Nhiều quốc gia giảm quy mô hoặc hủy dự án thuộc sáng kiến Vành đai Con đường vì lo ngại về chi phí cao, ảnh hưởng đối với nợ trong nước cũng như an ninh quốc gia.
Bất chấp lời mời gọi của Trung Quốc, Ấn Độ nhiều năm qua vẫn giữ quan điểm không không tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Cuối năm 2020, Malaysia chấm dứt thỏa thuận xây dựng Melaka Gateway với Trung Quốc, đặt dấu chấm hết cho dự án hạ tầng 10.5 tỷ USD trong khuôn khổ BRI.
Mới đây nhất, Australia tuyên bố hủy hai thỏa thuận do bang Victoria ký kết với Bắc Kinh về việc tham gia BRI.
Khi Trung Quốc giới thiệu BRI cách đây 8 năm, Bắc Kinh tham vọng mở rộng sức ảnh hưởng kinh tế và chính trị thông qua các khoản vay BRI. Nhưng việc các nước dần đang "ruồng rẫy" các dự án trong BRI đang cản đường Bắc Kinh đạt tới mục tiêu này.
Với đà "tẩy chay" của hiện tại, sáng kiến Vành đai Con đường có khả năng sẽ thất bại trong tương lai.
Nguy cơ an ninh tiềm ẩn
"Tôi coi các thỏa thuận này là không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc bất lợi cho quan hệ đối ngoại của chúng tôi", Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm 21/4 giải thích lý do chính phủ liên bang phủ quyết quyết định của chính quyền bang Victoria về việc tham gia BRI.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne. (Ảnh: SMH) |
Thỏa thuận trong khuôn khổ BRI được Trung Quốc với bang Victoria được ký kết từ tháng 3/2017 nhằm tăng cường sự tham gia của Trung Quốc với các dự án cơ sở hạ tầng mới tại bang này. Theo thỏa thuận, bang Victoria cam kết phối hợp triển khai các dự án cơ sở hạ tầng với phía Trung Quốc theo hình thức hợp tác công - tư.
Nhưng ông Michael Shoebridge, chuyên gia tới từ Viện Chính sách chiến lược Australia nhận định các dự án tiến hành theo hình thức hợp tác công - tư thường tiềm ẩn các vấn đề về rủi ro an ninh.
Giới chức Australia trước đó cũng nhiều lần lo ngại về nguy cơ an ninh tiềm ẩn của các dự án thuộc khuôn khổ BRI có thể khiến nền kinh tế nước này phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Kevin Carrico, giảng viên cấp cấp chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Monash hoan nghênh động thái mới đây của Canberra, nhấn mạnh thỏa thuận giữa Bắc Kinh và bang Victoria đã mờ ám ngay từ đầu.
“Khi thỏa thuận BRI được ký kết, Dan Andrews (Thủ hiến bang Victoria) đã cố gắng giữ bí mật nội dung thỏa thuận với những người bị ảnh hưởng bởi nó - các cư dân của Victoria. Nhưng khi thỏa thuận này không mang lại lợi ích cụ thể nào cho cư dân Victoria, Dan Andrews vẫn kiên quyết giữ nguyên nó", ông Carrico cho biết.
Các chuyên gia nhận định quyết định mới đây của Canberra chỉ là "cú chốt hạ" sau hàng loạt các chỉ trích về BRI của hàng loạt quan chức Australia. Họ khẳng định Trung Quốc đang sử dụng BRI để khiến các nước nghèo rơi vào "bẫy nợ" cũng như làm giảm ảnh hưởng của Australia trong khu vực.
Bẫy nợ
Trung Quốc cung cấp cho các nước nghèo các khoản vay và tín dụng giá rẻ để xây dựng các dự án quy mô lớn như cảng, đường sắt, sân bay. Những thỏa thuận này thường được thương lượng giữa Trung Quốc và chính phủ nước sở tại với lãi suất thấp hơn thị trường.
Nhưng trong vài năm trở lại đây, một số quốc gia đã giảm quy mô hoặc hủy các dự án thuộc BRI vì lo ngại về chi phí cao và ảnh hưởng đối với nợ quốc gia cũng như nền kinh tế.
Một công nhân xây dựng Trung Quốc làm việc tại Colombo (Sri Lanka). (Ảnh: New York Times) |
Năm 2018, chính phủ Myanmar giảm chi phí cho một dự án cảng nước sâu do Trung Quốc cấp vốn ở bang Rakhine từ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD với lý do quy mô ban đầu của dự án có thể đẩy Myanmar vào tình trạng nợ sâu.
Cũng năm, Sierra Leone, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi hủy dự án xây dựng sân bay gây tranh cãi trị giá 318 triệu USD bên ngoài thủ đô Freetown bằng nguồn vốn vay từ Trung Quốc.
Hai năm sau khi hủy dự án mở rộng tuyến đường cao tốc do một công ty Trung Quốc đảm nhận, Bangladesh tiếp tục hủy dự án cảng nước sâu Sonadia được Trung Quốc hỗ trợ vốn.
Các quyết định được đưa ra sau bài học từ Sri Lanka và Malpes, các quốc gia chìm sâu trong bẫy nợ với Trung Quốc thông qua các dự án mà Bắc Kinh tài trợ.
"Chúng tôi đã chuốc họa vào thân", Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Malpes Fayyaz Ismail nói về khoản nợ mà nước này phải gánh khi vay mượn Trung Quốc để xây dựng loạt cơ sở hạ tầng mới.
Trong báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (C4ADS), các tác giả nhận định BRI chỉ mang cái mác "hai bên cùng có lợi" mà Bắc Kinh vẫn thường quảng bá. Mục đích thực sự của nó là
mở rộng ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện quân sự của quốc gia tỷ dân.
"Các khoản đầu tư dường như để tạo ra ảnh hưởng chính trị, lén lút mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc và dựng lên một môi trường chiến lược có lợi cho Bắc Kinh trong khu vực", tài liệu này nêu rõ, nói thêm rằng các dự án đều hướng đến mục tiêu an ninh của Trung Quốc.
Trong trường hợp của cảng biển mà Trung Quốc xây dựng ở trấn Gwadar, Pakistan, các chuyên gia chỉ ra rằng dự án này là “lá bài” địa chiến lược mà Bắc Kinh có thể dùng để kiềm chế Ấn Độ và Mỹ trong trường hợp căng thẳng leo thang. Bắc Kinh cũng được cho là có những toan tính nhất định khi rải các dự án ở các địa điểm chiến lược như cổng vào biển Đông.
Các dự án mà Trung Quốc đầu tư ở nhiều nước được cho là có mục đích lưỡng dụng, vừa dân sự vừa quân sự. (Ảnh: Bloomberg) |
Khi cung cấp cho các nước khoản đầu tư hậu hĩnh, Bắc Kinh thường đưa ra các điều kiện đi kèm là quyền được tiếp cận tài nguyên khoáng sản, chủ quyền, lợi ích chiến lược của các nước.
Có thể thấy rõ điều này trong trường hợp của Sri Lanka. Năm 2017, Sri Lanka trao quyền kiểm soát một cảng biển chiến lược cho Bắc Kinh vì không thể trả được nợ cho các công ty Trung Quốc.
Sau dòng chảy đầu tư ồ ạt từ Bắc Kinh vào các dự án đầy hứa hẹn ở các quốc gia nghèo, chính phủ các nước giờ đây đã cẩn trọng hơn với tham vọng từ Trung Quốc.
Từ châu Á cho tới châu Phi, dư luận các nước bày tỏ giận dữ trước các thỏa thuận mà họ cho là không công bằng.
Trên thực tế, khi các ngân hàng chính sách Trung Quốc cung cấp tiền cho một dự án cụ thể nào đó ở nước nhận đầu tư, họ sẽ đưa ra điều kiện đi kèm là các công ty Trung Quốc thi công dự án. Như vậy, tiền sẽ chảy từ ngân hàng chính sách của Trung Quốc sẽ lại đổ vào các công ty xây dựng Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn thường hứa sẽ tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và mang lại lợi ích cho các cộng đồng sở tại thông qua các dự án thuộc BRI.
Nhưng với người dân nước sở tại, các công ty Trung Quốc mang theo nhân công của họ tới và chẳng hề mang tới bất cứ lợi ích nào như hứa hẹn. Chưa kể, nhiều người bất mãn về tiến độ thi công công trình của các công ty Trung Quốc, đồng thời đặt ra dấu hỏi về chất lượng.
Đối đầu với Trung Quốc để lấy lòng cử tri
Theo ông Kelsey Broderick - chuyên gia về châu Á tại Eurasia Group, mối lo ngại về Trung Quốc đang trở thành yếu tố tác động tới các cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia
"Các ứng viên trên khắp thế giới dùng lo ngại về nợ Trung Quốc để thách thức các ứng viên đương nhiệm vốn dang rộng vòng tay với Vành đai, Con đường", ông Broderick nhận định.
Ông Broderick viện dẫn trường hợp của Tổng thống Jair Bolsonaro. Rất nhiều lá phiếu bầu cho ông Bolsonar vì tuyên bố xem lại các khoản đầu tư của Trung Quốc của chính trị gia này.
Theo các chuyên gia, với quyết định mới đây của Australia, Canberra không chỉ chấm dứt một thỏa thuận mà còn tạo tiền lệ cho các quốc gia khác tiến hành động thái tương tự nhằm đối phó với tham vọng của Bắc Kinh.
Cây viết Tanger Greer của Foreign Policy cho rằng Trung Quốc có thể lầm tưởng khi cho rằng thùng tiền dường như không bao giờ cạn của họ là tất cả những gì Bắc Kinh cần để giải quyết các vấn đề địa chính trị phức tạp. Chưa kể tới việc Trung Quốc đang phải ôm bom nợ khi nhiều quốc gia vẫn chưa thể trả nợ cho Bắc Kinh.
Mỹ: Chính sách ngoại giao "ép buộc" của Trung Quốc gây tổn hại cho Australia Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, sách ngoại giao "ép buộc" của Trung Quốc khiến Australia phải hứng chịu nhiều tổn hại ... |
Australia hủy các thỏa thuận ‘Vành đai và Con đường’, Trung Quốc cảnh báo Trung Quốc cảnh báo, quan hệ Canberra - Bắc Kinh sẽ trở nên tồi tệ sau khi các thỏa thuận “Vành đai và Con đường” ... |
Australia hủy thỏa thuận Vành đai và Con đường Australia hủy hai thỏa thuận do bang Victoria ký kết với Trung Quốc về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. |