Gần hai thập kỷ sau khi được điều trị, Alex Lam, người từng mắc bệnh SARS, vẫn chưa thể quên cơn ác mộng trong khu cách ly. 

"Thật đau đớn khi dịch bệnh một lần nữa xuất hiện. SARS đang trở lại, virus chết chóc đang trở lại", Alex Lam, người đứng đầu Hiệp hội Cùng Hỗ trợ bệnh SARS Hong Kong, cho hay, so sánh Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) với dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) đang bùng phát hở Trung Quốc.

Hồi năm 2002-2003, hơn 8.000 người tại 37 quốc gia mắc bệnh SARS, trong đó 774 người thiệt mạng. Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi chỉ riêng Hong Kong đã ghi nhận 300 ca tử vong. Lam khi đó được điều trị tại một khu cách ly trong ba tuần, được coi là một trong những người may mắn bởi xuất viện mà không có biến chứng gì.

"Tôi được đưa vào một căn phòng lớn với nhiều bệnh nhân khác. Hàng đêm, tôi nghe thấy vài tiếng ho hoặc ai đó than khóc. Điều đó thực sự buồn", Lam hồi tưởng.

Ký ức về dịch SARS của Lam tràn về khi dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã xuất hiện tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 638 người thiệt mạng và hơn 31.000 ca nhiễm bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đây là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, kêu gọi các quốc gia thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có.

am anh sars ua ve giua dich viem phoi
Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ người vào một bệnh viện ở Hong Kong, Trung Quốc hôm 4/2. Ảnh: AFP.

John Nicholls, giáo sư lâm sàng về bệnh lý tại Đại học Hong Kong (HKU), cho biết dịch SARS đã chấm dứt vào tháng 7/2003 nhờ các biện pháp vệ sinh tốt, như rửa tay thường xuyên, cùng yếu tố môi trường như nhiệt độ và độ ẩm cao trong những tháng mùa hè.

"Tình huống lần này cũng tương tự. Tôi cảm thấy dịch bệnh hiện nay giống như SARS. Thế giới về cơ bản sẽ phải trải qua một \'trận ốm\' vô cùng tồi tệ trong khoảng 5 tháng", Nicholls nhận định.

Để ngăn virus lây lan, Trung Quốc đã phong tỏa Vũ Hán cùng nhiều địa phương khác, khiến hàng chục triệu người mắc kẹt. Các chuyến bay, tàu hỏa và xe buýt ngừng hoạt động tại tất cả thành phố lớn ở tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm dịch bệnh. Các trường học ở hai đặc khu Hong Kong và Macao sẽ nghỉ đến ít nhất là tháng ba. Nhiều quốc gia thực hiện những biện pháp hạn chế nhập cảnh với hành khách Trung Quốc hoặc người từng đến nước này, trong khi một số hãng hàng không cũng ngừng bay tới Trung Quốc.

Bất chấp loạt biện pháp quyết liệt này, một số chuyên gia virus học cho rằng việc kiềm chế nCoV có thể khó khăn hơn so với dịch SARS. Giáo sư Nicholls giải thích vấn đề nằm ở chỗ nCoV dường như có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn so với SARS, bởi virus có thể lây truyền từ những bệnh nhân không có triệu chứng.

Tuy nhiên, WHO cho biết động lực chính của việc lây nhiễm vẫn là các trường hợp có triệu chứng. Dù thừa nhận các cá nhân không có triệu chứng "có thể" truyền bệnh trong một số trường hợp, WHO tin rằng điều này không phổ biến và không phải tác nhân chính khiến virus lây lan.

Hồi tháng một, Nicholls cùng nhóm của ông trở thành những nhà khoa học đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục tái tạo nCoV trong phòng thí nghiệm, từ đó hiểu rõ hơn cách virus tác động tới các mô trên cơ thể người, đồng thời giúp đánh giá xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân.

Malik Peiris, nhà virus học về y tế cộng đồng tại HKU, cho biết có một dấu hiệu lạc quan là nCoV dường như có tỷ lệ tử vong thấp hơn SARS. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 4/2 cho biết tỷ lệ tử vong do bệnh viêm phổi cấp trên toàn quốc là 2,1%, trong khi SARS có tỷ lệ tử vong toàn cầu là 9,6%, theo WHO.

"Hy vọng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh lần này thấp hơn nhiều so với đánh giá của chúng ta hoặc tình hình hiện nay. Thiệt hại cuối cùng có thể không thảm khốc như một số người đang nghĩ", Peiris nêu ý kiến.

am anh sars ua ve giua dich viem phoi
 

Các chuyên gia y tế đưa ra dự đoán khác nhau về thời gian tồn tại dịch viêm phổi cấp. Zhong Nanshan, một trong những chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về bệnh hô hấp, từng được coi như người hùng trong cuộc chiến chống dịch SARS, đánh giá nCoV có thể đạt đỉnh sớm nhất vào cuối tuần tới.

Trong khi đó, Gabriel Leung, giáo sư y tế cộng đồng tại HKU, tỏ ra ít lạc quan hơn khi ước tính số ca mắc bệnh tới giữa tháng 4 hoặc giữa tháng 5 mới lên đến đỉnh điểm.

Một viễn cảnh khác có khả năng xảy ra là nCoV trở thành một loại bệnh thông thường trên toàn cầu như cúm, nhưng điều này chưa từng có tiền lệ. Đối với Lam, người vẫn không khỏi ám ảnh về SARS, kịch bản đó là một sự thất bại.

Để ngăn chặn rủi ro, Hiệp hội Cùng Hỗ trợ bệnh SARS Hong Kong của anh, nhóm những người sống sót sau đại dịch SARS, đang kêu gọi chính quyền đặc khu thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn nhằm chấm dứt dịch bệnh.

"Chúng tôi hy vọng chính quyền có thể làm gì đó quyết liệt hơn, bởi hầu hết khu vực tại Trung Quốc đều được cho là tiềm ẩn mối đe dọa lớn", Lam cho hay. Hong Kong đã có 24 ca nhiễm nCoV và một người tử vong.

"Để chiến đấu với căn bệnh truyền nhiễm, chúng ta phải sát cánh cùng nhau, không được hoảng loạn", Lam nói thêm. "Chúng ta cần suy nghĩ tích cực, bởi một ngày nào đó, dịch bệnh này rồi sẽ biến mất".

Ánh Ngọc (Theo CNN)

am anh sars ua ve giua dich viem phoi Virus Vũ Hán sẽ không hoành hành lâu như dịch SARS?

Giám đốc Viện Nghiên cứu Trọng điểm Quốc gia Trung Quốc về đường hô hấp Zhong Nanshan cho rằng, dịch bệnh corona sẽ đạt đỉnh ...

am anh sars ua ve giua dich viem phoi Những điểm giống và khác nhau giữa dịch virus Corona và dịch SARS 2002

Cho đến nay, những lo ngại rằng dịch virus Corona Vũ Hán là SARS tiếp theo có khả năng bị "thổi phồng". Các triệu chứng ...

am anh sars ua ve giua dich viem phoi Số người Trung Quốc nhiễm virus Vũ Hán vượt đại dịch SARS

Số ca mắc viêm phổi ở Trung Quốc hôm nay đã lên tới 5.974, vượt quá số người mắc hội chứng hô hấp cấp tính ...

/ vnexpress.net