Chính phủ Nga đã chính thức ban hành lệnh tạm thời không xuất khẩu uranium làm giàu sang Mỹ nhằm đáp trả các hạn chế của Washington đối với việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của nước này.

Quyết định này không chỉ cho thấy căng thẳng ngày càng tăng giữa Mátxcơva và Washington trong lĩnh vực tài nguyên chiến lược và an ninh năng lượng mà còn tác động sâu rộng đến thị trường năng lượng toàn cầu.

cac-thung-uranium-xuat-khau.jpg
Các thùng uranium xuất khẩu của Nga. Ảnh: Getty Images

Tuyên bố của Nga cho biết, các hạn chế tạm thời mà Mátxcơva áp đặt là động thái đáp trả sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm nhập khẩu uranium của Nga cho đến năm 2040, các trường hợp ngoại lệ vẫn được phép nhập khẩu cho đến năm 2028. Nội dung hạn chế nêu rõ các sản phẩm uranium làm giàu thấp, chưa qua chiếu xạ và được sản xuất ở Nga hoặc do các công ty Nga sản xuất không được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Uranium làm giàu là thành phần quan trọng đối với lò phản ứng hạt nhân, cung cấp năng lượng cho cả mục đích dân sự và quân sự. Nga là nhà sản xuất uranium lớn thứ sáu thế giới và kiểm soát khoảng 44% năng lực làm giàu uranium toàn cầu. Quyết định hạn chế xuất khẩu của Nga được coi là phản ứng trước tình hình địa chính trị phức tạp, đặc biệt là sau các lệnh trừng phạt đang diễn ra và mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc Nga - Mỹ. Tuy nhiên, quyết định của Mátxcơva không chỉ mang tính trả đũa, mà còn phù hợp với chiến lược về xuất khẩu và tăng cường kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng.

Bằng cách hạn chế xuất khẩu uranium, Nga thể hiện rõ thông điệp sử dụng các nguồn tài nguyên chiến lược như một công cụ mặc cả, đặc biệt là khi an ninh năng lượng toàn cầu trở thành mối quan tâm đáng kể. Trong ngắn hạn, động thái này sẽ định vị Nga là một quốc gia sẵn sàng thực hiện các bước đi táo bạo để chống lại lệnh trừng phạt từ nước ngoài. Bằng cách tác động đến một nguồn tài nguyên quan trọng trên thế giới, Nga nhấn mạnh vai trò trong chuỗi cung ứng năng lượng hạt nhân, có khả năng đẩy giá uranium lên cao. Minh chứng là giá uranium gần đây đã tăng 5%, lên mức 84 USD/pound (0,45kg).

Theo Phó Giáo sư Maxim Maximov (Đại học Kinh tế Nga Plekhanov), phản ứng của thị trường khá hợp lý, do nhiên liệu hạt nhân của Nga chiếm khoảng 20% lượng tiêu thụ của Mỹ - một con số khó có thể thay thế nhanh chóng. Các nhà cung cấp sẽ không vội vàng bán ra vì giá uranium có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa. Ông Maxim Maximov lưu ý thêm rằng, uranium của Nga hiện có thể chuyển hướng sang khu vực châu Á và Trung Đông. Cụ thể, Ấn Độ, Trung Quốc và Iran sẽ là những điểm đến lý tưởng của việc xuất khẩu uranium của Nga.

Trong khi đó, Mỹ dựa vào các nguồn uranium làm giàu từ nước ngoài, trong đó có Nga cho các lò phản ứng hạt nhân của mình. Với hạn chế mới được áp dụng, các nhà sản xuất năng lượng của nền kinh tế số một thế giới có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc bảo đảm đủ uranium làm giàu. Trong ngắn hạn, Washington có thể phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất điện cao hơn. Sự thiếu hụt này có thể thúc đẩy Washington tìm kiếm các nguồn thay thế, có khả năng là tăng cường thương mại với các nước đồng minh hoặc đẩy nhanh năng lực làm giàu uranium của riêng mình. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp này cần có thời gian, dẫn đến chi phí năng lượng cao hơn.

Châu Âu vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vấn đề về năng lượng do căng thẳng địa chính trị gần đây, có thể cảm nhận được hậu quả gián tiếp từ các hạn chế xuất khẩu uranium làm giàu của Nga. Áp lực về giá có thể khiến các quốc gia châu Âu xem xét lại chiến lược năng lượng dài hạn, đẩy nhanh nỗ lực thiết lập chế biến uranium trong nước hoặc thúc đẩy thỏa thuận thương mại với các quốc gia như Canada và Australia - những nhà sản xuất uranium lớn.

Với thị trường năng lượng hạt nhân vốn đã chịu áp lực từ các mối quan ngại về an ninh năng lượng, lệnh hạn chế này sẽ tạo thêm bất ổn. Giá uranium toàn cầu có thể tăng, do đó, các quốc gia phải tranh giành nguồn cung cấp uranium. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân có thể đẩy nhanh kế hoạch tìm kiếm nguồn làm giàu thay thế, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến những thay đổi trong thị trường.

Quyết định của Nga tạm dừng xuất khẩu uranium làm giàu sang Mỹ không chỉ là một biện pháp trả đũa mà còn mang tính chiến lược, có tác động sâu rộng đến thị trường năng lượng, quan hệ quốc tế và chính sách năng lượng hạt nhân trên thế giới.

https://hanoimoi.vn/nga-tam-cam-xuat-khau-uranium-lam-giau-sang-my-tac-dong-sau-rong-den-thi-truong-nang-luong-toan-cau-685427.html

Thùy Dươn / HNM.com.vn