên cũng không được lâu, 5 năm sau tôi mất việc'.
Nơi bà cháu nghỉ ngơi cách chợ Bến Thành vài bước chân |
'Thời gian này, ai thuê bất cứ việc gì tôi cũng làm. Giờ rảnh, tôi đi lượm ve chai. Cũng nhờ vậy mà sống được qua ngày. Một hôm, tình cờ tôi gặp một thanh niên, lớn hơn tôi vài tuổi. Chuyện trò qua lại được vài lần, chúng tôi yêu nhau.
Mối tình lớn dần lên cho đến năm 23 tuổi, tôi có thai. Lúc này chồng tôi trở nên đổ đốn. Rượu chè, ăn nhậu rồi bỏ mặc mẹ con tôi. Hàng ngày, tôi bế con đi lượm ve chai để có tiền mua sữa cho con. Cha nó mải vui chơi không một lần ghé lại. Cuộc sống cứ thế, cảnh mẹ con nheo nhóc vậy mà cũng trôi qua.
Nghĩ lại, quãng thời gian này là khổ nhất. Tay xách nách mang nuôi con lớn cho đến năm nó 10 tuổi, nó bỏ tôi đi ở với người dưng. Tôi buồn lắm nhưng biết làm sao giờ. Chỉ mong con không làm điều gì dại dột để khổ cho bản thân …', bà Hoàng nói, giọng bùi ngùi.
Mong ngoại có nhà
Thằng bé vừa thức giấc. Nó choàng tay qua ôm bà, con thương ngoại lắm. Nó gục đầu vào người bà như muốn tìm hơi ấm.
'Nó là cháu ngoại tôi đấy. Mười năm trước, trong một buổi tối, con gái tôi tìm về. Trên tay nó là một đứa bé sơ sinh còn đỏ hỏn… Đứa bé vừa đầy tháng. Nó nói, con của con đó. Con nuôi không nổi, má nuôi dùm con. Tôi từ chối, 'tao nuôi thân tao còn chưa xong làm sao nuôi con mày?'. Nói vậy nhưng nó có nghe đâu. Nó bỏ mặc con nó cho tôi rồi biến mất. Nghe nói bây giờ nó ở tận Bình Dương và rất nghèo khổ'.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà Hoàng và cháu trai vẫn nuôi một chú chó nhỏ để bầu bạn. |
'50 tuổi, tôi ôm đứa trẻ sơ sinh đi khắp đó đây tìm kiếm mưu sinh cho cả hai bà cháu. Có những lúc đang lượm ve chai, nó khát sữa khóc tôi phải ngưng lại cho nó bú rồi làm tiếp. Nắng, gió, mưa đã quá quen với nó nên cũng ít bệnh, nhờ vậy mới qua ngày được.
Thằng bé càng lúc càng lớn. Nó cần có bạn để chơi nhưng có đứa trẻ nào dám đến chơi với nó? Buồn quá, tôi xin cho nó một con chó để nó chơi cùng. Nhưng rồi chó cũng bị bắt mất. Kiếm con khác cũng mất. Đến gần đây, tôi mới ky cóp được 500.000đ mua cho nó con chó này để bầu bạn với nó', bà nói, ánh mắt hướng về phía con chó đang nằm vẫy đuôi.
Thằng bé ôm con chó vào lòng nhìn chúng tôi. 'Con tên gì?' 'Dạ con là Mai Thành Trung nhưng ngoại cứ kêu con là Cu Bin'. 'Hàng ngày con làm gì?'. 'Con theo phụ ngoại lượm ve chai và bán vé số'.
Cu Bin cho biết, cháu đã học hết lớp 3 nhưng hiện đã nghỉ học. Cháu bày tỏ ao ước tiếp tục đến trường. 'Nhưng làm sao tiếp tục được?'.
Ngoại của Bin nói: 'Chúng tôi không nhà không cửa, không mảnh giấy tùy thân, ai cho học. Muốn lắm chứ. Đêm đêm nó thường thỏ thẻ với tôi, con không muốn ngủ ngoài đường chỉ mong có một mái nhà để con và ngoại sinh sống. Mà không học thì làm sao mơ đến được?'.
53 năm ở lề đường, đến lúc tuổi già vẫn chưa biết được tương lai sẽ ra sao. Bà nói: 'Cũng may bây giờ không còn cô độc nữa. Bên cạnh tôi còn có cháu ngoại và con chó trung thành. Tôi chỉ cầu mong ban đêm ngủ không bị đuổi, ban ngày lao động kiếm đủ tiền cơm nước qua ngày là mãn nguyện lắm rồi.
Ước mơ của đứa bé, của bà cụ không phải lớn lao gì nhưng biết bao giờ bà cháu mới đạt được ?
Trần Chánh Nghĩa
Tranh y như thật về trà đá vỉa hè, ngõ phố cũ Những bức tranh về vạt nắng vàng đổ trên ghế gỗ, xiên qua con ngõ nhỏ hay đổ trên bức tường cũ rêu phong... được ... |