Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM được Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TPHCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7km. 5 tuyến đường này sẽ liên thông nhau để giải quyết giao thông ở các trục có lưu lượng xe cộ lớn. Tuy nhiên từ khi lên kế hoạch vào năm 2005 đến nay đã gần 15 năm, chưa có dự án nào được triển khai xây dựng.
Chưa có phương án khả thi
Để giải quyết bài toán kẹt xe, TPHCM đã thực hiện rất nhiều giải pháp cấp bách như mở đường, xây thêm cầu vượt, mới đây nhất là nghiên cứu thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố. Thế nhưng, khung hạ tầng cốt yếu theo quy hoạch lại chưa thể hoàn thiện. Đáng chú ý, trong khi hệ thống đường sắt đô thị dang dở chưa biết ngày về đích, các tuyến đường vành đai loay hoay mãi chưa thể khép kín, 5 tuyến đường bộ trên cao được đánh giá là biện pháp căn cơ giải quyết ùn tắc giao thông tại các nút giao thông lại đang nằm trên giấy.
Trong 5 tuyến đường bộ trên cao, dự án đường trên cao số 1 được xác định là một dự án trọng điểm giải quyết ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Tháng 12.2007, Cty GS E&C (Hàn Quốc) đã có báo cáo nghiên cứu ban đầu với đề xuất đầu tư BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) xây dựng tuyến đường trên cao số 1 dài 9,5km, 4 làn xe, tổng số vốn khoảng 340 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2009, đơn vị này cho biết, phải dừng dự án vì theo tính toán của họ, số tiền thu phí không đủ để hoàn vốn. Mãi đến năm 2017, Cty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đề xuất với UBND TPHCM làm tuyến đường trên cao số 1 với tổng vốn đầu tư khoảng 21.500 tỉ đồng, trong đó vốn đền bù giải tỏa khoảng 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn án binh bất động.
Sơ đồ 5 dự án đường trên cao tại TPHCM (Nguồn: Sở GTVT TPHCM). |
Năm 2009, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cũng đề xuất bỏ ra 36.694 tỉ đồng để đầu tư xây dựng dự án đường trên cao số 5, nhưng không biết vì lý do gì cũng “bỏ của chạy lấy người”. Cuối tháng 12.2015, Sở GTVT trình UBND TPHCM đồng ý cho liên danh gồm 4 nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng đường trên cao số 5 theo hình thức BOT, dài hơn 30,4km với 4 làn xe. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 19.700 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhúc nhích. Trước đó, một đơn vị khác yêu cầu được đầu tư dự án đường trên cao số 4 từ ngã tư Bình Phước (giao Quốc lộ 1 và Quốc lộ 13) kết nối vào tuyến đường trên cao số 1 dài khoảng 7,3km, kinh phí gần 14.000 tỉ đồng nhưng rồi rút lui vì phí đền bù giải tỏa quá cao. Trong khi đó, tuyến đường trên cao số 2 và số 3 đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào xin được triển khai thực hiện.
Kẹt vì vốn, vì đất
Theo Sở GTVT TPHCM, hầu hết dự án đều thu hồi vốn theo hình thức BT hoặc BOT. Dự án BT thì nhà đầu tư muốn “đổi đất lấy hạ tầng” như dự án đường trên cao số 1 nhưng TPHCM lại đang bí quỹ đất, thậm chí không còn quỹ đất. TPHCM cũng đang cần dành quỹ đất cho các dự án hạ tầng thiết yếu khác như các bãi đậu xe công cộng… Dự án BOT (như dự án đường trên cao số 5) hiện cũng không sáng sủa gì hơn. Đặc biệt, trong tình hình một số dự án BOT thiếu minh bạch, hiện một số dự án phải tạm dừng để kiểm tra. Trao đổi với PV Lao Động, một lãnh đạo Sở GTVT TPHCM thừa nhận, thành phố cũng thấy được tác dụng của đường trên cao nhưng nguồn vốn đang hạn hẹp nên phải tính toán kỹ đầu tư những dự án nào trước, dự án nào sau.
Cầu vượt chỉ có thể giảm áp lực giao thông trong thời gian ngắn. Trong ảnh là cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: MINH QUÂN |
TS Võ Kim Cương - nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng, trong điều kiện quỹ đất của TPHCM không còn, không thể mở thêm đường thì việc phát triển đường trên cao là rất cần thiết. Tuy nhiên, TPHCM cần khuyến khích tư nhân đầu tư để giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời phải có các chính sách hấp dẫn đối với nhà đầu tư thì dự án mới thành công.
Theo TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - dự án đường trên cao là bài toán tối ưu cho TPHCM. Thế nhưng, do để thời gian quá dài nên dự án rất khó thực hiện vì số tiền giải phóng mặt bằng quá cao. Hầu hết các nhà đầu tư đều muốn đổi cơ sở hạ tầng lấy đất, trong khi quỹ đất của TPHCM không còn nhiều. Từ đó, để các nhà đầu tư bỏ một khoản vốn lớn vào thực hiện dự án công cộng như đường trên cao là rất khó.
“TPHCM nên điều chỉnh lại dự án, thậm chí cắt khúc từng đoạn để thực hiện, may ra có hy vọng” - ông Thắng nhận định. Ngoài ra, ông Thắng cho rằng cần tiến hành thực hiện dự án ở một số khu vực cần thiết trước để tập trung giải quyết dứt điểm. Đồng thời, TPHCM phải thực tế một chút để đưa ra dự án khả thi, đừng vẽ vời nhiều quá và cần điều chỉnh quy hoạch dự án để phù hợp với đô thị mới cũng như túi tiền của nhà đầu tư.
5 dự án đường trên cao
Tuyến số 1: Từ đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long đến cầu Phú An (qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), dài khoảng 9,5km.
Tuyến số 2: Từ nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - hẻm 656 CMT8 - Bắc Hải - hẻm số 2 Thiên Phước, hẻm 654 Âu Cơ - dọc công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - đường Chiến Lược - hương lộ 2 - điểm giao QL1 (vành đai 2), dài 11,8km (qua các quận 3, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân).
Tuyến số 3: Giao với đường trên cao số 2 - Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh, dài 8,1km (qua các quận 1, 3, 4, 5, 8, 10 và H.Bình Chánh).
Tuyến số 4: Điểm đầu tại QL1 (giao với đường trên cao số 5) - đường Vườn Lài vượt sông Vàm Thuật tại vị trí rạch Lăng và đường sắt Bắc - Nam tại khu vực cầu Đen, đường Phan Chu Trinh - qua chung cư Mỹ Phước - Điện Biên Phủ, giao với đường trên cao số 1, dài khoảng 7,3km (qua quận 12, Bình Thạnh, 1).
Tuyến số 5: Nút giao QL1 - xa lộ Hà Nội theo QL1 (vành đai 2) đến Tân Tạo - Chợ Đệm, dài 30,4km (qua Thủ Đức, Q.12, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh).
Giải “nút thắt” ùn tắc tại hầm đường bộ Hải Vân |
Đề nghị bỏ quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn giá xăng dầu |
Khẩn trương giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam |