Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh Triều Tiên không nên tìm kiếm nhượng bộ bằng những lời hứa mà họ không có ý định thực hiện

Càng đến gần ngày 12-6, thời điểm dự kiến diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, sự hoài nghi càng gia tăng về khả năng diễn ra sự kiện lịch sử này và nếu có thì sẽ đạt kết quả gì tích cực hay không.

Canh bạc của ông Trump

Bầu không khí lạc quan kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc - Triều Tiên cuối tháng 4 đã nhanh chóng trở nên u ám bởi giọng điệu cứng rắn bất ngờ của Bình Nhưỡng vào tuần rồi, cũng như nỗi lo về chương trình nghị sự của cuộc gặp, nhất là về định nghĩa phi hạt nhân hóa và cam kết của Triều Tiên đối với vấn đề này. Đài CNN dẫn lời một số phụ tá của ông Trump cho biết nhà lãnh đạo này vẫn quyết gặp ông Kim với hy vọng đạt được thành tựu đối ngoại lớn nhất kể từ khi nhậm chức.

Sự háo hức của ông Trump còn thể hiện qua việc Nhà Trắng vào đầu tuần này trình làng đồng xu kỷ niệm có in hình nhà lãnh đạo hai nước. Một mặt của đồng xu là hình chuyên cơ "Không lực Một" cất cánh từ Nhà Trắng, phía còn lại in hình mặt ông Trump lạnh như tiền và nhìn chằm chằm vào mặt "nhà lãnh đạo tối cao" Kim Jong-un đang mỉm cười. Trên mặt đồng xu, hội nghị thượng đỉnh sắp tới được gọi là "đàm phán hòa bình".

Giới chức Mỹ lo ngại nếu ông Trump muốn hội nghị diễn ra bằng mọi giá, điều này có thể tạo lợi thế cho ông Kim. Trong động thái trấn an dư luận, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 21-5 nhấn mạnh ông Trump có thể rút khỏi cuộc gặp và Triều Tiên không nên tìm kiếm những nhượng bộ bằng cách hứa hẹn cho có. Theo ông Pence, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ "sai lầm lớn" nếu nghĩ rằng có thể "chơi" được ông Trump.

7 thap ky choi gac my cua trieu tien

Đồng xu kỷ niệm có in hình nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên Ảnh: NHÀ TRẮNG

Những lời lẽ cứng rắn này được đưa ra một ngày trước khi ông Trump tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng. Thay vì bàn về chiến lược chung để đối thoại với ông Kim như kế hoạch ban đầu, cuộc gặp chuyển sang tập trung ngăn hội đàm Mỹ - Triều đổ vỡ sau khi Bình Nhưỡng lên án cuộc tập trận không quân Mỹ - Hàn mới nhất và dọa không gặp ông Trump nếu bị ép "đơn phương từ bỏ hạt nhân".

Chưa chuẩn bị kỹ

Theo một số chuyên gia, sự đổi giọng đột ngột của Triều Tiên là điều có thể lường trước nếu nhìn lại lịch sử quan hệ Mỹ - Triều. Theo trang Daily Beast, Bình Nhưỡng đã "chơi gác" Washington trong nhiều thập kỷ qua, cho dù đó là chính quyền Đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa muốn tìm kiếm một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Không ít lần nước này ký thỏa thuận với Mỹ để rồi nhanh chóng bị tố "bội ước".

Chẳng hạn năm 1994, chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký một thỏa thuận khung, theo đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il cam kết không hạt nhân hóa đất nước. Đổi lại, Washington cung cấp cho Bình Nhưỡng nhiên liệu, dầu và lò phản ứng hạt nhân sử dụng để sản xuất điện. Dù vậy, Bình Nhưỡng sau đó bị xem là thất hứa và rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào đầu năm 2003.

Đến năm 2005, sau các cuộc đàm phán, chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush loại Triều Tiên khỏi danh sách các nước bị xem là tài trợ khủng bố để đổi lấy việc Bình Nhưỡng đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon, cam kết tiêu hủy mọi vũ khí hạt nhân. Dù vậy, cũng không có bước đi nào như thế từ Triều Tiên sau đó.

Giờ đây, đến lượt ông Trump nói với thế giới rằng ông sẽ đề nghị hỗ trợ kinh tế Triều Tiên và bảo đảm không bao giờ ủng hộ thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng tại cuộc gặp sắp tới. Ngoài ra, cái gọi là "mô hình Libya" dùng để giải giáp hạt nhân Triều Tiên, như gợi ý của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, sẽ không được Mỹ nói đến. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Kim Jong-un có thật sự tin vào lời hứa của ông Trump, nhất là khi bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào khác sau này đều có thể dễ dàng đảo ngược chính sách của ông, hay không.

Ngoài ra, ông Ronald Radosh, chuyên gia của Viện Hudson (Mỹ), chỉ ra rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ không bao giờ chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân đang giúp nước này ngang hàng với những cường quốc hùng mạnh hơn nhiều trên thế giới. Tóm lại, trang Business Insider nhận định thay vì làm nên lịch sử, đang có những dấu hiệu cho thấy ông Trump chưa chuẩn bị kỹ và có thể đối diện nguy cơ mất mặt.

Màn trình diễn chính trị

Một nhóm hơn 20 nhà báo từ các cơ quan truyền thông phương Tây và Trung Quốc đến Triều Tiên ngày 22-5 để chuẩn bị chứng kiến sự kiện đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri. Truyền thông Hàn Quốc ban đầu có trong danh sách nhưng sau đó không được mời tham gia buổi lễ, dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến 25-5, sau khi Bình Nhưỡng cắt đứt liên lạc cấp cao với Seoul để phản đối cuộc tập trận Mỹ - Hàn.

Đáng chú ý là Bình Nhưỡng cũng không mời bất kỳ chuyên gia giải trừ hạt nhân nào từ các cơ quan giám sát quốc tế, như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) hoặc Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO). Theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, một loạt hoạt động sẽ diễn ra trong suốt buổi lễ, như: cho nổ tất cả đường hầm của bãi thử, chặn hoàn toàn các lối vào, dỡ bỏ tất cả cơ sở quan sát, viện nghiên cứu và chốt bảo vệ trên mặt đất.

Dù vậy, AP nhận định động thái trên, nếu diễn ra, chỉ mang tính biểu tượng. Đây là nơi diễn ra 6 vụ thử hạt nhân và ông Kim Jong-un vào tháng rồi cho biết những vụ thử mới là không cần thiết. Trong khi đó, ông Vipin Narang, chuyên gia chính trị về không phổ biến hạt nhân ở Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), cho rằng bãi thử này có lẽ đã bị hư hại đáng kể nên có đóng cửa cũng không ảnh hưởng gì, vả lại Triều Tiên có thể còn những nơi thử khác. Ngoài ra, ông còn nghi ngờ bước đi trên còn nhằm bảo đảm không ai biết Bình Nhưỡng đã làm gì ở đó cũng như không có chuyên gia kỹ thuật nào có thể kiểm tra nơi này.

Một số chuyên gia khác cho rằng động thái của Triều Tiên chỉ là màn trình diễn chính trị nhằm nêu bật họ sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân trước cuộc gặp sắp tới giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vì thế, ông David Albright, nhà sáng lập Viện Khoa học và An ninh quốc tế (Mỹ), cho rằng các chuyên gia phải được cử đến địa điểm trên để lấy mẫu từ các cuộc thử nghiệm trước đây, đồng thời phân tích chúng để xác định sức công phá và vật liệu được sử dụng.

7 thap ky choi gac my cua trieu tien Trump: Hội nghị với Kim Jong Un có thể bị hoãn

Tổng thống Trump tuyên bố cuộc gặp dự kiến vào ngày 12/6 với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể bị hoãn.

7 thap ky choi gac my cua trieu tien Mỹ điều tàu khu trục tên lửa tới Nhật Bản, \'dằn mặt\' Triều Tiên

USS Milius, một trong những tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiên tiến nhất của hải quân Mỹ, đã tới Nhật Bản hôm 22-5 ...

HOÀNG PHƯƠNG

/ http://nld.com.vn