Không thể đếm được đã có bao nhiêu bài báo tường thuật, phân tích, đánh giá, lý giải về tất cả các vấn đề trong đại án này. Không thể đếm được trên mạng xã hội có bao nhiêu bình luận, bao nhiêu lời mắng mỏ, rủa xả, lên án các bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa - đặc biệt là với các bị can là quan chức cao cấp. Và, dĩ nhiên, cũng có không ít những lời bình luận độc địa, cho rằng vụ đại án này là do “cơ chế”...?

Chủ trương thực hiện các chuyến bay giải cứu được Chính phủ đưa ra vào tháng 4/2020 do tình hình dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới. Lúc đó, các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam đang có hiệu quả, được quốc tế đanh giá tốt. Đây là các chuyến bay do hành khách trả tiền vé, còn các chi phí khác trong thời gian cách ly tại các cơ sở quân đội hoàn toàn do Nhà nước đài thọ. Nhưng, về sau bắt đầu có cả các “chuyến bay combo”, theo đó hành khách phải chi trả trọn gói toàn bộ các chi phí phát sinh.

Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, khoảng hơn 1.000 chuyến bay đã được cấp phép, đưa hơn 200.000 công dân về nước. Chính phủ phê duyệt 772 chuyến theo đề xuất của Bộ Ngoại giao, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Và, lợi dụng các chuyến bay này,  các bị cáo là quan chức đã “ăn”, đã “chặt chém” không dưới 300 tỷ. Đây là một số tiền khổng lồ và nó càng kinh khủng hơn khi trong hoàn cảnh Đảng, Nhà nước và nhân dân đang dốc toàn lực chống dịch. Đám quan chức này đã lợi dụng một chủ trương rất nhân văn là phải bằng mọi cách cứu đồng bào mình ở nước ngoài. Chúng đã lợi dụng sự thiếu kiểm soát, sự cả tin của các cấp chính quyền vào những cán bộ bấy lâu nay họ cứ “xoen xoét” rằng mọi việc làm của họ là “vì dân, vì đồng bào người Việt”.

Vậy, tại sao lại có những hậu quả vô cùng to lớn về những chuyến bay giải cứu này?

Ai làm hư hỏng ai? -0
Phiên xét xử đại án “Chuyến bay giải cứu”.

Nguyên nhân đầu tiên của mọi nguyên nhân là những quan chức có trách nhiệm trong việc thực hiện các chuyến bay giải cứu là những kẻ đang nghĩ kế kiếm tiền bằng mọi giá, mọi cách, mọi thủ đoạn. Điều đáng nói, họ là những người được học hành, đào tạo bài bản, được trải qua nhiều vị trí công tác và vốn có được sự tín nhiệm nhất định ở cơ quan. Thế nhưng, khi có cơ hội để kiếm tiền thì họ bất chấp tất cả, bất chấp đạo lý, bất chấp trách nhiệm, bất chấp uy tín của tập thể. Họ nghĩ mưu, nghĩ kế để kiếm tiền trên những người đang vô cùng khốn khó. Thậm chí, đến mức ăn tiền của tù nhân người Việt ở nước ngoài thì quả thật không còn gì để nói nữa

Gần đây, một cán bộ cao cấp có tâm sự với tôi rằng, điều đáng lo nhất là một bộ phận cán bộ hiện nay đang coi việc “kiếm tiền là lẽ sống”. Nghe ông nói thì có sự bi quan về tình hình xã hội, nhưng với những gì đang diễn ra trong đại án những chuyến bay giải cứu, rồi vụ Việt Á và tới đây là những đại án Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh... thì thấy rằng, điều lo lắng của ông hoàn toàn có cơ sở.

Trong một bài thuyết giảng của pháp sư Tịnh Không, ông có nêu một ví dụ là ông đã tổ chức một cuộc điều tra bí mật với 1.000 người gồm nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Câu hỏi của ông đưa ra rất đơn giản: “Bạn đang muốn điều gì nhất?” và thật bất ngờ, có 994 người trả lời là muốn có thật nhiều tiền. Điều này nghe có vẻ phũ phàng nhưng nếu soi vào những gì đang diễn biến ở xã hội Việt Nam thì thấy đó đang là sự thật.

Khi chúng ta chuyển đổi cơ chế từ “tập trung quan liêu bao cấp” sang “cơ chế thị trường định hướng XHCN” thì việc kiếm tiền đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thực sự, đồng tiền đang thể hiện “sức mạnh gần như tuyệt đối” của nó trong cơ chế thị trường. Đồng tiền đã làm thay đổi quan niệm về đạo đức, về lối sống của gần như tất cả mọi người. Trong khi đó, các cơ chế kiểm soát quyền lực, các quy định của luật pháp còn thiếu nhất quán, có nhiều kẽ hở cho việc “kiếm tiền bằng mọi giá”. 

Rất nhiều cán bộ đang che đậy khát vọng kiếm tiền của mình bằng những lời nói hoa mỹ, giáo điều và hết sức “chính trị”. Họ có thể lên bục giảng giải, nói hay như hát về các chính sách, các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ. Họ có thể nói rất xúc động về đạo đức của người cán bộ... Nhưng, ẩn giấu đằng sau đó là những mưu hèn kế bẩn để được lên chức lên quyền và khi đó thì mục tiêu của họ là làm thế nào kiếm được nhiều tiền bằng chức tước.

Cũng có những ý kiến lên án người đi hối lộ và cho rằng chính các “đại gia” này đang làm hư hỏng cán bộ. Nhưng, tại sao không đặt ngược lại là “chính cán bộ làm hư hỏng doanh nhân”. Một bị cáo là doanh nhân khai trước tòa rằng, khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê tàu bay, rồi phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6-9 tỉ đồng. Rơi vào thế này thì không hối lộ cũng không xong. Nhiều doanh nghiệp bị quan chức đòi phải hối lộ, cho nên phải ngậm đắng nuốt cay đưa tiền.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc xét xử các bị cáo như phiên tòa đang diễn ra thì các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cần có những phân tích, mổ xẻ thấu đáo về nguyên nhân gây ra vụ đại án này và từ đó có những cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả để phòng ngừa

 
Nguyễn Như Phong