Ấn Độ tìm cách "đánh thức" trạm đổ bộ và tàu thám hiểm thuộc sứ mệnh Mặt Trăng Chandrayaan-3 sau một đêm lạnh giá, nhưng đến nay chưa có kết quả.

Reuters dẫn thông báo của cơ quan vũ trụ Ấn Độ ISRO xác nhận, trạm đổ bộ và tàu thám hiểm thuộc sứ mệnh Mặt Trăng Chandrayaan-3 đã không thức dậy vào ngày 22/9 theo tính toán ban đầu, trong khi các nhà khoa học Ấn Độ vẫn đang nỗ lực tìm cách để "đánh thức" chúng.

Ấn Độ
Hình ảnh minh họa của tàu đổ bộ Vikram và tàu thăm dò Pragyan. Ảnh: GettyImages

"Chúng tôi đã nỗ lực thiết lập lại liên lạc với trạm đổ bộ Vikram và tàu thăm dò Pragyan để kiểm tra trạng thái hoạt động của chúng. Hiện tại, các nhà khoa học không thu được bất kỳ tín hiệu nào từ hai thiết bị này. Chandrayaan-3 không còn dấu hiệu của sự sống", ISRO thông tin.

Hai phương tiện chuyển sang chế độ ngủ đầu tháng 9 khi màn đêm buông xuống trên Mặt Trăng và bộ pin cạn năng lượng. Lần Mặt Trời mọc tiếp theo là ngày 22/9. ISRO hy vọng tấm pin quang năng sẽ sạc điện trở lại và đánh thức bộ đôi. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa phản hồi tin nhắn liên lạc.

Một ngày trên Mặt Trăng tương đương 14 ngày trên Trái Đất, nhiệt độ trung bình vào ban ngày là 123 độ C và ban đêm cao nhất, âm hơn 200 độ C. Các nhà khoa học không trang bị hệ thống sưởi để bảo vệ tàu khỏi cái lạnh trên Mặt Trăng, nên có khả năng các thiết bị trên tàu đã bị hư hại.

Ngay cả khi trạm Vikram và tàu Pragyan không tỉnh lại, chúng đã hoàn thành sứ mệnh. Trong hai tuần hoạt động, chúng đã thực hiện nhiều nghiên cứu và xác nhận sự tồn tại của lưu huỳnh ở Mặt Trăng. Ngoài ra, phân tích sơ bộ hé lộ lớp đất ở khu vực này chứa nhôm, canxi và sắt.

Cuối tháng 8/2023, Giám đốc vận hành nhiệm vụ M. Srikanth chia sẻ, cả đội tin chắc trạm đổ bộ và robot tự hành sẽ hồi sinh sau khi Mặt Trời mọc. "Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là một điểm cộng lớn. Trong trường hợp chúng không thể hoạt động, nhiệm vụ vẫn hoàn thành", ông M. Srikanth nói.

Trạm đổ bộ Vikram của sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã hạ cánh thành công vào ngày 23/8. Ấn Độ là nước thứ 4 hạ cánh trên Mặt Trăng sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc nhưng là nước đầu tiên đáp xuống gần cực Nam, khu vực có địa hình rất phức tạp.

Thái An / cand.com.vn