Đánh giá của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho thấy, từ năm 1954 đến nay, TP Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới, nhiều lần phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, đã tạo ra những áp lực, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch.
Lưu lượng phương tiện vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế
Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này đã xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc gồm: nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Đại La - Trần Đại Nghĩa, Ngã Tư Vọng, nút giao Sa Đôi - đường 70 và nút Ngã Tư Sở - Láng.
Sở này cũng đã thí điểm điều chỉnh những bất cập về tổ chức giao thông một số nút giao thông như: Tổ chức giao thông tại 6 nút giao trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (trục đường xe buýt BRT); Tổ chức giao thông các trục, tuyến đường khác gồm: Trục đường vành đai 2, Thụy Khuê, Chu Văn An - Vạn Phúc, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi.
Trên cầu Thanh Trì và trục đường vành đai 3 trên cao, TP Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông ở 26 nút giao, ngã tư… Thế nhưng, cả TP Hà Nội còn tồn tại 32 điểm đen ùn tắc có tần suất cao, còn lại chưa kể một số điểm ùn tắc thi thoảng xuất hiện.
Theo số liệu khảo sát của Sở GTVT TP Hà Nội, lượng xe qua cầu Thanh Trì là 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ, nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm khiến người dân đi lại khốn khổ.
Ông Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế…
Để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thời gian qua, nhiều công trình giao thông đã được đầu tư và đưa vào khai thác, góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô như: Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, hầm chui Lê Văn Lương, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Nhật Tân... TP Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai các dự án xây dựng đường vành đai 4, vành đai 3.5 nhằm cải tạo, mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, hoàn thiện các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt giao thông đô thị còn lại…
Trong khi đó, Sở GTVT TP Hà Nội đang tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP Hà Nội; huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông. Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, đây là giải pháp cơ bản, mang tính đột phá, có vai trò rất quan trọng. Cùng đó, Sở GTVT sẽ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực mạng lưới giao thông hiện có; mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Phương án cấm xe máy ở nội đô vẫn chưa thể triển khai
Tại TP Hà Nội, biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân trong đó có xe máy được chính quyền đặt ra từ năm 2015. Khi đó, TP Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Bởi nếu không có giải pháp kịp thời, giao thông Thủ đô 4-5 năm tới rất phức tạp.
Giữa năm 2016, dự thảo chương trình hiện đại hóa đô thị của Thành ủy TP Hà Nội đưa ra lộ trình cụ thể "từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động xe máy". Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, thời điểm này, TP Hà Nội chưa thể cấm được xe máy do thiếu phương tiện công cộng. Cuối năm 2016, Sở GTVT TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia cho lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2020, TP Hà Nội sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết; năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2 từ năm 2023, thành phố sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 đến năm 2025, Thủ đô cấm xe máy ở một số địa điểm trong vành đai 3.
Phiên họp HĐND TP Hà Nội hồi đầu tháng 7/2017 thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Với đề án này, xe máy sẽ dừng hoạt động ở các quận nội thành năm 2030. Ngành giao thông TP Hà Nội sau đó muốn đẩy nhanh lộ trình cấm xe máy bằng cách hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận và một số huyện; ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm; thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu.
Tháng 10/2019, thành phố lấy ý kiến cho hai phương án hạn chế xe máy: Phương án hạn chế ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận và phương án hạn chế theo vành đai (hạn chế từ vành đai 3 trở vào). Cuối năm 2021, thành phố đưa ra đề xuất hạn chế xe máy từ vành đai 3 kết hợp với quốc lộ 5 kéo dài, giai đoạn 2026-2030. Như vậy, mục tiêu của thành phố sớm thực hiện lộ trình cấm xe máy ở nội đô trước năm 2030.
Giai đoạn 2017-2030, TP Hà Nội triển khai các nhóm giải pháp về đầu tư, phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng. Sau năm 2030, thành phố dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, bên trong vành đai 3 đối với khu vực Bắc sông Hồng. Tuy nhiên, phương án hạn chế xe máy đến nay vẫn chưa thể khả thi…
Thông tin từ Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, cơ quan này đã tiến hành khảo sát tại 5 thành phố là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Kết quả khảo sát cho thấy, thị phần vận tải hành khách công cộng tại TP Hà Nội hiện nay đạt khoảng 15%, trong đó bằng xe buýt đáp ứng khoảng 8-9%. Tại TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 9,5%, trong đó xe buýt đáp ứng khoảng 7,5%.
Các TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chỉ đạt xấp xỉ 1%. Cả nước hiện có 854 tuyến với tổng chiều dài mạng lưới buýt 32.344km. Có hơn 8.500 xe buýt, trong đó buýt nhỏ 2.027 xe (23,8%), buýt trung bình 5.179 xe (60,9%), buýt lớn 1.300 xe (15,3%). Nhưng số xe buýt thân thiện môi trường chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ 849 xe, trong đó buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG 702 xe (82,7%), buýt điện 148 xe (17,4%).
Với taxi, toàn quốc có 769 doanh nghiệp taxi, hơn 67.500 xe taxi; hơn 11.700 doanh nghiệp xe hợp đồng, du lịch, với hơn 193.300 xe hợp đồng, du lịch. Tuy nhiên chưa có taxi, xe hợp đồng du lịch sử dụng điện, nhiên liệu thân thiện với môi trường. Trong khi đó, theo các quy hoạch, kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tại 5 thành phố được khảo sát, nhu cầu đầu tư, thay thế phương tiện buýt giai đoạn 2022-2025 ước khoảng 3.000-3.800 phương tiện và giai đoạn 2026-2030 ước khoảng 3.500-3.700 phương tiện.
Áp lực từ quy hoạch (bài 2) - Báo Công an nhân dân điện tử (cand.com.vn)