Báo cáo mới của trường chính sách công Lý Quang Diệu (LKYSPP) chỉ rõ cách ASEAN có thể tận dụng sự hội tụ giữa 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy kinh tế.

Nghiên cứu với tiêu đề "Tận dụng 5G để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi do AI dẫn dắt tại ASEAN: Những bắt buộc, góc nhìn chính sách và khuyến nghị" được công bố hôm 22/7, đưa ra cho các nhà hoạch định chính sách những khuyến nghị chiến lược thiết thực nhằm khai mở tiềm năng số của khu vực.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, ASEAN đang đứng trước một cơ hội to lớn khi chỉ riêng công nghệ 5G đã được kỳ vọng đóng góp tới 130 tỷ USD cho nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030.

Tuy nhiên, mức độ ứng dụng 5G vẫn còn chênh lệch lớn trong khu vực – từ 48,3% tại Singapore cho đến dưới 1% tại một số quốc gia thành viên ASEAN. Nếu không có hành động phối hợp kịp thời, những chênh lệch này có thể làm sâu sắc thêm khoảng cách số và làm suy yếu năng lực cạnh tranh khu vực, khiến ASEAN bị tụt lại phía sau trong cuộc đua chuyển đổi số toàn cầu.

Môi trường sôi động tại Việt Nam

Trả lời Báo Điện tử VTC News (trực tuyến) tại buổi công bố báo cáo, Giáo sư Vũ Minh Khương từ LKYSPP nhấn mạnh, rào cản lớn nhất trong triển khai 5G ở Việt Nam là việc chưa có nhận thức cụ thể về giá trị mà 5G có thể mang lại, đặc biệt trong việc hỗ trợ AI. Ông nhấn mạnh các chiến dịch phổ cập AI tại Việt Nam diễn ra khá sôi động – từ người dân đến doanh nghiệp nhỏ đều sử dụng các công cụ như ChatGPT để học hỏi. Tuy nhiên, nhận thức về việc 5G là nền tảng để AI phát huy hiệu quả vẫn còn hạn chế, kể cả trong ngành viễn thông.

Giáo sư Vũ Minh Khương. (Ảnh: Ban Tổ chức)

Giáo sư Vũ Minh Khương. (Ảnh: Ban Tổ chức)

Giáo sư cho rằng Việt Nam có thể tham khảo các mô hình điều phối nỗ lực phát triển 5G từ các nước khác trong khu vực như Singapore. Điều quan trọng là nhà nước cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, các nhà cung cấp công nghệ quốc tế và người dùng cuối để thúc đẩy các ứng dụng thương mại cụ thể, từ đó tạo ra giá trị.

“Công nghệ hiện đang giúp người dân ở cả những vùng sâu vùng xa - như Việt Nam hoặc Thái Lan - bán được hơn 1.000 đơn hàng cho khách hàng ở Indonesia. Nhờ các nền tảng, ngay cả những người ở vùng nông thôn cũng có thể tiếp cận các thị trường lớn. Điều này có nghĩa là công nghệ không chỉ dành cho các công ty truyền thông hay cá nhân - nó còn có thể thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực trên toàn ASEAN”.

Giáo sư Khương nhấn mạnh sự hội tụ giữa 5G và AI chính là hạ tầng cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các lĩnh vực như sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, và giao thông tự hành. “Nhưng ASEAN không thể chần chừ. Cánh cửa để khẳng định vai trò dẫn đầu khu vực trong kết nối thông minh đang nhanh chóng khép lại”, Giáo sư Khương nói.

 

Trong khi đó, bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quản trị Toàn cầu từ Qualcomm, nhấn mạnh “chi phí cơ hội” của việc triển khai các cơ sở hạ tầng như 5G sớm để đáp ứng các công nghệ trí tuệ nhân tạo mới.

"Chúng ta sẽ mất gì nếu trở thành quốc gia đi sau trong triển khai 5G?", bà nói.

Câu trả lời, theo bà, là cơ hội kinh tế, đổi mới và vị thế cạnh tranh. Bà cho rằng ASEAN nên coi 5 năm tới là "cửa sổ cơ hội" để áp dụng công nghệ mới, tạo sandbox (môi trường thử nghiệm) cho doanh nghiệp, các trường đại học và hệ sinh thái sáng tạo địa phương phát triển.

Năng lực hạ tầng càng được chú trọng khi thế giới đang chuẩn bị bước sang 6G, nơi AI sẽ đóng vai trò thiết yếu trong tiêu chuẩn và cấu trúc mạng.

Một phần quan trọng khác được các diễn giả nhấn mạnh là đào tạo nhân lực công nghệ. Trong lĩnh vực này, các nguồn lực và cơ hội từ doanh nghiệp và các nhà đầu tư là rất lớn, khi họ có thể cung cấp hàng loạt khóa học 5G và AI đa cấp độ. Tuy nhiên, bà Fraser nhấn mạnh: Đào tạo chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với cơ hội việc làm – tức là phải có những công ty trong nước đủ năng lực hấp thụ nhân tài.

Đề xuất 5 ưu tiên

Nghiên cứu của LKYSPP dựa trên khảo sát tại 8 quốc gia ASEAN chỉ ra rằng để thúc đẩy chuyển đổi 5G-AI, khu vực cần vai trò lãnh đạo số thống nhất và coi 5G là hạ tầng chiến lược cho AI. Báo cáo đề xuất 5 ưu tiên đến năm 2030, bao gồm: chiến lược quốc gia rõ ràng, cơ quan điều phối thực quyền, chính sách bao trùm, hợp tác công–tư, và cơ chế giám sát linh hoạt.

Doanh nghiệp được nhấn mạnh là trung tâm thúc đẩy hiệu quả kinh tế của 5G. Một số mô hình điển hình đã được triển khai như: cảng thông minh tại Singapore, AI quản lý thiên tai tại Thái Lan, mạng chia sẻ giúp Malaysia đạt 82% phủ sóng.

Mạng 5G riêng tư (private 5G) được xem là nền tảng cho công nghiệp 4.0; truy cập không dây cố định (FWA) là giải pháp kết nối vùng sâu. Việc triển khai 5G hôm nay sẽ quyết định vị thế ASEAN trong kỷ nguyên 6G.

Theo báo cáo, tầm nhìn đặt ra là một ASEAN dẫn đầu công nghệ, nơi sản xuất thông minh, nông nghiệp dữ liệu hóa và giáo dục số trở thành phổ cập. Điều này đòi hỏi sự phối hợp khu vực và quyết tâm chuyển đổi số bền vững.

https://vtcnews.vn/asean-tan-dung-5g-de-rut-ngan-khoang-cach-chuyen-doi-ai-ar955859.html

Phương Anh / VTC News