Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) đã lên tiếng về đề xuất thí điểm giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng trong năm nay của EVN.
- Đề xuất thí điểm giá điện mới: Người dân được chọn như gói cước điện thoại
- Bộ Công Thương có đề xuất mới về giá điện
Thời gian sử dụng công suất lớn nhất càng lớn, giá điện càng giảm
Theo cục này, hiện hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng biểu giá này. Kinh nghiệm cho thấy, biểu giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý, so với biểu giá một thành phần là điện năng hiện hành.
Để so sánh với biểu giá hiện hành, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Cục điều tiết Điện lực tính toán, giá điện bình quân cho 1 kWh trong trường hợp thời gian sử dụng công suất lớn nhất - Tmax càng lớn, thì giá điện bình quân mà người tiêu dùng phải trả sẽ càng giảm và ngược lại.
"Đây chính là động lực thúc đẩy khách hàng luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện của mình để có chi phí sử dụng điện thấp nhất", theo Cục điều tiết Điện lực.
Công thức tính tổng giá trị hóa đơn tiền điện.
Cục này cũng cho rằng, với khách hàng có mức sử dụng điện lớn khi tăng Tmax sẽ làm cho giá sử dụng điện bình quân phải trả hạ xuống. Phía ngành điện, cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định của ngành điện giúp ngành có thể giảm chi phí đầu tư, thu hồi được chi phí cố định.
Như vậy, việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ mang lại lợi ích cho cả hai ngành điện - Bên cung ứng điện và người tiêu dùng - các khách hàng tiêu thụ điện.
Ví dụ minh họa cho khách hàng 110 kV áp dụng giá công suất.
Chỉ đang nghiên cứu với khách hàng sản xuất, kinh doanh
Về thời gian áp dụng biểu giá này, Cục điều tiết Điện lực cho biết, về hạ tầng ngành điện (công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm) đã sẵn sàng cho phép việc áp dụng biểu giá hai thành phần.
Hiện các Tổng công ty Điện lực đã áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh (những khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU).
Tuy nhiên, cục này thừa nhận việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện.
Chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt.
Do đó, cần phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy, công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ áp dụng và giai đoạn thí điểm thật, nhằm tổng kết đánh giá ưu nhược điểm, rút ra bài học của cơ chế mới trước khi áp dụng cơ chế/chính sách mới rộng rãi vào cuộc sống.
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt.
Sau khi thí điểm, Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.
"Việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện hai thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện, do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành.
Song đây là bước thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần khi áp dụng phù hợp với thực tế", Cục điều tiết Điện lực đánh giá.